Đất cho trường học - Mất bò chưa lo làm chuồng:

Oằn mình trong lớp học chật chội...

GD&TĐ - Theo quy định, sĩ số tối đa đối với trường tiểu học là 35 học sinh/lớp; với trường THCS là 45 học sinh/lớp.

Học sinh tiểu học Hà Nội tham gia hoạt động trong lớp học. Ảnh: Hải Nam
Học sinh tiểu học Hà Nội tham gia hoạt động trong lớp học. Ảnh: Hải Nam

Tuy nhiên, không nhiều lớp, trường duy trì được con số trên. Thậm chí, ở điểm nóng, sĩ số một lớp có thể lên đến 55 em. Liệu việc tổ chức hoạt động giảng dạy, tâm lý, sức khỏe học trò có bảo đảm trong môi trường chật chội như vậy?

Dạy học còn khó…

Sĩ số đông, để có đủ chỗ ngồi, nhà trường buộc phải kê thêm bàn ghế, do đó khoảng cách giữa các em rất gần. Cô Lê Thị Lan (giáo viên tiểu học thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thông tin thêm: Sĩ số lớp học duy trì từ 30 – 35 em thì kê 4 dãy, mỗi dãy 4 bàn và mỗi bàn/2 học sinh. Nhưng lớp đông buộc phải kê thêm bàn, ghế. Khoảng cách giữa các bàn hẹp lại, học sinh ngồi gần nhau nên dễ nói chuyện, thảo luận việc riêng trong giờ học…

Lớp đông, việc gọi học sinh phát biểu không thường xuyên, theo cô Lan, cũng là thiệt thòi với các em. Nhiều em giơ tay nhiều lần nhưng không đến lượt phát biểu dần dẫn đến mất hứng thú.

Đặc biệt, thực hiện chương trình mới, bất cập khi trường lớp không theo kịp số học sinh càng rõ. “Đơn cử, môn Đạo đức, có tiết học yêu cầu xây dựng tiểu phẩm, học sinh đóng vai nhân vật. Nếu lớp học có 30 - 35 học sinh, chia thành 5 nhóm, các em sẽ có thời gian thảo luận, trả lời và cô trao đổi kỹ hơn so với lớp 50 - 56 học sinh và chia thành 10 nhóm”, cô Lan nói.

Cũng vì đông, với học sinh tiếp thu chậm, cô Lan chủ động liên hệ với phụ huynh cho trẻ đến trường sớm hoặc sau buổi học sẽ ở lại cô kèm cặp, hướng dẫn thêm. Có lúc, cô áp dụng phương pháp đôi bạn cùng tiến để hỗ trợ nhau trong học tập.

“Mới đầu, phụ huynh không đồng ý chuyển học sinh từ điểm trường ra trường chính. Chúng tôi đã họp phụ huynh để vận động, phân tích tạo sự đồng thuận. Buổi trưa, học sinh ở lại trường, nhà trường cắt cử giáo viên trông, chăm sóc; phụ huynh chỉ cần chuẩn bị cơm cho các em mang đi”, cô Hằng nói.

Tương tự, cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học 1 xã Thái Bình, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn khá khang trang, tuy nhiên, với các điểm trường còn khó khăn. Dạy môn Tin học lớp 3 nhưng các điểm trường không có máy tính, không có Internet. Nhà trường cũng không có giáo viên Tin học. Theo cô Hiệu trưởng Dương Thị Hằng, trường lên phương án chuyển học sinh lớp 3 từ các điểm trường ra trường chính; mời giáo viên kiêm nhiệm từ trường khác đến giảng dạy.

Thầy - trò đều căng thẳng

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh – Công ty Tham vấn Tâm lý Mạnh Linh School Psychology - nhấn mạnh: “Lớp học đông sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của thầy lẫn trò. Theo đó, giáo viên sẽ khó quản lý lớp bởi mỗi học sinh là một cá thể, bản sắc riêng biệt và bối cảnh phát triển không giống nhau. Để quán xuyến được mọi hoạt động của lớp đòi hỏi giáo viên phải bỏ ra nhiều công sức để tìm hiểu học trò, gia đình, đồng thời cập nhật thường xuyên các đặc điểm của tâm lý lứa tuổi.

Một tiết học của học sinh vùng cao huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Ngô Chuyên
Một tiết học của học sinh vùng cao huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Ngô Chuyên

Lớp học đông cũng làm thầy - trò dễ rơi vào tình trạng căng thẳng về tinh thần và mệt mỏi về thể xác. “Bản thân nhiều năm đứng lớp, có những lớp có mic, lớp không, nên tôi phải nói to, nhắc lại nhiều lần khiến họng yếu, thường xuyên viêm thanh quản”, bà Linh chia sẻ và cho biết thêm:

Lớp đông học sinh cũng sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức hoạt động học tập như chia nhóm làm bài tập hay thực hiện các hoạt động trải nghiệm. Trong nhóm có nhiều thành viên dẫn đến người học, người chơi ảnh hưởng đến quá trình học tập của những bạn xung quanh; đồng thời, không gian sinh hoạt hạn chế cũng tạo cảm giác chật chội, khó chịu, dễ nảy sinh mâu thuẫn.

Còn theo bà Đỗ Lê Thu Ngọc – Trợ lý đại diện thường trú, Trưởng phòng Tăng trưởng Bao trùm, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), không có đủ trường học nên phải mượn hoặc đi học nhờ đơn vị khác; trẻ thiếu thiết bị khi học trực tuyến… là những nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng trong giáo dục.

UNDP luôn quan niệm giáo dục là cho toàn dân, mọi trẻ em đều có quyền được đi học. Do đó, cần có chính sách toàn diện; đa dạng hóa các dịch vụ để mọi trẻ được tiếp cận giáo dục. Ở Việt Nam, đầu tư công cho cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục rất cần thiết.

“Chúng ta không thể xét đầu tư, xây mới được bao nhiêu trường mà phải tính đến tỷ lệ trẻ được đi học. Ví dụ: Năm nay có 1 triệu trẻ em sẽ đi học thì cơ quan chức năng phải điều chỉnh đầu tư công cho hợp lý; xây dựng ngân sách theo kết quả đầu ra mới tới điểm đang cần”, bà Ngọc nhận định.

Dạy lớp ghép tại trường tiểu học ở Hà Tĩnh, cô Đặng Thị Lài bày tỏ băn khoăn: Chương trình GDPT 2018, môn Toán giảm tải khá nhiều, nhưng môn Tiếng Việt đòi hỏi có nhiều hoạt động trong tiết học, giáo viên vì thế phải thành lập nhóm học. Nếu học lớp ghép thì các hoạt động đó sẽ giảm do học sinh ít, khó có thể triển khai, chưa kể cơ sở vật chất tại các điểm trường bị hạn chế. Tổ chức hoạt động như vậy sẽ ảnh hưởng đến trò lớp còn lại. Do đó, dù nhà trường, giáo viên đã tìm cách khắc phục nhưng để đạt được hiệu quả như mong muốn đã khó, chứ nói gì đến phát huy tính ưu việt của chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.