6 tháng, cả nước xảy ra 2.089 vụ cháy nổ
Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều lần về nguy cơ cháy nổ, tuy nhiên tình trạng cháy nổ vẫn xảy ra thường xuyên và đã cướp đi tính mạng, tài sản của nhiều gia đình. Thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ cho thấy, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã xảy ra 2.089 vụ cháy, làm chết 65 người, bị thương 133 người, thiệt hại về vật chất khoảng gần 1.300 tỷ đồng và hơn 200 ha rừng.
Đáng chú ý, những vụ hỏa hoạn lớn gần đây gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản như Carina trên đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TPHCM, CT4B – khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội… cho thấy sự bất an của người dân trong các tòa nhà chung cư, tòa nhà cao tầng như thế nào.
Để giảm thiểu tối đa những vụ cháy nổ, các chuyên gia cho rằng, trước hết các cấp, ngành cần phải có giải pháp về quy hoạch, xây dựng chung cư cao tầng để mật độ xây dựng không quá tải gây khó khăn cho công tác PCCC và cứu hộ khi xảy ra sự cố cháy nổ. Trường hợp chẳng may nếu xảy ra cháy nổ, ban quản lý, ban quản trị và người dân của khu chung cư cần phải thật bình tĩnh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và người khác…
Nói về nguyên nhân của các vụ cháy xảy ra gần đây tại các chung cư, nhà cao tầng Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên vẫn là do chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư hạng mục PCCC cho công trình, hoặc có làm cũng chỉ nhằm đối phó để thẩm duyệt, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Bởi vậy để khắc phục tình trạng trên, Thượng tá Việt cho rằng, cần phải xây dựng định mức về giá thiết bị, vật tư, định mức đầu tư tối thiểu của hạng mục hệ thống PCCC là bao nhiêu phần trăm so với tổng mức đầu tư của dự án nhằm đảm bảo vấn đề về chất lượng, kinh phí duy trì trang thiết bị. Bên cạnh đó cần tăng mức xử phạt đối với một số vi phạm, bổ sung thêm các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc hình thức xử phạt bổ sung để có căn cứ cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Bởi hiện rất nhiều chủ đầu tư không quan tâm đến chất lượng của hệ thống PCCC, họ lựa chọn các thiết bị rẻ tiền, công nghệ cũ, kém chất lượng… dẫn đến khi đưa vào sử dụng một thời gian đã báo lỗi, hoặc bị hỏng không hoạt động được…
Bất cập trong quy hoạch
Tại nhiều hội thảo phân tích về PCCC, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc cháy nổ ngày một nhiều trong thời gian gần đây chính là do bất cập, yếu kém trong công tác quy hoạch, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Bởi theo quy hoạch của người Pháp trước kia ở những nơi này luôn rất hợp lý. Chẳng hạn như giữa tất cả các khu chung cư đều có những khoảng không, hồ nước và rất thoáng đãng với nhiều cây xanh bao quanh. Tuy nhiên, nay những khoảng không gian của các chung cư đó hầu như bị phá vỡ, băm nát dẫn đến việc công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ gặp vô cùng khó khăn.
Không những thế, thay vì phải giãn dân ra khỏi các khu trung tâm, thì nay các nhà quy hoạch, cùng cấp chính quyền địa phương lại ồ ạt cấp phép cho xây dựng hàng loạt các khu chung cư cao tầng ở ngay giữa trung tâm thành phố, nhưng lại không quy hoạch về đường sá nên công tác PCCC đã khó nay lại càng khó khăn hơn.