Trong đó, nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường giải pháp ôn tập cho học sinh lớp 12 là ưu tiên hàng đầu.
Tập trung trí tuệ tập thể
Hội thảo Nâng cao chất lượng dạy học và ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa được Trường THPT Tây Đô (Hậu Giang) tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ, giáo viên. Thông qua hội thảo, nhà trường đánh giá, tổng kết công tác thi tốt nghiệp THPT 2023; đồng thời thảo luận các biện pháp để giữ vững và nâng cao chất lượng dạy, học đại trà cũng như công tác ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Thầy Nguyễn Hoàng Liêm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đánh giá cao các tham luận bởi mang tính chiều sâu, nêu được những vấn đề bất cập trong thực tiễn mà nhiều giáo viên mắc phải. Qua đó yêu cầu mỗi báo cáo viên nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của giáo viên tham gia trong hội thảo để hoàn thiện chuyên đề. Tạo thành các bộ tài liệu để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi nghiệp vụ sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.
Trường THPT Lê Quý Đôn (Hậu Giang) cũng huy động trí tuệ tập thể hướng tới nâng cao chất lượng dạy học, ôn thi tốt nghiệp THPT. Theo lãnh đạo nhà trường, Hội thảo chuyên đề Nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã tìm ra nhiều vấn đề, giải pháp thiết thực qua tham luận, thảo luận của tổ chuyên môn.
Đồng thời, các tổ chuyên môn cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế trong việc tổ chức quản lý, giảng dạy, ôn tập thi tốt nghiệp năm 2023; mạnh dạn đề xuất những cách làm hay. Qua đó giúp tổ bộ môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Tại Tiền Giang, 38 cơ sở giáo dục THPT trên địa bàn cũng chủ động cho học sinh học, ôn luyện kiến thức chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tại Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo), giải pháp ưu tiên trong quá trình học, ôn thi là giáo viên giúp học sinh hệ thống lại kiến thức, nắm chắc nội dung từng chương, từng bài quan trọng; từ đó đưa ra biện pháp, kỹ năng để trả lời các câu hỏi, giải bài tập.
Tương tự, Trường THPT Tứ Kiệt (thị xã Cai Lậy) khuyến khích giáo viên linh động trong quá trình giảng dạy. Giáo viên thường xuyên động viên trò học lực khá, giỏi hỗ trợ các bạn có học lực yếu kém, qua đó củng cố kiến thức, cùng tiến bộ.
Giờ ôn tập của học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Ảnh: Lê Cường |
Tăng tốc ôn tập
Tháng 3 là giai đoạn cao điểm của học sinh lớp 12. Hiện, các trường THPT vừa triển khai dạy theo khung kế hoạch thời gian năm học, vừa ôn thi tốt nghiệp THPT để trang bị kiến thức cho học sinh.
Đánh giá về quá trình học tập của học sinh thời điểm hiện tại, cô Trần Thu Huyền - Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một số học sinh quên kiến thức đã học trước đó. Vì vậy, giai đoạn này, ngoài học theo chương trình, thầy cô tăng cường ôn tập, bổ sung kiến thức cho học trò.
“Giáo viên thường xuyên giao bài luyện thi cho học sinh. Hệ thống bài tập thiết kế phù hợp, giúp trò tiếp cận tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phiếu bài tập thường có khoảng 40 câu, trong đó 30 câu đầu dành cho tất cả, 10 câu sau dành cho bạn học khá hơn. Với những em này, thầy cô hỗ trợ trong các giờ ra chơi, tiết trống hoặc ngày cuối tuần”, cô Huyền chia sẻ và cho biết thêm:
Với học sinh cuối cấp, ngoài việc học, tiếp thu kiến thức, giúp các em đảm bảo sức khỏe tinh thần vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, nhà trường, giáo viên luôn phối hợp chặt chẽ với gia đình, cùng hỗ trợ tinh thần, tạo môi trường học tập tốt nhất.
Tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân), thầy cô cũng gấp rút ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh bên cạnh việc hoàn thành chương trình lớp 12. Dù nhà trường đang trong quá trình sửa chữa, học sinh phải học trong dãy nhà tạm nhưng tất cả thầy trò đều thể hiện quyết tâm đạt thành tích tốt nhất trong kỳ thi năm nay.
Theo thầy Vũ Đình Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, từ đầu học kỳ II, nhà trường đã khảo sát học sinh về lựa chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp 2024, từ đó điều chỉnh kế hoạch ôn tập cũng như việc giảng dạy trên lớp. Hiện, nhà trường vẫn tổ chức giảng dạy để hoàn thành chương trình, cùng đó tổ chức các lớp bổ trợ kiến thức, giúp học sinh tự tin trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Trong quá trình giảng dạy, thầy cô có 2 nhiệm vụ: Tổ chức ôn tập để trò có kiến thức tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó trang bị kiến thức để các em tham gia các kỳ thi khảo sát, đánh giá năng lực để xét tuyển vào các trường”, thầy Hà cho hay.
Hội thảo Nâng cao chất lượng dạy học và ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Trường THPT Tây Đô (Hậu Giang) tổ chức. Ảnh: NTCC |
Chú trọng bồi dưỡng, phụ đạo
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết: Đề thi tốt nghiệp THPT yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức giải quyết một số vấn đề mang tính thực tiễn. Vì vậy, cơ sở giáo dục phải chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo định hướng đánh giá năng lực, đảm bảo sự đồng bộ, nâng chất lượng và hiệu quả...
Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo thầy Nguyễn Phúc Viễn - Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (Chợ Gạo, Tiền Giang), ôn thi tốt nghiệp THPT là công việc quan trọng mỗi năm học.
Nhà trường chủ động công tác này dựa vào kết quả học kỳ I, cũng như kết quả điểm thi giữa học kỳ II, từ đó sàng lọc, phân loại để có định hướng quan trọng trong quá trình ôn tập. Đối với học sinh khá, giỏi sẽ tăng cường các giải pháp ôn tập, cho học sinh vận dụng tốt kiến thức, kỹ năng để hoàn thành các bài thi. Còn học sinh trung bình, yếu sẽ giúp các em lấy lại kiến thức nền tảng, có thể vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT…
Trường THPT Tứ Kiệt (thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) bên cạnh dạy và học theo chương trình còn thường xuyên quan tâm, chăm lo đối với học sinh có học lực yếu kém. Theo kinh nghiệm, học sinh có học lực yếu kém, giáo viên không thể đòi hỏi cao, chủ yếu giúp các em lấy lại kiến thức căn bản.
Lưu ý trong công tác ôn tập cho học sinh lớp 12, ông Lê Quang Trí nhấn mạnh: Thời gian còn lại của năm học, bên cạnh việc giảng dạy trên lớp, các trường cần đề ra kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh khối 12. Tăng cường lớp bồi dưỡng, phụ đạo, trong đó quan tâm đến học sinh có học lực yếu kém. Từ đó giúp các em nắm lại kiến thức, có kỹ năng vận dụng giải quyết các vấn đề đặt ra trong bài thi...
Nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) luôn đạt 100% nhưng không vì thế thầy, cô giáo, ban giám hiệu nhà trường chủ quan trong việc ôn tập, nhất là giai đoạn nước rút.
Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Lê Trung Kiên, với điểm đầu vào cao cùng quá trình học tập nghiêm túc tại trường, không khó để học sinh vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng chủ quan với một số môn không nằm trong tổ hợp xét tuyển đại học mà các em chọn.
Mô hình nhà trường áp dụng từ nhiều năm nay là mở các lớp “Tình yêu”. Sau khi tổ chức các kỳ khảo sát, phát hiện học sinh còn yếu môn nào sẽ học thêm môn đó. Lớp học được tổ chức giúp các em thêm yêu môn học, có động cơ học tập tốt hơn, không lơ là, coi nhẹ bất cứ môn học nào.
Tại Trường THPT Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội), lứa học sinh khóa 2021 - 2024 có điểm chuẩn thấp nhất thành phố với 90% học sinh có điểm đầu vào dưới 5. Đó thực sự là thách thức của nhà trường trong công tác giáo dục và ôn thi tốt nghiệp.
“Với tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu thương với học trò, các thầy cô đã miệt mài ôn luyện cho học sinh trong giờ học chính khóa; ôn tập trung và kèm riêng cho học sinh hổng kiến thức, ôn cả trực tiếp lẫn ôn trực tuyến. Sự nhiệt huyết, sát sao, đồng hành của các thầy cô đã truyền động lực cho các em cố gắng, vươn lên”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Bỉnh thông tin.
Nguyễn Quốc Bảo - học sinh Trường THPT Minh Quang chia sẻ: Ngay khi bước vào đầu năm học, chúng em được thầy, cô giáo động viên, khích lệ tinh thần và ôn tập, bổ sung thêm các kiến thức còn thiếu và yếu. Với sự tận tình chỉ dạy của thầy cô, chúng em cảm thấy thoải mái, tự tin trong quá trình học tập và ôn luyện.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thời điểm này, bên cạnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường trong việc tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh bảo đảm đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của đề thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đề ra một số giải pháp cụ thể để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.