Theo thông tin về cuộc điện đàm, trong cuộc trò chuyện giữa 2 tổng thống được cho là kéo dài hơn 2 giờ, ông Putin đã chúc mừng Tổng thống Macron về việc ông tái đắc cử và cập nhật tình hình Ukraine, bao gồm hoạt động sơ tán dân thường khỏi nhà máy Azovstal ở Mariupol.
Tổng thống Putin tuyên bố các quốc gia EU đã phớt lờ “tội ác chiến tranh của lực lượng an ninh Ukraine, các cuộc pháo kích lớn vào những thành phố và thị trấn của Donbass, dẫn đến thương vong cho dân thường”.
“Cần lưu ý rằng phương Tây có thể giúp ngăn chặn những hành động tàn bạo này bằng cách gây ảnh hưởng phù hợp lên chính quyền Kiev, cũng như bằng cách ngừng cấp vũ khí cho Ukraine” – Theo Điện Kremlin dẫn lời ôn Putin.
Khi Ukraine và Nga tiếp tục cáo buộc nhau về tội ác chiến tranh, ngày 30/4, ông Macron đã hứa với Tổng thống Zelensky rằng Pháp sẽ “tăng cường” cả viện trợ quân sự và nhân đạo cho Kiev. Trong khi đó, Nga nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây không nên gửi vũ khí vì cho rằng điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột. Moscow cũng nói rõ sẽ coi bất kỳ vũ khí nào của nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine là mục tiêu hợp pháp.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng Moscow vẫn cởi mở đối thoại với Ukraine, bất chấp điều mà ông gọi là “sự thiếu nhất quán và không chuẩn bị cho công việc nghiêm túc của Kiev”. Trong khi đó Ukraine đổ lỗ cho Moscow về sự bế tắc trong cuộc đàm phán.
Theo Điện Kremlin, ông Macron bày tỏ quan ngại về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Nhà lãnh đạo Pháp trước đó gọi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là lý do chính dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực đang bùng phát. Tuy nhiên, ông Putin khẳng định tình hình đã trở nên tồi tệ hơn “chủ yếu do các lệnh trừng phạt” mà phương Tây áp đặt lên Moscow. Ông cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc các cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần toàn cầu không bị cản trở”.
Ông Macron nằm trong số ít các nhà lãnh đạo phương Tây tiếp tục đối thoại trực tiếp với ông Putin kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đồng thời, ông khẳng định sẽ đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt chống Nga, bao gồm các hạn chế cứng rắn hơn đối với năng lượng Nga.
Moscow tiến hành chiến dịch quân sự Ukraine vào cuối tháng 2 vì cho rằng Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2014. Nga đã công nhận 2 nước cộng hòa ly khai Donestk và Lugansk là các quốc gia độc lập. Nghị định thư Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai địa vị đặc biệt ở Ukraine.
Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa bằng vũ lực.