Lược sử & quy chế IChO
Từ ngày 18 - 21/6/1968, IChO lần đầu tiên được tổ chức ở Praha, thủ đô của Tiệp Khắc, chỉ 3 nước tham gia là chủ nhà và Ba Lan cùng Hungary. Cuộc thi toàn cầu dành cho học sinh THPT - yêu cầu dưới 20 tuổi - giỏi hóa học này vẫn được tổ chức thường niên, trừ năm 1971.
Hiện đã có 75 quốc gia tham dự IChO. Theo quy định, mỗi đội gồm 4 thí sinh, 2 cố vấn, có thể thêm quan sát viên cùng khách mời. Cuộc thi gồm 2 phần diễn ra vào 2 ngày khác nhau, mỗi phần có thời lượng 5 tiếng đồng hồ, phần đầu là thực hành với 40 điểm, phần sau là lí thuyết với 60 điểm. Nội dung thi bao gồm các lĩnh vực của hóa học trong chương trình trung học, gồm hóa hữu cơ, hóa vô cơ, hóa phân tích, hóa lí, hóa sinh và quang học. Đề thi bằng tiếng Anh, được 2 cố vấn thẩm định, nếu đồng ý thì dịch ra ngôn ngữ phổ dụng của đội. Tất nhiên, để bảo đảm bí mật đề thi, ban tổ chức cách li các cố vấn từ đó.
Giải thưởng mỗi kỳ IChO gồm Huy chương vàng (HCV), Huy chương bạc (HCB), Huy chương đồng (HCĐ); nếu thí sinh không có HC mà giải được 1 trong những đề thực hành hoặc lí thuyết đạt điểm tối đa thì được trao bằng khen (BK). 2 phần thưởng xuất sắc (PTXS) trao 2 thí sinh đạt điểm cao nhất về thực hành và về lí thuyết. Thí sinh nào có tổng điểm cao nhất, cả thực hành lẫn lí thuyết, thì nhận giải đặc biệt (GĐB).
Việt Nam tham dự IChO
Việt Nam lần đầu tham gia IChO XXVI tổ chức tại Mátxcơva, thủ đô của Nga, từ ngày 14 - 23/7/1996.
Đội Việt Nam toàn đoạt HCĐ và HCB, đến IChO XXXII tổ chức tại Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch, nước ta bắt đầu giật HCV nhờ công thí sinh Nguyễn Hải Bình (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng). Cũng học trường này, nữ thí sinh Cao Thị Phương Anh giật HCV thứ nhì cho Việt Nam tại IChO XXXV tổ chức tại Athens, thủ đô của Hy Lạp, từ ngày 5 - 14/7/2003.
IChO XLVI tổ chức tại Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, từ ngày 20 đến ngày 29/7/2014, đội chủ nhà gồm 4 thí sinh thì 2 người đều đoạt HCV là Phạm Ngân Giang và Phạm Mai Phương (đều từ “lò” THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam).
IChO LII tổ chức tại TP Istanbul của Thổ Nhĩ Kì từ ngày 6 - 15/7/2020, đội Việt Nam gồm 4 thí sinh đều đoạt HCB.
Lược sử & quy chế IBO
IBO lần đầu tiên cũng tổ chức tại đất nước Tiệp Khắc, nhưng ở TP Olomunc, từ ngày 1 - 7/7/1990, có 6 nước tham gia gồm Ba Lan, Bỉ, Bulgari, CHDC Đức, Liên Xô và chủ nhà. Vẫn tổ chức thường niên trên toàn cầu dành cho học sinh THPT - cũng yêu cầu dưới 20 tuổi - giỏi sinh học, IBO XXX tổ chức ở TP Szeged của Hungary từ ngày 14 đến ngày 21/7/2019, đã có 78 nước tham gia.
Tương tự IChO, mỗi đội dự IBO gồm 4 thí sinh, thêm cố vấn, quan sát viên và khách mời. Cuộc thi gồm 2 phần diễn ra vào 2 ngày khác nhau, phần này là thực hành, phần kia là lí thuyết, mỗi phần gồm 2 bài thi. Nội dung thi bao gồm các lĩnh vực của sinh học trong chương trình trung học: Tế bào học, vi sinh vật học, sinh lí học thực vật, sinh lí học động vật, di truyền học, tiến hóa học, sinh thái học, hóa sinh. Đề thi bằng tiếng Anh, được cố vấn từng đội thẩm định, nếu đồng í thì dịch ra ngôn ngữ phổ dụng của đội. Như đã đề cập, ban tổ chức cách li các cố vấn.
Giải thưởng mỗi kì IBO cũng gồm HCV, HCB, HCĐ, Bằng khen, Phần thưởng xuất sắc thực hành, Phần thưởng xuất sắc lí thuyết. Thí sinh nào có tổng điểm cao nhất, cả thực hành lẫn lí thuyết, thì nhận GĐB.
Việt Nam tham dự IBO
Lần đầu tham gia IBO VII tổ chức ở Trung tâm thiếu nhi quốc tế Artek thuộc thị trấn Hurzuf trên bán đảo Crimea của Ukraine (nay thuộc Nga), từ ngày 30/6 - 7/7/1996, đội Việt Nam gồm 4 nam nữ thí sinh (tất thảy từ THPT chuyên Lương Văn Tụy, Ninh Bình) đều đoạt Bằng khen.
Với IBO XI tổ chức ở TP Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 9 - 16/7/2000, đội Việt Nam bắt đầu đoạt HCV nhờ công thí sinh Trương Quang Huy (THPT chuyên Tiền Giang, Mỹ Tho).
IBO XXVII tổ chức ở Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, từ ngày 17 - 24/7/2016, đội chủ nhà đoạt HCV thứ nhì nhờ công nữ thí sinh Vũ Thị Chinh (THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).
HCV thứ ba nhờ công thí sinh Trương Đông Hưng (THPT chuyên Quốc Học - Huế) lập tại IBO XXVIII tổ chức ở TP Coventry của Anh từ ngày 23 - 30/7/2017.
IBO XXIX tổ chức ở TP Shiraz của Iran, từ ngày 15 - 22/7/2018, đội Việt Nam gồm 4 thí sinh thì 3 người đoạt HCV: Hoàng Minh Trung (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa), Trần Thị Minh Anh (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng), đặc biệt Nguyễn Phương Thảo (THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đoạt tổng điểm cả lí thuyết lẫn thực hành cao nhất gồm 98,13 nên được trao thêm Giải đặc biệt với “tước hiệu” the first winner / người chiến thắng đầu tiên / vô địch.