(GD&TĐ) - Từ trước tới nay, với những học sinh chưa chăm, chưa ngoan, giáo viên đã có những hình thức nhắc nhở, kỷ luật khác nhau. Tuy nhiên, nhắc nhở, kỷ luật làm sao để học sinh chăm ngoan hơn, tiến bộ hơn thì với nhiều thầy cô vẫn không phải là điều dễ thực hiện... Trò chuyện với GD&TĐ, PGS Văn Như Cương đã tiết lộ những bí quyết trong việc giáo dục đối tượng học sinh này.
Theo PGS, có nên áp dụng các hình thức kỷ luật đối với học sinh hay không?
PGS Văn Như Cương |
- Trước hết, tôi muốn nói rằng, kỷ luật cũng là một trong những biện pháp để giáo dục. Tôi theo dõi ý kiến của một số nhà giáo dục học “đổi mới”, “cấp tiến” thì thấy có luận điểm (được phổ biến ở phương Tây và ở Việt Nam hiện cũng có rất nhiều người cổ súy). Đó là: “Học sinh luôn luôn đúng”. Tôi không biết tôi có phải là người “bảo thủ” hay không, nhưng tôi nghĩ nếu “học sinh luôn luôn đúng” thì không cần phải giáo dục gì nữa. Những đứa trẻ với suy nghĩ còn non nớt thì không thể luôn luôn đúng.
Học sinh hiện nay chịu ảnh hưởng, tác động từ nhiều yếu tố xung quanh đến nhận thức. Cho nên, trong nhà trường cần phải có những biện pháp giáo dục, cần phải có sự uốn nắn. Có một số người nghe tới từ “uốn nắn” đã bật lại ngay: Tại sao phải “uốn nắn”? Học sinh cần được phát triển tự nhiên, tại sao người lớn lại cứ muốn “uốn nắn”? Quan điểm của tôi là “trồng người”, không phải trồng một cái cây theo kiểu bonsai, gò ép kiểu bonsai là muốn ép thế nào cũng được theo ý người “trồng cây” nhưng không phải để một đứa trẻ từ bé đến lớn muốn phát triển thế nào thì tùy mà người lớn (thầy cô giáo, bố mẹ...) phải có định hướng cho đứa trẻ tìm được phương hướng phát triển đúng đắn của mình. Trong việc định hướng ấy ta cần khen thưởng những điểm tốt, sự tiến bộ, và cũng phải có một hình thức giáo dục tạm gọi là “kỷ luật” (khi mắc lỗi là phải có “kỷ luật”). Con người mới sinh ra được tiếp xúc với gia đình, với xã hội, bao giờ cũng có sự lệch lạc nhất định do trong hoàn cảnh gia đình hay trong hoàn cảnh xã hội... tác động; bởi vậy, nhiệm vụ lớn của nhà trường trong giáo dục là phải định hướng học sinh để những đứa trẻ đi vào con đường phát triển đúng. Kỷ luật là một hình thức để giáo dục, còn khi mà người ta nói đến “kỷ luật tích cực” là khi cần kỷ luật thì phải hướng tới làm cho con người ta phấn đấu tiến bộ hơn.
Giáo viên nên áp dụng hình thức kỷ luật như thế nào để học sinh không cảm thấy “bế tắc”, thưa PGS?
- Những hình thức kỷ luật trong giáo dục chủ yếu áp dụng khi học sinh đi học muộn thường xuyên, lười học thường xuyên, không làm bài tập, đánh nhau với bạn... Tuy nhiên, tôi tán thành ý nghĩa của kỷ luật tích cực. Ví dụ, không phải hễ học sinh vi phạm quy định gì đó trong nhà trường là đuổi học ngay. Không thể vì một lý do gì đó để kỷ luật học sinh đến mức gây sốc. Với những học sinh bị kỷ luật đuổi học thì ai sẽ là người nhận tiếp trách nhiệm giáo dục học sinh đó một khi đã rời khỏi nhà trường? Tôi không tán thành những hình thức kỷ luật “dễ dàng” với học sinh như ở mức đuổi học mà không nghĩ đến hậu quả. Khi buộc lòng phải thực hiện một hình thức kỷ luật gì đó với học sinh thì phải nghĩ đến việc giáo dục được gì qua hình thức kỷ luật đó. Kỷ luật học sinh không thể “sắt đá” theo kiểu xử lý người vi phạm pháp luật trong xã hội.
Trách phạt học sinh là để học sinh rút kinh nghiệm, chứ không phải để dồn các em vào chân tường |
Ngày trước, bố mẹ, thầy cô khi trách phạt hay áp dụng các hình thức kỷ luật nghiêm khắc với con cái, học sinh thì dường như ít gặp phải những phản ứng tiêu cực ở trẻ như bây giờ. PGS lý giải thế nào về vấn đề này?
- Tôi nhớ ngày trước bố mẹ thế hệ tôi có thể mắng con khi lười học, bị điểm kém: “Mày học như thế à, ăn tốn cơm...”, “mày học như thế à, cút đi đâu thì cút”... Ký ức về những lời trách mắng như thế cũng rất nặng nề, nhưng với học sinh thời tôi đi học thì nếu có “phản ứng” lại người lớn thường cũng chỉ dừng ở trong ý nghĩ thôi, ít thể hiện ra hành động. Nhưng thời buổi bây giờ khác, bố mẹ mà mắng: “Mày cút đi đâu thì cút” lập tức có những đứa trẻ “đi thẳng” luôn, đi bụi luôn, rồi bố mẹ lại phải đi tìm con về. Ngày trước, chúng tôi bị bố mẹ bảo “cút đi” cũng chẳng biết đi đâu, đến nhà bạn ở nhờ thì bố mẹ bạn cũng không cho phép. Bây giờ thì khác, có đứa trẻ bố mẹ đuổi là đi ngay ra hàng game, đi chơi tiếp luôn...
Như thế chứng tỏ những lời mắng nhiếc thời nay không “tích cực” nếu không nắm được tâm lý của con trẻ. Bố mẹ và thầy cô mắng trẻ em, nhưng nhiều khi không xét thấy thời buổi bây giờ sự phát triển tâm sinh lý của học sinh khác trước nhiều, chúng muốn tự khẳng định “cái tôi” của bản thân mình hơn trước. Trong khi ngày trước do lễ giáo phong kiến vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều trong vấn đề giáo dục ở gia đình và nhà trường; bố mẹ, thầy cô nói gì thì đứa trẻ cũng phải nghe, bảo làm gì không thích cũng phải làm. Bây giờ thì trình độ dân chủ, điều kiện kinh tế xã hội đã khác, trẻ con được học hỏi, xem nhiều, đọc nhiều, biết nhiều. Chúng hiểu rằng không phải bố mẹ, thầy cô nói gì cũng đúng. Do đó, trẻ thấy rằng chúng có quyền “phản biện”, nghĩ rằng chúng có “quyền” làm theo điều mà chúng cho rằng như thế mới đúng.
Trong trường học bây giơ, chuyện giáo viên dùng hình phạt như đánh đập học sinh thì ít thôi. Nhưng chuyện thầy cô giáo nói năng với học sinh kiểu “bạo lực” tinh thần thì khá phổ biến. Cô giáo có đánh đập gì đâu mà một em học sinh sau khi bị cô giáo nói vài câu đã từ lớp học trên tầng cao đi ra ngoài nhảy xuống sân trường tự tử. Thậm chí có học sinh chưa bị mắng hay kỷ luật gì, nhưng chỉ bị nghi “tắt mắt” mấy trăm nghìn đồng quỹ lớp thôi, nhưng tự ái cũng tìm đến cái chết. Hay một gia đình quá kỳ vọng con mình học tốt, thi đại học chắc chắn đỗ, đến khi báo điểm trượt thì đứa trẻ đó có thể sốc vì đứa khác học kém hơn mà lại đỗ, đứa trẻ đó vì thế mà tự tử luôn (!).
Bên cạnh việc xem xét những em học sinh đó quá “nhạy cảm”, nhận thức chưa tốt, thì thầy cô, bố mẹ học sinh và cả hệ thống giáo dục cần phải thấy rằng những sai lầm của người lớn có thể dẫn đến hậu quả không thể sửa chữa. Người lớn phải hiểu rằng không chỉ đánh đập, roi vọt mới gây tổn thương nghiêm trọng đến những đứa trẻ, mà có khi chính những lời nói không đúng lúc, đúng chỗ, không phù hợp với tâm sinh lý của đứa trẻ lại tác động rất mạnh đến tâm lý và phản ứng của trẻ em. Có thể cùng một lời trách mắng với nhiều trẻ em khác thì không đến nỗi gây hậu quả, nhưng với một số trẻ em quá “nhạy cảm”, tự ái cao thì lập tức có thể người lớn “nhận” ngay phản ứng tiêu cực từ đứa trẻ.
Vậy, người làm thầy phải có thái độ và lời nói như thế nào thì mới hạn chế được những “cú sốc” tâm lý nguy hiểm như thế, thưa PGS?
- Bình thường vào lớp thầy cô có thể nói: “Bây giờ các em (hay các con) mở giấy, vở ra làm bài”. Nhưng có một lúc nào đó thầy hay cô tâm trạng đang cáu, bực tức có thể lên giọng: “Các anh các chị bắt đầu học bài cho tôi nhờ” là học sinh trong lớp có thể căng thẳng, thậm chí lo sợ. Vì vậy, đã là thầy cô giáo thì về mặt tâm lý học, giáo dục học, chính thầy cô phải được rèn luyện rất kỹ lưỡng từ trong các trường sư phạm để có khả năng đối ứng với các tình huống trên lớp học, hay có khả năng kiềm chế tốt. Chứ là thầy mà cứ “ngang bằng sổ thẳng” với học sinh thì có nhiều tình huống không phù hợp. Ngay việc học sinh có khuyết điểm thì thầy cô gọi lên gặp như thế nào, hay nghiêm trọng hơn thì mời phụ huynh đến như thế nào cũng phải cân nhắc để hành xử sao cho phù hợp tâm lý của học sinh. Trách phạt học sinh là để học sinh rút kinh nghiệm cố gắng tiến bộ, chứ không phải để học sinh cảm thấy bị xúc phạm, bị dồn vào chân tường.
An Nhiên (thực hiện)