Vừa ôn tập, vừa động viên HS
Trường THPT Lâm Bình nằm trên địa bàn huyện vùng cao, Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang. HS toàn trường đa số là người DTTS, cả trường chỉ có 4 HS người dân tộc Kinh. Trường đã chọn những giáo viên có chuyên môn vững vàng để hướng dẫn HS ôn tập thi THPT quốc gia, đặc biệt chú ý vào nội dung học của lớp 12.
Theo thầy Hoàng Minh Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lâm Bình, với hai môn Ngoại ngữ và Toán, giáo viên phân loại HS theo từng lớp, chia theo từng nhóm để hướng dẫn ôn thi. Đây là hai môn HS trong trường học còn yếu, nhiều em tiếp thu chậm khiến giáo viên khó khăn khi lựa chọn nội dung giảng dạy. Ban chuyên môn xác định dạy cho HS nắm được những kiến thức cơ bản nhất để làm sao HS đạt đủ điểm điều kiện đỗ tốt nghiệp THPT.
Trường THPT Lâm Bình năm nay chỉ có 4 HS đăng ký thi tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên, còn lại hơn 100 HS đăng ký thi tổ hợp môn Khoa học Xã hội. Vì vậy, trọng tâm ôn thi là các môn Lịch sử, Địa lý, GDCD. Khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, nhà trường đã tổ chức cho HS làm bài. Dự kiến 19 – 20/1 trường sẽ tổ chức thi thử cho các em, để tổng kết báo cáo với Sở GD&ĐT Tuyên Quang vào giữa tháng 2/2019.
Còn với Trường THPT Minh Quang (huyện vùng khó Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), trường đã tổ chức ôn thi THPT quốc gia 2019 với 4 môn chính: Toán, Văn, Anh và môn tự chọn. Khi có đề thi minh họa, lãnh đạo nhà trường giao GV căn cứ vào nội dung của đề thi, sắp xếp theo mức độ nhận thức của HS, sau đó ra những đề kiểm tra tương tự. Kỳ thi học kỳ 1 vừa qua, khối lớp 12 của trường cũng làm đề thi theo dạng này.
Thầy Thạch Đại Thánh - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang cho biết, từ nay đến trước Kỳ thi THPT quốc gia 2019, để giúp HS làm quen với môi trường thi cử và giải các bài tập, nhà trường sẽ tổ chức 3 lần thi thử, đánh giá mức độ của HS. Có vấn đề là vì thi theo hình thức trắc nghiệm nên một số em ở trường còn chủ quan. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên các bộ môn phải thường xuyên nhắc nhở, động viên các em tích cực ôn thi.
Sát sao tuyên truyền những điểm mới của kỳ thi
Các trường học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đều tích cực tuyên truyền đến HS những điểm mới của Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đặc biệt là việc tính 30% điểm trung bình lớp 12 – 70% điểm thi tốt nghiệp. Thầy Thạch Đại Thánh cho biết: Năm ngoái cách tính điểm 50 – 50 thì HS không quá phụ thuộc vào bài thi, chỉ cần không bị điểm liệt là gần như chắc chắn đỗ tốt nghiệp, năm nay cách tính điểm mới, giáo viên nhà trường đã làm một bảng so sánh để các em thấy, nếu điểm trung bình 7 phẩy mà điểm thi chỉ 3,5 thì không thể đỗ được. Điều này đòi hỏi HS phải rất cố gắng.
Được biết, HS của trường đa số là người DTTS, cộng điểm ưu tiên vùng khó khăn, cộng điểm học nghề, năm 2017, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 97,91%. Nếu tính điểm đỗ thẳng (không cộng điểm) thì chỉ có khoảng 18 - 19% HS đỗ tốt nghiệp. “Chúng tôi khá lo lắng nếu năm nay việc cộng điểm khác đi, thêm cả cách tính điểm tỷ lệ 70 - 30 nữa. Ban giám hiệu cùng các giáo viên quán triệt tuyên truyền đến HS và gia đình, nếu không ráo riết ôn tập thì rất gay go”, thầy Thạch Đại Thánh nói.
Cùng chung lo lắng, thầy Hoàng Minh Cương cho biết, năm 2017 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Trường THPT Lâm Bình là 98% (tính cả điểm cộng), có 4 HS trượt tốt nghiệp. Không như HS ở thành phố, HS ở trường không áp lực lắm việc phải đỗ Kỳ thi THPT quốc gia, các em tâm sự rằng xác định trước là ở nhà làm ruộng hoặc đi làm công nhân, nên nếu thi khó quá có khi cũng không muốn ôn tập. Thế nên thầy cô vừa phải ôn thi, vừa phải phân tích cho HS, rằng nếu có tấm bằng THPT, nếu làm công nhân trong nhà máy cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn những người không có bằng. Nói chung, gần đến kỳ thi, GV còn lo lắng hơn cả HS!
Siết chặt quản lý sĩ số HS
Cả hai vị hiệu trưởng vùng khó đều chung quan điểm quan tâm đặc biệt đến việc chuyên cần của HS. Như ở Trường THPT Lâm Bình, thấy vắng HS, gọi điện thoại cho phụ huynh không được, giáo viên liền qua nhà xem tình hình, thấy HS nằm ngủ vùi, vậy là lại phải động viên, chở HS bằng xe máy đến trường học.
Hay như ở Trường THPT Minh Quang, thỉnh thoảng thầy hiệu trưởng lại đi qua mấy hàng chơi game, quán nước ở gần đó xem có HS trong trường chơi không, nếu có thì vào nhắc nhở các em lên lớp học. Các giáo viên chủ nhiệm cũng rất tâm huyết, vất vả, ngoài việc ôn luyện cho HS còn phải dỗ dành HS, động viên các em tới lớp đầy đủ.
Thầy Thạch Đại Thánh chia sẻ: Đến học kỳ 2, nhà trường sẽ giao bên Đoàn Thanh niên quản lý chặt sĩ số. Chủ yếu là đi tìm HS, gọi điện thoại về nhà phối hợp với cha mẹ HS, tuyên truyền giữ sĩ số thường xuyên. Ngoài ra, giáo viên ngày nào cũng báo cáo với BGH sĩ số, nếu HS nghỉ học nhiều là phải có biện pháp ngay.