Pep Guardiola: Thành công đến từ những… tiểu tiết

GD&TĐ - Với các nhà cầm quân, ngoài tài năng và bộ não chiến thuật, họ còn cần tới sự tỉ mẩn và sự tập trung cao độ cho công việc vốn chịu nhiều áp lực. Pep Guardiola là một người như vậy.

Pep Guardiola chú ý tới những tiểu tiết ngay ở những ngày khởi nghiệp
Pep Guardiola chú ý tới những tiểu tiết ngay ở những ngày khởi nghiệp

Ảnh hưởng của Thánh Johan Cruyff

Kể từ ngày ngồi vào chiếc ghế nóng ở Barcelona vào năm 2008 tới nay, Pep Guardiola được biết đến là HLV thành công nhất của bóng đá châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Sự thành công đó được đo bằng bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ. Nhưng quan trọng hơn cả, mỗi đội bóng mà Pep dẫn dắt đều được gắn với 4 chữ “đẳng cấp thượng lưu”. Họ mang tới cảm xúc và sự thăng hoa kể cả khi thất bại.

Cách mà Pep quản lý và dẫn dắt một đội bóng được nâng tầm thành triết lý. Đấy là điều mà không phải HLV nào cũng làm được. Tất nhiên, với các nhà cầm quân, tư duy chiến thuật là yếu tố quan trọng bậc nhất.

Nhưng với Pep, ngoài bộ não “khác người”, ông còn được biết đến là một con người rất tỉ mẩn với công việc của mình. Với mỗi sự việc, nhà cầm quân người Tây Ban Nha đều đặt dưới kính hiển vi, quan tâm tới từng tiểu tiết. Đây được đánh giá là phẩm chất biến Pep trở thành “thiên tài” của giới cầm quân.

Cách làm việc phụ thuộc khá nhiều vào tính cách nhưng Pep chịu ảnh hưởng không nhỏ từ người thầy vĩ đại Johan Cruyff. Từ Ajax tới Barcelona, cố HLV người Hà Lan đã mang toàn bộ những kiến thức thâm sâu về chiến thuật. Ông buộc phải chú ý tới những tiểu tiết để tạo ra “dream team” vào năm 1992.

Khi ấy, Pep còn rất trẻ nên Johan Cruyff phải chỉ bảo cặn kẽ từng ngày. Còn nhớ, hồi tháng 4/1992, sau trận thua Valencia 0-1 tại Mestalla, nhà cầm quân huyền thoại người Hà Lan đã phải dành 3 giờ nói chuyện riêng với Pep chỉ vì ông thực hiện một đường chuyền hỏng. Valencia không ghi bàn ở tình huống đó nhưng nó đủ gióng lên hồi chuông báo động cho chiến thuật của “Thánh Johan”.

“Sự nghiệp của tôi chịu ảnh hưởng khá lớn từ thầy Johan Cruyff. Ông ấy đã cho tôi rất nhiều bài học đắt giá về chiến thuật, đấu pháp cho tới việc quản lý con người. Tôi bất ngờ khi ông quan tâm tới những chi tiết rất nhỏ”, Pep nói về người thầy cũ.

Pep bắt đầu sự nghiệp huấn luyện ở Barcelona B vào năm 2007 nhưng trước đó, ông đã chập chững bước vào nghề khi thi đấu cho CLB Dorados de Sinaloa của Mexico.

Pep chọn đội bóng này vì từ lâu đã ngưỡng mộ HLV Juanma Lillo. Trong các buổi tập luyện của Dorados, Pep luôn mang theo một quyển sổ màu đen và ghi chép chi tiết mọi tinh túy của bài giảng. Sau này, ông còn xin phụ trách việc phân tích đối thủ.

Từ những trải nghiệm đó ở Mexico, Pep bắt đầu chú ý tới những chi tiết rất nhỏ trong các trận đấu và trở thành cánh tay phải đắc lực của HLV Lillo. Nhà cầm quân này đã sớm nhận ra một HLV tài năng: “Tôi tin Guardiola sẽ trở thành HLV kỳ tài. Cậu ấy khác biệt với phần còn lại đi theo lối mòn. Chiến thuật có thể học hỏi và tích lũy nhưng tư duy và cách làm việc chỉn chu thì không dễ thay đổi”.

Khởi nghiệp HLV ở Barcelona B, Pep bắt đầu bộc lộ tính cách của mình một cách rõ ràng nhất. Nó thể hiện ở quyết định bổ nhiệm trợ lý Manuel Estiarte. Đây là người không liên quan tới bóng đá bởi ông là VĐV bóng nước.

Nhưng Pep thích Estiarte bởi tính cẩn thận và cầu toàn. Nhiệm vụ của trợ lý này là tìm hiểu suy nghĩ của các cầu thủ và truyền đạt cho Pep. Ở thời điểm đó, công việc này bị xem là kì quặc nhưng Pep muốn bắt đầu từ những tiểu tiết. Ông muốn hiểu cầu thủ và suy nghĩ của họ trước khi truyền đạt ý tưởng của mình.

Cải tổ của Pep giúp Barcelona B thăng hạng và ông lập tức được bổ nhiệm vào ghế nóng ở sân Camp Nou. Đây cũng là quyết định đánh dấu sự thành công của Pep trong sự nghiệp huấn luyện. Từ Barcelona tới Bayern Munich và Man City, ông đều duy trì triết lý kiểm soát.

Khái niệm “kiểm soát” ấy được hiểu theo nghĩa rất rộng, từ kiểm soát bóng, kiểm soát trận đấu, kiểm soát cầu thủ và tình hình của đội bóng. Để làm được việc đó, nhà cầm quân người Tây Ban Nha buộc phải để ý tới những tiểu tiết dù là nhỏ nhất.

Nhờ những tiểu tiết, Pep tạo ra sự thích ứng nhanh với mọi giải đấu
Nhờ những tiểu tiết, Pep tạo ra sự thích ứng nhanh với mọi giải đấu 

Sự lan tỏa của tiki-taka

Khi tái sinh lối chơi tiki-taka ở Barcelona, Pep đã đề ra quy tắc 3 giây (pressing quyết liệt trong vòng 3 giây từ khi mất bóng, nếu không thành công mới lùi về tổ chức thế trận phòng ngự). Đây là chi tiết khác biệt với thời của Johan Cruyff.

Ở Man City, Pep hiện vẫn giữ thói quen để ý các chi tiết nhỏ để quản lý và nâng tầm đội bóng. Còn nhớ, ở trận derby Manchester diễn ra hồi tháng 11/2018, nhà cầm quân người Tây Ban Nha từng trút cơn thịnh nộ lên Raheem Sterling vì cầu thủ này thực hiện những cú đảo chân mang tính biểu diễn ở phút bù giờ. Pep nổi nóng vì ông yêu cầu các cầu thủ giữ bóng để kéo dài thời gian. Trận đấu đó, Man City thắng 3-1 nhưng Pep có nguyên tắc riêng của mình.

Trước đó, ở mùa giải đầu tiên làm việc ở Anh (2017 - 2018), Pep từng giam mình trong phòng làm việc cả ngày, quyết không gặp ai, kể cả vợ con chỉ vì bị Everton cầm hòa 1-1. Đấy là trận đấu diễn ra ở vòng 2. Ông phải phân tích kĩ lưỡng vì sao ý tưởng của mình không thể phát huy hiệu quả. Và ngay sau đó, Man City thiết lập chuỗi thắng 18 trận liên tiếp ở Premier League. Cho tới nay, kỉ lục này vẫn chưa bị đội bóng nào xô đổ.

Như thừa nhận của Pep sau khi giúp Man City đăng quang Premier League 2 mùa liên tiếp, ông phải để ý tới từng tiểu tiết vì mỗi giải đấu, mỗi thời điểm của mùa giải và mỗi đội bóng đều có sự khác biệt. Phải nắm được những chi tiết nhỏ nhặt, ông mới có thể đưa ra những điều chỉnh và thay đổi kịp thời. Đấy là chìa khóa đưa Pep trở thành “thiên tài”.

Thực tế, ở Barcelona, Pep áp dụng lối chơi kiểm soát theo phong cách tiki-taka thuần túy. Nhưng tới Bayern Munich, ông lại tạo ra một tập thể chơi tấn công trực diện thuộc loại hay nhất châu Âu.

Còn tới Man City, để thích nghi với Premier League, nhà cầm quân người Tây Ban Nha chú ý tới thể lực và tốc độ. Kiểm soát và thống trị là một chuyện nhưng làm được điều đó ở tốc độ cao là thử thách rất lớn. Từ những tiểu tiết, Pep tạo ra sự thích ứng. Đấy chính là bí quyết thành công của nhà cầm quân này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ