Phà - đò miền Tây: “Gác máy, treo niêu” vì dịch

Phà - đò miền Tây: “Gác máy, treo niêu” vì dịch

Dù vắng vẫn phải chạy để hỗ trợ người dân

Từ 1/4, thực hiện cách ly xã hội, nhiều bến phà, bến đò ở Đồng bằng sông Cửu Long tạm ngưng hoạt động. Một số bến phà lớn hoạt động cầm chừng, phục vụ nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, người dân đi khám chữa bệnh, chở bệnh nhân đi cấp cứu… Vì dịch, nhiều bến phà rơi vào cảnh thua lỗ.

Bến phà Cô Bắc (quận Bình Thủy - Cần Thơ) nay rất vắng vẻ. Theo chia sẻ của chủ phà, lượng khách giảm hơn 50%. Thường ngày, phà đưa đón khoảng 1.800 - 2.000 lượt người, nhưng từ lúc dịch bệnh, lượng khách chỉ còn dưới 900 người. Ông Nguyễn Văn On, chủ phà cho biết, mặc dù chính quyền địa phương cho hoạt động nhưng lượng khách qua lại thưa vắng. Có lúc ông muốn ngưng hoạt động, nhưng thấy người dân qua lại phải đi vòng đường xa nên chạy cầm chừng. Hiện phà duy trì chạy 2 giờ/ngày, chủ yếu hỗ trợ đưa đón công nhân, người dân giờ đi làm và giờ ra về.

Tại bến Phà Phong Nẫm - Cái Côn (Sóc Trăng), ông Huỳnh Văn Danh, chủ phà cho biết lượng khách giảm gần 70%. Tính ra mỗi ngày bị lỗ gần 2 triệu đồng. Ông Danh dự định tạm dừng chạy phà từ ngày 1/4 nhưng sau đó Sở GTVT Sóc Trăng đến vận động phà hoạt động hỗ trợ người dân qua lại, vì nơi đây chỉ có tuyến đường duy nhất. Tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng) hiện có 10 bến phà ngang hoạt động. Nhiều chủ phà dự tính tạm ngừng hoạt động nhưng địa phương vận động một số bến phà cấp thiết hỗ trợ người dân qua lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Ông Đoàn Văn Chỉ, lái phà Đại Ngãi - Trà Vinh cho hay: “Tôi làm việc ở đây hơn 34 năm, chưa bao giờ thấy vắng như thế này. Lượng xe máy trước đây mỗi ngày có gần 3.000 lượt. Nhưng từ 1/4 mỗi ngày chỉ có chừng trăm xe”.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, chị Phạm Thị Chí Linh, chủ phà Cái Dầu (huyện Châu Thành) than trời vì không có khách. Mỗi ngày chị thiệt hại hơn 1 triệu đồng!

Không có đò, công nhân phải đi vòng 70km

Từ ngày 1/4, một số địa phương ở ĐBSCL chỉ đạo tạm dừng tất cả các bến đò, phà đưa khách sang sông. Việc này ảnh hưởng lớn đến hàng chục nghìn hộ dân, đặc biệt là nơi việc đi lại phụ thuộc vào đò, phà. Một số bến phà ở Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… cũng treo bảng tạm ngưng hoạt động. Nhiều nơi chỉ chở trường hợp công vụ, lương thực, hàng hóa nhu yếu phẩm, cấp cứu hoặc chạy cầm chừng, mỗi ngày 1 - 2 chuyến.

Việc tạm dừng các bến phà - đò khiến người dân gặp khó vì đường vào đất liền gian nan hơn khi phải sử dụng thuyền nhỏ, xuồng máy. Khó khăn nhất là hàng nghìn công nhân sống ở cù lao hoặc sống ở bờ sông Vĩnh Long, Đồng Tháp sang làm việc tại Cần Thơ. Như người dân sống ở xã Tân Quới, Tân Lược (phía bờ Vĩnh Long) làm việc tại Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ). 

Thay vì qua phà là tới nơi, nay phà không chạy, họ phải đi vòng đoạn đường hơn 30km, mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Còn Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) có hơn 70 hộ dân, 200 nhân khẩu. Sau khi toàn bộ đò ngang qua cồn dừng hoạt động, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Một số người dân phải đi xuồng máy hoặc chèo tay để đi chợ hoặc mua bán hàng hóa.

Mới đây, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Cần Thơ có văn bản gửi UBND và Sở GTVT TP Cần Thơ thống kê tình hình lao động có nhu cầu sử dụng bến khách ngang sông. Theo đó, có khoảng 1.600 lao động của 24 doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các bến ngang sông. Cụ thể, các bến đò, phà ngang mà công nhân, người lao động các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang sử dụng để đến nơi làm việc là bến phà Cồn Khương, Trà Nóc, Rạch Nọc, Bà Đồng, Bình Minh; bến đò Tân Bình, Xẻo Lá, Cô Bắc, Mười Thước…

Nhiều công ty ở Cần Thơ đang gặp khó vì công nhân, người lao động không thể đến công ty làm việc. Có nơi, nếu phải đi vòng cầu Cần Thơ thì quá xa, mất khá nhiều thời gian vì đoạn đường đi làm 50 - 70 km nên công nhân chấp nhận ở nhà, không đến công ty làm việc!

UBND huyện Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh cũng đã kiến nghị UBND TP Cần Thơ và Sở GTVT xem xét cho hoạt động trở lại ở một số bến trọng yếu, có nhu cầu đi lại như: Bến Vàm Xáng (huyện Phong Điền); bến Vàm Nhon, bến Trường cấp 3, bến Công Điền, bến cầu Đông Pháp (huyện Thới Lai); bến số 2, bến số 10, bến Láng Sen (huyện Vĩnh Thạnh)…

Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng vừa có văn bản tháo gỡ khó khăn, thống nhất cho các bến trên hoạt động trở lại. Chủ yếu nhằm phục vụ cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, người dân đi khám chữa bệnh, cấp cứu… Yêu cầu tất cả các bến phà, đò phải tuân thủ thực hiện công tác phòng chống dịch theo quy định.

Đối với đề xuất của Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP Cần Thơ, về việc mở lại các bến đò, phà ngang sông Hậu nhằm giúp hàng nghìn công nhân ở Đồng Tháp và Vĩnh Long sang Khu công nghiệp Trà Nóc làm việc, Sở GTVT TP Cần Thơ đang trao đổi với 2 tỉnh này để tìm hướng giải quyết…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ