Ngày 19/8, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X tổ chức kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) bầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2021-2026.
Các đại biểu HĐND tỉnh đã bầu ông Võ Tấn Đức, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai làm Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2021-2026 với số phiếu bầu 72/72 đại biểu có mặt, đạt tỉ lệ 100%.
Ông Võ Tấn Đức sinh ngày 25/2/1970, quê xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; trình độ: Thạc sĩ Quản lý xây dựng, Cử nhân Kế hoạch hóa kinh tế quốc dân, Cử nhân Tài chính kế toán, Cao cấp Lý luận chính trị.
Trước khi được phân công Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức từng trải qua các chức vụ tại huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành.
Ông Võ Tấn Đức được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cuối năm 2020.
Trước đó, chiều 9/8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khóa XI tổ chức Hội nghị không thường kỳ để xem xét nhân sự cho chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại hội nghị, đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai báo cáo Tờ trình số 62-TTr/TU ngày 1/8/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để bầu chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Võ Tấn Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu đã bầu ông Võ Tấn Đức giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, với sự tín nhiệm tuyệt đối.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Võ Tấn Đức cho biết, đây là niềm vinh dự và là trách nhiệm to lớn đòi hỏi bản thân phải tập trung tâm huyết và trí tuệ, phấn đấu không ngừng để hoàn thành tốt trọng trách của mình; xứng đáng với sự tín nhiệm và tin cậy của quý vị đại biểu và Nhân dân.
Tân Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, thời gian tới sẽ xây dựng chính quyền kỷ cương, liêm chính, sáng tạo; xây dựng tổ chức, bộ máy chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, năng động, tinh gọn, hiệu quả và trách nhiệm cao; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà trong giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân.
Giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc, nhất là lĩnh vực Giáo dục, Y tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác đối ngoại mở rộng hợp tác quốc tế...