Peru: Thiệt thòi giáo dục cho trẻ em gái

Peru: Thiệt thòi giáo dục cho trẻ em gái

(GD&TĐ) - Khu vực nông thôn chủ yếu là đồi núi, đã cản trở rất lớn đến hoạt động giáo dục nói chung và trẻ em gái nói riêng. Đường đến trường xa xôi, lớp học kết thúc lúc xẩm tối… là những rào cản con đường tới trường của trẻ em gái Peru.

Yasmin Sena, nữ sinh 18 tuổi cho biết, lớp học cách ngôi làng Tumba, cao nguyên phía tây Peru mà cô bé đang sống, 1 giờ đi bộ. Đó là con đường thực sự khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt khi các nữ sinh phải trở về vào lúc tối trời. Sena vẫn cố vượt khó khăn để hoàn thành bậc trung học nhưng nhiều bạn gái đồng lứa cùng làng đã bỏ học.

Peru đã thông qua Luật Thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái tại khu vực nông thôn từ năm 2001 nhưng thực tế chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo nhận xét của Florecer (Mạng lưới GD cho phụ nữ toàn quốc tại Peru), điều duy nhất đạt được là nâng cao nhận thức và thu hút các tổ chức xã hội quan tâm tới vấn đề này. Nghiên cứu, dựa vào thống kê chính thức từ năm 2009 và quí I/2010 cho thấy 83,7% trẻ từ 12 đến 16 tuổi tại khu vực đô thị đến trường so với chỉ 66,4% so với cùng nhóm tuổi ở khu vực nông thôn. Trong khi không có sự khác biệt về tỉ lệ nữ sinh và nam sinh tại khu vực nông thôn đăng kí học đầu cấp trung học thì có sự chênh lệch sĩ số lớn khi kết thúc cấp học. Chỉ 43% phụ nữ trẻ nông thôn từ 20 đến 24 tuổi đã hoàn thành trung học phổ thông, so với tỉ lệ 58% nam giới cùng độ tuổi.

Peru: Thiệt thòi giáo dục cho trẻ em gái ảnh 1
Những em gái Peru

“Trọng nam” là yếu tố đầu tiên khiến các gia đình ưu tiên cho con trai tới trường. Điều kiện địa lí là một yếu tố khác. Sena cho biết nhiều bạn cùng lớp sống tại những ngôi làng trên núi cao đã bỏ học bởi các lớp học chỉ tổ chức vào buổi chiều (tại nhiều nơi ở Peru, các trường học theo 2 ca), rất nguy hiểm khi về nhà vào buổi tối. “Một số bạn phải đi bộ rất xa khi tan trường lúc 6h30 chiều. Nhiều bạn đã bỏ học và nay đã phải làm mẹ”, Sena kể.

Theo nghiên cứu của Florecer, tiến bộ lớn nhất trong khỏa lấp bất bình đẳng giới trong giáo dục là ở bậc tiểu học. 94,4% trẻ giữa 6 và 11 tuổi được tới trường và không có sự cách biệt lớn về giới tính hoặc gia cảnh giàu nghèo. Nhưng ở cấp mẫu giáo thì khoảng cách nông thôn – đô thị đặc biệt lớn: 66,3% trẻ trẻ đô thị từ 3 đến 5 tuổi được đi học so với 55% với trẻ nông thôn. Điều đáng quan tâm là trong khi số trẻ gái khu vực nông thôn nhiều hơn trẻ trai ở cấp mẫu giáo nhưng tỉ lệ này dần đảo ngược khi lên các cấp học cao hơn. Bất bình đẳng ở mức báo động đối với trẻ em gái gốc gác bản địa.

Theo Quĩ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hiện trạng trên thấy rõ tại các tỉnh có đông cư dân bản địa. Ở tỉnh Condorcanqui, khu vực rừng rậm phía bắc Amazone, và Purus, khu vực đông bắc Amazon, tỉ lệ nam từ 13 đến 15 tuổi học hết tiểu học cao hơn so với nữ 10%; sự chênh lệch ở cấp trung học lên tới 15%. 

Những trường nội trú, nơi học sinh học 15 ngày và sau đó về nhà 15 ngày sống cùng gia đình, có thể là giải pháp hữu hiệu nâng sĩ số nữ sinh cấp trung học.

Bảo Chi  (Tổng hợp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ