Ôm máy tính, điện thoại cả ngày, nhiều người mắc bệnh “khó nói"

Các bác sĩ cảnh báo thói quen ôm điện thoại, máy tính đêm ngày làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh "khó nói" với một nửa dân số nước ta nhưng nhiều người lại không biết.

Phụ nữ thường dễ bị bệnh trĩ hơn nam giới.
Phụ nữ thường dễ bị bệnh trĩ hơn nam giới.

Chia sẻ tại buổi khám và tư vấn miễn phí cho hàng trăm người dân về các bệnh lý trĩ, nứt kẽ hậu môn... ngày 23-11, PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng - tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết trĩ là căn bệnh phổ biến vùng hậu môn, nhiều người Việt mắc phải.

Tuy nhiên, nhiều người không biết mình mắc bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng 30- 50% người trưởng thành mắc bệnh này. Phụ nữ thường dễ bị bệnh hơn nam giới.

Theo PGS Hùng, trĩ là bệnh lành tính, trong điều trị nội khoa, 50% ca mắc hoàn toàn có thể sống chung với trĩ; 45% có triệu chứng đơn giản có thể dùng thủ thuật. Thế nhưng, đáng lưu ý trong chẩn đoán, điều trị bệnh trĩ là không ít bệnh nhân lại bị chẩn đoán nhầm giữa trĩ - ung thư trực tràng, vì triệu chứng như đại tiện ra máu, đau vùng hậu môn…

"Bệnh này đơn giản nhưng ở vị trí kín đáo, được coi là bệnh " khó nói" nên nhiều người ngại đi khám, nhất là phụ nữ. Bệnh tiến triển theo từng đợt, có thể một đợt cấp, sau đó tự diễn biến khỏi. Đặc biệt, đây là bệnh rất hay gặp nên nhiều người chủ quan, thường tự chẩn đoán và tự chữa bệnh, rất nguy hiểm" - PGS Hùng lưu ý.

 Ôm máy tính, điện thoại cả ngày, nhiều người bỗng mắc bệnh khó nói - Ảnh 2.

Người dân được khám và tư vấn các bệnh lý về trĩ, nứt kẽ hậu môn.

Cảnh báo về tỉ lệ rất cao người dân Việt mắc bệnh về đường tiêu hoá mà phổ biến là tình trạng táo bón, bệnh trĩ, bác sĩ Phạm Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng - tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức, cho biết nhiều người rất có ý thức trong việc ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước nhưng vẫn bị táo bón, thậm chí tình trạng kéo dài dẫn đến hội chứng ruột kích thích, mắc bệnh trĩ.

"Sau khi khai thác thì hầu hết nguyên nhân là do thói quen nhịn đi vệ sinh. Có những trường hợp cả ngày ở văn phòng ôm máy tính, hoặc ngồi lì một chỗ xem điện thoại, đến khi vào nhà vệ sinh cũng phải mang theo điện thoại, tờ báo.

Khi sử dụng điện thoại hay đọc báo mọi người có xu hướng ngồi ở đó lâu hơn, làm tăng áp lực quá mức lên các tĩnh mạch ở hậu môn gây ra bệnh trĩ" - bác sĩ Huyền cảnh báo.

Cũng theo bác sĩ Huyền, khi mắc các bệnh đường tiêu hoá, nhất là tình trạng táo bón, nhiều người thường uống men tiêu hoá nhưng thực tế men chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không chữa khỏi táo bón mà bản thân người bệnh cần phải tập thói quen đi vệ sinh vào một giờ nhất định (tốt nhất vào buổi tối).

Các bác sĩ cho biết yếu tố nguy cơ mắc bệnh trĩ là người sau tuổi 30, người bị táo bón mạn tính hoặc tiêu chảy, phụ nữ mang thai, di truyền. Ngoài ra, đại tiện khó khăn phải rặn nhiều, chức năng đường ruột kém, thường xuyên dùng thuốc nhuận tràng, thụt hậu môn dễ dẫn đến bệnh trĩ.

Theo Người lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ