Ôn thi tại trường phổ thông dân tộc nội trú: Gấp rút củng cố kiến thức

GD&TĐ - Thời gian diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 không còn nhiều, thầy cô và học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú đang gấp rút ôn tập, củng cố kiến thức để vững tin nhập cuộc.

Trường THCS, THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh (huyện Hương Khê – tỉnh Hà Tĩnh) luôn tổ chức nhiều chủ đề lồng ghép vào trong tiết học để kích thích sự hứng thú của học sinh.
Trường THCS, THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh (huyện Hương Khê – tỉnh Hà Tĩnh) luôn tổ chức nhiều chủ đề lồng ghép vào trong tiết học để kích thích sự hứng thú của học sinh.

Hỗ trợ tối đa

Tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn), công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT đã bước vào giai đoạn ba. Trước đó, từ đầu năm học, nhà trường lên kế hoạch giảng dạy cũng như ôn tập sát với năng lực của học sinh.

“Để công tác ôn tập cho học sinh tốt nhất, nhà trường cắt cử giáo viên trực 24/24 giờ nhằm hướng dẫn ôn tập, chăm sóc học sinh. Đồng thời, khai thác hiệu quả các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cho việc tự học buổi tối”, cô Nguyễn Tú Oanh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết.

Bên cạnh đó, nhà trường phân loại học sinh, hướng dẫn ôn tập. Đối với nhóm có năng lực tốt, trường thành lập một lớp để giảng dạy, ôn luyện, giúp các em tập trung lấy điểm cao xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Đối với nhóm chỉ học thi tốt nghiệp sẽ có cách dạy riêng.

Học sinh Trường THCS, THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh (huyện Hương Khê – tỉnh Hà Tĩnh) được tham gia các tiết học ngoại khóa.
Học sinh Trường THCS, THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh (huyện Hương Khê – tỉnh Hà Tĩnh) được tham gia các tiết học ngoại khóa.

Để học sinh không bị áp lực tâm lý khi vào phòng thi, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức 2 lần thi thử. Sau mỗi lần thi, các thầy cô sẽ chấm, chữa bài và đánh giá sự tiến bộ của học sinh. Đối với những phần kiến thức mà học trò bị hổng, thầy cô sẽ ôn tập nhằm giúp các em nắm vững và tự tin làm bài.

Lợi thế của các em học nội trú là buổi sáng được học cùng thầy cô, buổi chiều tự học hoặc học cùng các bạn bè. Do vậy, nếu không hiểu ở đâu, các em có thể nhờ thầy cô giảng lại hoặc bạn bè hỗ trợ. Bà Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn - cho hay: Ngoài kế hoạch ôn tập, hằng năm sở GD&ĐT chỉ đạo tất cả nhà trường rà soát những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để bố trí xe đưa đón, sắp xếp nghỉ trong những ngày diễn ra kỳ thi. Do đó, đến thời điểm này tâm lý các em khá thoải mái, tập trung cao độ vào ôn tập.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) tham gia lễ hội ẩm thực.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) tham gia lễ hội ẩm thực.

Đôi bạn cùng tiến

Theo sát học sinh từ ngày đầu cấp cho đến thời điểm ôn thi nước rút, cô Nguyễn Thị Cẩm Tú - giáo viên môn Lịch sử Trường THCS, THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh (huyện Hương Khê - tỉnh Hà Tĩnh) đặc biệt chú trọng đến việc học, sinh hoạt hằng ngày của học trò. Cô Tú nói: “Khóa học sinh lần này năng lực không vượt trội như năm ngoái, do đó, cô trò xác định phải nỗ lực hết mình”.

Bởi vậy, những ngày đầu tiên của năm học, cô Tú luôn sát sao, nhắc nhở, đôn đốc các em học hành. Những em thuộc tốp dưới của lớp, cô Tú dành nhiều thời gian dạy phụ đạo. “Mỗi khi giải đề thi tôi luôn hỏi các em có hiểu không? Nếu chưa hiểu thì tôi sẽ giảng đến khi nào hiểu thì thôi, dẫu phải giải thích 5 đến 6 lần”, cô Tú kể.

Không những thế, cô Tú còn thành lập nhóm “đôi bạn cùng tiến” để những em có năng lực tốt trong lớp sẽ hỗ trợ, kèm cặp cho những bạn yếu. Lý giải về cách học này, cô Tú thông tin: “Tôi luôn nói với học sinh của mình: Học thầy không tày học bạn, mà tâm lý của học sinh yếu sẽ ngại hỏi thầy cô nhiều lần. Vì vậy, thành lập nhóm học Đôi bạn cùng tiến, các em có thể chia sẻ, cùng nhau học tập tốt hơn”.

Tạo tâm lý, không gian ôn tập thoải mái nhất cho học sinh, thầy Nguyễn Đậu Trương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT số 2 Nghệ An (tỉnh Nghệ An) - trao đổi: “Đến giai đoạn này, chúng tôi cho học sinh chủ động lên thời khóa biểu ôn tập. Trước đó, trong quá trình học nhà trường đã phân loại được năng lực của học sinh và có chương trình ôn tập riêng cho từng nhóm. Môn nào các em yếu chúng tôi tăng thời gian phụ đạo. Ví dụ: Nhóm các em môn Toán chỉ làm được 4 điểm thì cố gắng phụ đạo làm sao giúp các em đến kỳ thi có thể làm được 5 điểm. Đối với những em có hướng xét tuyển đại học, nhà trường đã định hướng từ lúc lớp 10. Đến lớp 12 căn cứ vào năng lực, mong muốn và sở thích ngành nghề để tư vấn chọn trường và lập nhóm cho các em học. Bên cạnh đó, sau mỗi lần thi thử, nhà trường tổ chức một buổi sinh hoạt chung để trao đổi, rút kinh nghiệm cũng như chỉ ra hạn chế trong quá trình làm bài để học sinh khắc phục”.

Ngoài việc chú trọng vào cách dạy, ôn tập, không gian học tập, mà chế độ dinh dưỡng, chăm sóc cho học sinh những ngày này cũng được các trường đặc biệt chú trọng. Theo chia sẻ của thầy Đặng Thái Mân - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh (huyện Hương Khê – tỉnh Hà Tĩnh), nhà trường đôn đốc cô nuôi chú ý vào thực đơn hằng ngày, để các em được ăn đủ chất dinh dưỡng, có sức khỏe tốt để ôn thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra vào ngày 7 và 8/7. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay là hơn 1 triệu em. Trong đó, tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT: 103.374 em (chiếm 10,33%); Số thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển sinh: 38.108 (chiếm 3,81%); Thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh: 859.531 (chiếm 85,87%); Năm nay, thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHTN là 319.676 (chiếm 31,94%). Thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHXH là 555.813 (chiếm 55,53%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ