Ổn định nền nếp học tập ngay từ những tuần đầu tiên

GD&TĐ - Sau khai giảng, các nhà trường tiếp tục thực hiện các giải pháp để ổn định nền nếp học tập cho học sinh ngay từ những tuần đầu tiên.

Việc ổn định nền nếp học tập cho học sinh ngay từ những tuần học đầu tiên của năm học mới đóng vai trò quan trọng.
Việc ổn định nền nếp học tập cho học sinh ngay từ những tuần học đầu tiên của năm học mới đóng vai trò quan trọng.

Lễ khai giảng ngắn gọn, ý nghĩa

Ngày 5/9, khoảng 25 triệu học sinh, sinh viên chính thức bước vào năm học mới 2024-2025 với lễ khai giảng được tổ chức đồng loạt trên toàn quốc. Lễ khai giảng được tổ chức ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa và phù hợp với thực tế từng địa phương. Mục tiêu nhằm tạo không khí phấn khởi cho học sinh trong học tập.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm học vừa qua, với điều kiện vừa cải tạo nâng cấp vừa thực hiện các hoạt động dạy và học, nhà trường vượt 62 bậc lọt top 70 theo xếp hạng thành phố trở thành ngôi trường có kết quả thi tuyển vào lớp 10 THPT xếp thứ 2 quận Đống Đa.

thinh 1.jpg
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh đánh trống khai giảng năm học mới.
thai thinh 2.jpg
Sau lễ khai giảng, học sinh được tham gia nhiều trò chơi và môn thể thao như Bóng rổ, Kéo co...

Để có được kết quả đáng khích lệ đó là nhờ sự nỗ lực của cả thầy và trò trong việc duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Do đó, ngay từ thời điểm đầu năm học, ngoài tận dụng lợi thế của hệ thống cơ sở vật chất mới, nhà trường tiến hành đồng loạt các giải pháp để củng cố nền nếp học tập cho học sinh.

Trong đó, nhà trường sẽ phối hợp cùng lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền cho học sinh các kỹ năng đảm bảo an toàn PCCC, cứu nạn cứu hộ, an toàn khi di chuyển từ nhà tới trường, tại trường và từ trường về nhà. Học sinh có thể đọc sách tại Thư viện để củng cố kiến thức.

tat thanh.jpg
Thầy trò Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) tổ chức lễ khai giảng ý nghĩa và động viên tinh thần học tập cho học sinh.

Rèn cho các em về văn hoá ứng xử, giao tiếp với người khác, cùng chung sống tôn trọng sự khác biệt, duy trì thói quen nói lời hay làm việc tốt. Tăng cường ý thức bảo vệ của công, tiết kiệm điện nước, bảo vệ môi trường. Hướng dẫn các em lập kế hoạch chi tiết và áp dụng phương pháp học tập hiệu quả. Tích cực trao đổi bài với thầy cô, bạn bè.

Tương tự, thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định) cho rằng, những tuần đầu tiên của năm học mới luôn là giai đoạn quan trọng để học sinh làm quen với môi trường học tập mới, giáo viên xây dựng lớp học và định hình phong cách làm việc.

Tăng cường phối hợp với phụ huynh

hoa.jpg
Thầy Nguyễn Hải Sơn (trái) nhận hoa chúc mừng nhân dịp khai giảng năm học mới từ đại biểu khách mời.

Theo thầy Sơn, việc ổn định nền nếp học tập ngay từ đầu không chỉ giúp học sinh tập trung vào việc học mà còn tạo ra một không khí lớp học tích cực, hiệu quả. Sự thay đổi về giáo viên, bạn bè, chương trình học cũng là những yếu tố gây khó khăn cho việc thích nghi. Việc ổn định nền nếp học tập càng trở nên cần thiết.

Đặc biệt, vai trò phối hợp giữa nhà trường với gia đình cần được đẩy mạnh ngay từ sớm. Thầy cô trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh, cùng nhau tìm ra giải pháp để động viên, giám sát các em trong việc học, tránh xa các thói hư tật xấu. Giáo viên phải tâm huyết, sáng tạo và luôn đồng hành để học trò tiến bộ.

"Thầy cô hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ trong công tác giảng dạy để bài giảng trở nên sinh động, thu hút sự tập trung của học sinh vào bài học. Không chỉ học trong sách vở, các em có thể học ở ngoài thực tế qua trải nghiệm, rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết cho bản thân để tạo ra không khí thi đua học tập sôi nổi", thầy Sơn nói.

lam hong 1.jpg
Cô Nguyễn Thị Duyên thay mặt lãnh đạo Trường THPT Lam Hồng trao học bổng cho 3 em có điểm đỗ vào lớp 10 cao nhất năm học 2024-2025.

Cô Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Lam Hồng (Sóc Sơn, Hà Nội) cho hay, để ổn định nề nếp học tập, giáo viên chủ nhiệm bám sát lớp chủ nhiệm, thường xuyên đôn đốc nhắc nhở học sinh đi học đầy đủ, đúng giờ, phổ biến nội quy trường lớp.

Thầy cô sẽ xây dựng kế hoạch ôn tập bắt đầu bằng các bài tập nhẹ nhàng để học sinh làm quen lại kiến thức đã học trước kỳ nghỉ hè, giúp các em không cảm thấy bị áp lực ngay lập tức. Điều này tạo môi trường học tập thân thiện, tích cực và khuyến khích sự sáng tạo, giúp học sinh cảm thấy thoải mái và hứng thú với việc học.

dong da.jpg
Cô trò Trường Tiểu học Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) tự tin bước vào năm học mới.

Nhà trường tiến hành xây dựng thời khóa biểu hợp lý, cân bằng giữa học tập và các hoạt động ngoại khóa để học sinh dễ dàng điều chỉnh lại thói quen học tập. Lên kế hoạch học tập cụ thể cho từng tuần, từng môn học theo hướng khoa học để thực hiện hiệu quả.

"Thầy cô sẽ tổ chức đánh giá bằng các bài kiểm tra nhỏ giúp giáo viên hiểu được mức độ nắm bắt kiến thức của học sinh và điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho hợp lý. Thường xuyên kết hợp với phụ huynh để theo dõi sự tiến bộ của học sinh và nhận được sự hỗ trợ từ gia đình trong quá trình học tập. Làm tốt điều này sẽ giúp các em nhanh chóng ổn định nền nếp học tập ngay từ những tuần đầu tiên và trong cả năm học", cô Nguyễn Thị Duyên trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ