“Ông lớn” nào đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng Việt?

GD&TĐ - “Cả nước hiện có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ...”- Đó là những con số gây chú ý từ “Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam” sáng nay tại Hà Nội. Thực tế, thị trường bán lẻ đang chịu sự chi phối của những “ông lớn” nào?

Doanh số bán lẻ tăng qua từng năm (ảnh: Thanh Tuấn)
Doanh số bán lẻ tăng qua từng năm (ảnh: Thanh Tuấn)

Các “ông lớn” không ngừng gây ảnh hưởng

Theo bà Lê Việt Nga (Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương), các doanh nghiệp trong nước đang chiếm phần lớn trên thị trường bán lẻ Việt Nam có thể kể đến các gương mặt “ông lớn” như: Hệ thống kinh doanh tổng hợp có Co.op Mart, Vinmart, Fivimart, SaigonCoop, SatraMart, Hapromart… Bên cạnh đó, thị trường còn có sự tham gia của các nhà bán lẻ nổi tiếng nước ngoài, trong đó có: Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)...

"Hiện tại, thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị (Trung tâm phân phối), trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini (cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên dụng), siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình. Với đặc điểm về vốn, kinh nghiệm, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lựa chọn phân khúc riêng, hoặc cố gắng hiện diện ở tất cả các phân khúc như Sài Gòn Co.op hay Vingroup”- Bà Lê Việt Nga nêu.

Nói về Sài Gòn Co.op thì đây doanh nghiệp bán lẻ tiên phong tại Việt Nam (được thành lập từ năm 1989 theo mô hình liên hiệp hợp tác xã). Hiện doanh nghiệp này có mặt trên 7 phân khúc bán lẻ trừ siêu thị điện máy. Điểm đặc biệt là trên mảng đại siêu thị (trung tâm phân phối), Sài Gòn Co.op là doanh nghiệp Việt duy nhất cạnh tranh với tập đoàn Central Group, với hệ thống Co.opXtra và Co.opXtra Plus, cũng như hợp tác với đài truyền hình mở kênh bán hàng HTV Co.op...

Mua sắm ở siêu thị thành thói quen của người tiêu dùng thành phố (ảnh: Thanh Tuấn)
 Mua sắm ở siêu thị thành thói quen của người tiêu dùng thành phố (ảnh: Thanh Tuấn)

Trong khi đó, VinGroup là tập đoàn thương mại lớn, vài năm gần đây VinGroup cũng được xếp vào hàng “ông lớn” bán lẻ, khi nhảy sang mảng bán lẻ bằng việc mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp có sẵn trên thị trường, gần đây nhất VinGroup đã mua lại hệ thống gồm 23 siêu thị FiviMart. Ngoài phân khúc đại siêu thị và bán lẻ qua truyền hình, VinGroup có mặt ở các kênh bán lẻ khác từ trung tâm mua sắm phức hợp, 1.700 cửa hàng tiện lợi, 11 trung tâm mua sắm Vincom Center, khoảng 100 siêu thị Vinmart, hệ thống siêu thị điện máy và kênh trực tuyến adayroi.vn.

Doanh nghiệp ngoại hiện có phân khúc lớn nhất tại thị trường bán lẻ Việt Nam có sự góp mặt của Tập đoàn Central Group (Thái Lan), với việc mua lại hệ thống siêu thị BigC, siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Central Group còn mở trung tâm mua sắm Robins, cửa hàng chuyên đồ thể thao Supersports tại Việt Nam...

Đánh giá của chuyên gia cho thấy: Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa.

Ngoại thành còn bỏ ngỏ

Mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt, song hàng Việt Nam vẫn giữ được chỗ đứng tại các kênh phân phối bán lẻ truyền thống và hiện đại. Theo thông tin từ Sở công thương các địa phương, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị vẫn được duy trì ở mức cao (trên 80%): Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vinmart (96%), Vissan (95%), Hapro (95%).

Trong khi đó, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 65% đến 95%, cụ thể: Lotte, Big C (90%), AEON - Citimart (82-85%), Auchan (65%), TTTM Emart (96%), TTTM Saigon Centre (68%). Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi cũng chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Doanh số bán lẻ đã tăng qua từng năm. Nếu như năm 2010, doanh số bán lẻ của Việt Nam là 1677,3 tỉ đồng, con số này lên đến 4440 tỉ đồng vào năm ngoái.

TS Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nguyên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh) cho biết bán lẻ là ngành được nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và khởi nghiệp nhất ở Việt Nam. Xét về chỉ số kinh doanh khởi nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, Việt Nam đứng thứ 2/54 quốc gia được khảo sát.

Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại rộng lớn. Thị phần bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ,thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%.

Tuy nhiên, điều đáng nói là các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ rất nhiều.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh. Giai đoạn từ 2015 đến 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5%- 10,9%. Trong khi đó, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, đây là mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ