Ông Joe Biden tố Elon Musk mua chuộc bầu cử: Đảng Dân chủ cần đổ lỗi?

GD&TĐ -Tổng thống Joe Biden gọi cuộc bầu cử bị mua chuộc sau khi Elon Musk có kế hoạch tài trợ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.

Ông Joe Biden nói tỷ phú Elon Musk đang mua chuộc bầu cử Mỹ.
Ông Joe Biden nói tỷ phú Elon Musk đang mua chuộc bầu cử Mỹ.

Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa cáo buộc tỷ phú không gian Elon Musk "và những người bạn giàu có của ông ta" đang cố gắng "mua chuộc" cuộc bầu cử tổng thống.

Tuyên bố được đưa ra sau những tuyên bố rằng tỷ phú này đang có kế hoạch đóng góp lớn cho một nhóm ủng hộ ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump.

"Elon Musk và những người bạn giàu có của ông ta đang cố gắng mua chuộc cuộc bầu cử này" - ông Biden đề cập trong một bình luận từ bài đăng trên mạng xã hội cá nhân.

Ông Biden đã thừa nhận mắc COVID-19 và kêu gọi người Mỹ chung tay ủng hộ chiến dịch của Biden thông qua ActBlue, nền tảng quyên góp của đảng Dân chủ.

Nền tảng này đã gây chú ý sau khi lộ một khoản quyên góp từ người đàn ông cố gắng ám sát cựu Tổng thống Donald Trump là Thomas Crooks. Crooks đã quyên góp một khoản tiền nhỏ cho ActBlue khi anh ta mới 17 tuổi.

Tuyên bố của ông Biden đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng tỷ phú Elon Musk có kế hoạch quyên góp khoảng 45 triệu USD mỗi tháng cho một ủy ban hành động chính trị siêu cấp (PAC) mới, có tư tưởng ủng hộ ông Donald Trump. Tuy nhiên, chính ông Musk đã phản ứng với thông tin này là "giả mạo".

Đảng Dân chủ hướng đến kẻ thù nước Mỹ sau vụ ám sát ông Trump

Các tuyên bố từ ông Joe Biden đang cho thấy cách xử lý truyền thông cũ của Đảng Dân chủ.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, sau khi ông Donald Trump đắc cử, phía Đảng Dân chủ đã nhiều lần đổ lỗi cho sự can thiệp của Nga và Trung Quốc, Iran đã thúc đẩy một ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Đảng Dân chủ đã tìm mọi manh mối cáo buộc ông Trump thông đồng với Nga đến mức vị cựu Tổng thống đã gọi là "cuộc săn phù thủy" lớn nhất trong lịch sử.

Trong lần ám sát hụt ông Donald Trump vừa qua, khi truyền thông Mỹ đặt câu hỏi về trách nhiệm của Sở Mật vụ dưới quyền ông Joe Biden thì Đảng Dân chủ tiếp tục đẩy vụ việc sang hướng tác động từ kẻ thù của Mỹ.

Fox News dẫn thông tin từ Bộ An ninh Nội địa đã nhận được thông tin tình báo từ một nguồn tin về vụ ám sát ông Donald Trump do Iran lên kế hoạch. Âm mưu bị cáo buộc của phía Iran không liên quan đến vụ ám sát ông Trump do tay súng Thomas Crooks, hiện đã chết, thực hiện ở Pennsylvania. Tuy nhiên, đó là âm mưu nhằm "sát hại người Mỹ trên đất Mỹ".

Lý do được nêu ra là bởi Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã từng tuyên bố treo thưởng cho cái đầu của ông Donald Trump, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton vì vai trò của họ trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ nhằm vào vị tướng hàng đầu Iran Qassem Soleimani vào năm 2020.

trump.jpeg
Khoảnh khắc "một phần triệu" khi nhiếp ảnh gia kỳ cựu của New York Times Doug Mills chụp được viên đạn chuẩn bị sượt qua tai ông Donald Trump.

Sau đó, truyền thông Mỹ tiếp tục đẩy vụ việc sang hướng vụ ám sát ông Donald Trump sẽ "có lợi" cho Nga và Trung Quốc. Các cựu quan chức an ninh Mỹ cho rằng, vụ việc sẽ khiến các kẻ thù của Mỹ chế nhạo nền dân chủ đáng tự hào của mình.

Dan Hoffman, cựu Giám đốc chi nhánh CIA Moscow nói rằng: "Họ luôn tìm cơ hội để khai thác điểm yếu của chúng ta. Sức mạnh lớn nhất của chúng ta là nền dân chủ, nhưng đối với họ, đó cũng là điểm yếu vì nó diễn ra trước mắt tất cả chúng ta."

Ông cho rằng, các quốc gia từ lâu đã được biết đến là sử dụng các chiến thuật chiến tranh mềm chống lại Mỹ thông qua các chiến dịch thông tin sai lệch, tấn công phần mềm độc hại và can thiệp bầu cử - tất cả đều nhằm mục đích làm sâu sắc thêm sự chia rẽ và phá vỡ lòng tin của xã hội vào các thể chế phương Tây.

Ông Hoffman cho biết Nga có thể sẽ khơi dậy sự ngờ vực giữa các cơ quan như An ninh Nội địa, Sở Mật vụ và FBI bằng cách đưa ra các thuyết âm mưu và lợi dụng sự tức giận của mọi người để khiến nước Mỹ không tin tưởng vào các thể chế dân chủ của mình và thúc đẩy nội bộ Mỹ lục đục.

Rebekah Koffler, cựu sĩ quan tình báo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng chuyên về học thuyết của Nga, đồng tình với cảnh báo của Hoffman và giải thích rằng khoảng một thập kỷ trước, Moscow đã đánh giá những lỗ hổng xã hội đang gia tăng ở Mỹ và vẫn tiếp tục hành động kể từ đó.

"Họ nhìn thấy những dấu hiệu của một xã hội đang chia rẽ theo nhiều đường lối khác nhau"- bà nói.

Bà Koffler giải thích rằng cũng giống như Washington coi Moscow là mối quan ngại an ninh hàng đầu, Nga cũng tuyên bố Hoa Kỳ và liên minh NATO là mối đe dọa an ninh "số một" của mình.

"Người Nga quyết định 'giúp' làm tan vỡ xã hội của chúng ta và đẩy nó đến điểm bất ổn xã hội và nội chiến. Và đó là những gì chúng ta thấy, sự can thiệp bầu cử và những thứ tương tự như vậy" - bà Koffler nói thêm.

Heino Klinck, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách Đông Á và tùy viên quân sự tại Trung Quốc đã trích dẫn truyền thông Trung Quốc đưa tin về vụ việc và cho rằng, Bắc Kinh đang xoay chuyển vụ việc theo quan điểm "nền dân chủ Mỹ chỉ là hỗn loạn".

Ông Klinck nói: "Họ đang xoay chuyển nó theo quan điểm rằng nền dân chủ Mỹ là hỗn loạn, là không an toàn, là bạo lực, là không ổn định - với hàm ý là đối với người dân Trung Quốc, hệ thống của chúng ta tốt hơn nhiều".

Các cựu quan chức an ninh đều cho rằng, Nga có thể tìm cách lợi dụng sự bất ổn rõ ràng ở Mỹ để làm suy yếu thêm niềm tin của người Mỹ vào nền dân chủ, Trung Quốc sẽ cố gắng lợi dụng điều này cho các mục đích của mình. Ví dụ, Bắc Kinh sẽ gợi ý với các đối tác của họ ở Nam Bán cầu, nơi đang ngày càng coi nhẹ những ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, rằng Trung Quốc là đối tác tin cậy và ổn định hơn nhiều so với Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.