Pakistan thử thuốc trị Covid-19 từ thảo dược, Israel bắt đầu tiêm mũi thứ 4

GD&TĐ - Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Davos hôm qua rằng thế giới phải tiêm vắc xin Covid-19 cho tất cả mọi người để đảm bảo thoát khỏi đại dịch.

Pakistan tiêm vắc xin Covid-19 cho người cao tuổi.
Pakistan tiêm vắc xin Covid-19 cho người cao tuổi.

“Hai năm qua đã chứng minh một sự thật đơn giản nhưng tàn khốc là nếu chúng ta bỏ rơi bất kỳ ai, tất cả mọi người sẽ bị bỏ lại” – Ông Guterres nói – “Nếu chúng ta không tiêm phòng cho mọi người, chúng ta sẽ khiến các biến thể mới lây lan qua biên giới và khiến cuộc sống hàng ngày cùng nền kinh tế bị đình trệ”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng cộng đồng quốc tế cần “đối đầu với đại dịch bằng sự bình đẳng và công bằng”. Ông nhấn mạnh WHO đã công bố chiến lược vào mùa thu năm ngoái để tiêm cho 40% dân số vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm nay. Tuy nhiên, “chúng ta không ở gần những mục tiêu trên” – ông nói và cho biết tỷ lệ tiêm chủng ở các nước thu nhập cao cao gấp 7 lần so với các nước châu Phi và chúng ta cần sự công bằng về vắc xin.

Hôm qua (17/1), các cơ quan y tế Pakistan thông báo đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng thành công thuốc thảo dược cổ truyền Trung Quốc để điều trị Covid-19 khi bước vào đợt thứ 5 của đại dịch do biến thể Omicron gây ra.

Loại thuốc có tên Jinhua Qinggan Granules (JHQG) do Công ty TNHH Dược phẩm Juxiechang (Bắc Kinh) sản xuất, đang được sử dụng trong điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc.

Các thử nghiệm ở Pakistan được tiến hành trên 300 bệnh nhân được điều trị tại nhà và có tác dụng đối với các ca mắc Covid-19 từ nhẹ đến trung bình – Tiến sĩ Raza Shah, điều tra viên chính của thử nghiệm, nói và cho biết tỷ lệ hiệu quả là khoảng 82,67%.

Các thử nghiệm đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Pakistan phê duyệt.

Pakistan báo cáo 4.340 ca mắc Covid-19 hôm qua, cao nhất trong 3 tháng.

Thuốc trị Covid-19 thảo dược cổ truyền của Trung Quốc
Thuốc trị Covid-19 thảo dược cổ truyền của Trung Quốc

Tại Pháp, Bộ Y tế hôm qua cho biết số người mắc Covid-19 tại các bệnh viện Pháp đã tăng thêm 888 ca lên 25.775 ca – mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ đầu tháng 11/2020 – thời điểm trước khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng của nước này. Lần cuối cùng số lượng bệnh nhân Covid-19 trên 25.000 là vào ngày 17/12/2020.

Dữ liệu hôm qua của Bộ Y tế cũng cho thấy số người mắc Covid-19 trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt tăng thêm 61 người, lên 3.913 người, sau khi ổn định trong 4 ngày.

Viện Pasteur của Pháp tuần trước đưa ra dự kiến số ca mắc cao điểm vào giữa tháng 1, tiếp theo là cao điểm về số ca nhập viện vào nửa cuối tháng 1.

Tại Israel, theo một nghiên cứu sơ bộ, mũi thứ 4 vắc xin Covid-19 tăng cường kháng thể cao hơn so với lần tiêm thứ 3 nhưng nó không đủ để ngăn ngừa sự lây nhiễm của biến thể Omicron.

Trung tâm y tế Sheba của Israel đã tiêm mũi nhắc lại lần thứ 2 trong một cuộc thử nghiệm với các nhân viên của mình. Họ cũng đang nghiên cứu tác dụng của liều tiêm tăng cường bằng vắc xin Pfizer ở 154 người sau 2 tuần và vắc xin Moderna ở 120 người sau 1 tuần – Giám đốc đơn vị Bệnh truyền nhiễm Gili Regev-Yochay cho biết.

Dữ liệu được so sánh với nhóm đối chứng không nhận được mũi tiêm thứ 4. Bệnh viện cho biết những người trong nhóm tiêm vắc xin Moderna trước đó đã được tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer.

Bà Regev-Yochay cho biết liều vắc xin thứ 4 làm tăng số lượng kháng thể nhiều hơn một chút so với sau khi tiêm liều thứ 3 nhưng không đủ để chống với Omicron.

“Hiện tại, chúng tôi biết rằng mức độ tháng kể cần thiết để bảo vệ và không bị nhiễm bệnh từ Omicron có lẽ là quá cao so với vắc xin, thậm chí đó là loại vắc xin tốt”

Những phát hiện trên mới chỉ là sơ bộ và chưa được công bố chính thức.

Israel là quốc gia triển khai tiêm vắc xin Covid-19 nhanh nhất và đã bắt đầu tiêm mũi thứ 4, hay mũi nhắc lại thứ 2, cho những nhóm dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ