Sáng 27/1, dọc vỉa hè Văn Miếu đông nghẹt các ông đồ ngồi cho chữ, trong số đó có không ít các "tay viết" từ "phố ông đồ" ở hồ Văn chuyển ra.
"Tôi ngồi trong đó từ 23 tháng Chạp đến giờ mới có vài người đến xin chữ. Suốt mấy ngày qua các ông đồ ngồi trong "phố" hồ Văn chỉ biết tán chuyện với nhau.
Chúng tôi đã chấp hành quy định của ban tổ chức, nhưng khách thưa vắng quá nên đành bỏ ra ngoài vỉa hè cho đông vui, được thoả cái thú viết lách của mình" - Một ông đồ mới dọn từ hồ Văn ra vỉa hè Văn Miếu cho biết.
Vừa thu dọn giấy, mực trên chiếc bàn nhỏ, ông đồ Nguyễn Đăng Lai cho biết, một nửa số ông đồ trong "phố mới" đã rời khung sắt về lại "phố xưa". Ông Lai tỏ ra khá bức xúc khi đã đóng một số tiền tương đối lớn để dựng lều, lán... theo quy định nhưng lại rơi vào cảnh ế ẩm.
"Đã làm thì phải làm cho triệt để không thì trả lại cảnh quan xưa cho phố ông đồ. Dù sao đây cũng là một nét đẹp văn hoá của người dân và mỗi năm cũng chỉ diễn ra một lần" - Ông đồ Lai nói.
Theo ông Phúc Lâm, phố ông đồ Văn Miếu "vẫn còn những hạt sạn" như lều bạt dựng nhếch nhác, đóng đinh lên di tích... nhưng mọi thứ đang trên đà cải thiện và dần ổn định.
Trước tình trạng, ông đồ "tái chiếm" hè Văn Miếu, ban tổ chức đã đưa ra phương án sắp xếp lại không gian trong "phố" để mời toàn bộ ông đồ vào.
Trong hồ Văn, các ông đồ không có khách, chỉ biết ngồi luyện chữ hoặc tán chuyện với nhau |
"Chúng tôi sẽ mở rộng toàn bộ khu vực xung quanh hồ Văn để các ông đồ có thể vào cho chữ. Không gian đó sẽ rộng lớn, thoải mái cho các "cụ" ngồi. Những kios dựng sẵn, chúng tôi vẫn để hoạt động, người mới vào đành phải ngồi không lều lán, nắng mưa mọi người tự khắc phục" - Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, cho biết.
Việc Ban quản lý đóng 5 biển yêu cầu các ông đồ không tụ tập cho chữ ở vỉa hè lên tường bao Văn Miếu cũng gây bức xúc cho dư luận. Bởi lẽ, một trong những lý do phố ông đồ bị chuyển vào hồ Văn là tình trạng đóng đinh tràn lan trên tường Văn Miếu, xâm phạm di tích.
Chứng kiến việc làm của ban quản lý Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nguyệt Trà Bút - một trong những cây viết đầu tiên của phố ông đồ - xót xa: "Người ta cầm khoan lớn, khoan bé ra ghim chi chít đinh, ốc để đóng biển thông báo lên tường di tích. Đã thế, biển báo còn bám đầy đất cát, tôi phải tự lấy khăn lau đi mà vẫn không sạch nổi".
Trả lời về việc chính người của Văn Miếu xâm hại di tích, bà Hằng biết, đó là hành động "bất khả kháng". "Dù xót xa nhưng chúng tôi buộc phải đóng những biển báo đó lên tường Văn Miếu vì công an phường đặt biển báo bằng sắt trên phố đều bị vứt đi. Biển báo đó chỉ đóng tạm thời và chúng tôi chỉ ghim nhẹ lên tường để hạn chế ảnh hưởng di tích", bà Hằng phân trần.
Hai ngày sau khi có phản ứng của dư luận, 5 tấm biển ghim trên tường bao Văn Miếu đã được Ban tổ chức tháo dỡ.
Việc không có đường ưu tiên người đi bộ, bà Hằng cho rằng, người dân phải tự khắc phục. Ban quản lý Văn Miếu không có cách xử lý vấn đề này, tất cả phụ thuộc vào chính quyền phường và ý thức người dân. Bà Phó giám đốc chỉ cam kết đảm bảo chỗ để xe và thu đúng mức giá cho khách tham quan trong khuôn viên Văn Miếu.
Bà Hằng tin rằng, việc di chuyển phố ông đồ khỏi vỉa hè Văn Miếu là việc nên làm và cần duy trì. Rút kinh nghiệm năm đầu thiếu sót, năm sau Ban tổ chức sẽ chu đáo, cẩn thận hơn.