Sputnik dẫn lời Trợ lý Tổng thống Nga Nikolai Patrushev hôm 24/7 cho biết, học thuyết Hải quân của Nga đã có sự điều chỉnh về mặt chiến lược nhằm thích ứng với tình hình toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Theo đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra chỉ thị điều chỉnh các văn bản hoạch định chiến lược trong Học thuyết Hải quân Nga. Sự điều chỉnh là cần thiết cho sự phát triển và cân bằng của lực lượng hải quân Nga nhằm bảo vệ hiệu quả lợi ích quốc gia.
"Ông Putin đã đưa ra một số chỉ thị về phát triển ngành đóng tàu để đảm bảo quốc phòng và an ninh quốc gia. Chỉ thị của Tổng thống được đưa ra sau cuộc họp về đóng tàu và có tính đến tình hình thay đổi nhanh chóng trên thế giới" - ông Patrushev cho hay.
Cụ thể, ông Putin đã ra chỉ thị về việc phát triển ngành đóng tàu và tăng cường lực lượng cho Hải quân.
Bối cảnh toàn cầu hiện nay mang lại những thách thức cho Nga, đặc biệt là về Hải quân. Mỹ và các nước NATO khác đang tăng cường sự hiện diện của hải quân tại các vùng biển thế giới, bao gồm cả vùng biển tiếp giáp trực tiếp với lãnh thổ Nga, vị quan chức này cho biết.
"Họ đang tích cực điều động lực lượng hải quân đến những nơi khai thác tài nguyên. Dưới chiêu bài chống cướp biển và khủng bố, chặn đường thủy, bắt giữ và kiểm tra tàu chở hàng và tàu chở khách treo bất kỳ cờ nào, tăng số lượng căn cứ hải quân và tập trận quân sự, họ đang cố gắng hạn chế lợi ích quốc gia của các quốc gia có chủ quyền" - ông Patrushev lưu ý.
Sự mở rộng của NATO là điều được giới lãnh đạo Nga cảnh giác và đã tập trung nguồn lực để đối phó trong nhiều năm. Học thuyết Hải quân được phê duyệt năm 2015 đã có những cập nhật lớn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với NATO, cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ đối tác chiến lược ngày càng phát triển của Nga với Trung Quốc.
Đến tháng 7/2022, Nga đã có sự thay đổi về Học thuyết Hải quân, thay thế và bổ sung một số điều khoản quan trọng của Học thuyết năm 2015. Ở đó, phía Nga khẳng định đã đánh dấu biên giới và khu vực lợi ích quốc gia của Nga một cách minh bạch với các quốc gia láng giềng và thế giới.
Bản cập nhật của học thuyết cho rằng, Mỹ theo đuổi con đường thống trị các đại dương, những tiến trình liên quan đến việc sử dụng các tuyến vận tải biển và tài nguyên năng lượng. Washington và đồng minh của họ cũng đã tìm mọi cách để hạn chế quyền tiếp cận của Nga đối với các nguồn tài nguyên của đại dương thế giới và các tuyến vận tải biển quan trọng.
Cùng với đó, Mỹ cũng đang nỗ lực để đạt được sự áp đảo về sức mạnh hải quân và thúc đẩy năng lực của các cường quốc hải quân khác. Việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của NATO gần biên giới Nga và số lượng các cuộc tập trận của liên minh ngày càng tăng ở các vùng biển gần Nga.
Những lý do này đã khiến Nga không thể đứng nhìn và đặt ra mục tiêu chiến lược cho Hải quân và các đội tàu thương mại phù hợp với chiến lược an ninh quốc gia và học thuyết quân sự rộng hơn.
Chiến lược bao gồm các nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển, sử dụng và bảo vệ tài nguyên đại dương trên thế giới, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của Nga, các biện pháp đảm bảo khả năng tiếp cận các tuyến đường thương mại thế giới và đánh giá các rủi ro và mối đe dọa đối với Nga.
Moscow cũng khẳng định việc duy trì vị thế của Nga như một cường quốc biển, có các hoạt động nhằm bảo vệ sự ổn định chiến lược tại các đại dương trên thế giới, tăng cường ảnh hưởng quốc gia và phát triển quan hệ đối tác cùng có lợi trong lĩnh vực hoạt động hàng hải.
Việc tăng cường ảnh hưởng hàng hải của Nga tại Bắc Cực, bao gồm dọc theo thềm lục địa, và phát triển hành lang vận tải Tuyến đường biển phía Bắc thành tuyến đường vận tải quốc gia có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu được coi là những ưu tiên quốc gia quan trọng.
Phát biểu tại lễ ký sắc lệnh phê duyệt Học thuyết Hải quân cập nhật vào năm 2022, Tổng thống Putin đã nói: "Trước hết và quan trọng nhất, đây là vùng biển Bắc Cực của chúng ta, Biển Đen, Biển Okhotsk, Biển Bering và Biển Baltic, cũng như Eo biển Kuril. Chúng ta sẽ đảm bảo bảo vệ chúng một cách chắc chắn và bằng mọi cách."