Tôi cũng vậy, những năm tháng chúng tôi học ở trường phổ thông cũng là những năm tháng hồn nhiên, với bao kỉ niệm đẹp. Nhưng có lẽ, để lại ấn tương sâu đậm trong ký ức của tôi là những năm chiến tranh, khi thế hệ chúng tôi bước chân vào trường đại học.
Đó là cuối những năm 60 của thế kỉ 20, khi Mỹ leo thang ném bom miền Bắc ác liệt nhất. Các trường đại học đều phải sơ tán đến các vùng núi xa xôi để tránh máy bay Mỹ.
Tôi được vào học khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh. Rời xa thành phố Vinh (Nghệ An), cả trường kéo nhau lên vùng miền núi Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa.
Nơi đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mường. Trường học của chúng tôi là những khoảng đất mênh mông dưới những đỉnh núi cao vút. Chẳng có gì khác những tiếng mõ trâu lốc cốc, những vạt cây rừng cao thấp um tùm.
Bằng sức lực của tuổi trẻ, chúng tôi dựng trường: Đào đất đắp nền, lên rừng chặt gỗ, chặt nứa, cắt cỏ tranh... Bằng đôi vai của mình, chúng tôi chuyển vật liệu về dựng lớp học, nhà ăn, nơi ở. Những căn nhà đơn sơ nhưng gọn gàng ra đời từ những bàn thợ mộc bất đắc dĩ.
Để tránh bom Mỹ, chúng tôi lại phải đào giao thông hào, hầm trú ẩn. Tất cả ra đời từ đôi bàn tay và sức lực của những chàng trai, cô gái sinh viên tuổi mười chín, đôi mươi. Gian khổ không thể nào kể hết.
Ở tuổi ăn, tuổi lớn của chúng tôi, nhưng ngày ngày ngoài hai bữa ngô, bánh mì luộc, với thức ăn là canh sắn củ ninh muối cho vài nắm lá lốt, mấy thìa muối, lũ con trai chúng tôi đói vàng cả mắt. Có anh bạn nói vui: “Đói quá, nhìn con cóc trong lỗ nhảy ra cũng thấy thèm”.
Thỉnh thoảng, sinh viên chúng tôi được khoa cấp cho một ít sữa bột của Liên Xô (sau này mới biết đó là loại sữa dùng cho chăn nuôi). Đang cơn đói, mấy ông bạn cùng phòng vội vã ăn ngay.
Có cậu thì cứ để nguyên sữa bột như thế dốc vào mồm, bột sữa tắc ở họng suýt ngạt thở. Có bạn thì pha thêm nhiều nước, cho vào cái liễn, cứ thế là uống như kiểu lợn húp nước gạo. Ngoài giờ, sinh viên chúng tôi cũng tăng gia bằng cách trồng rau, lên rừng bẻ măng, hái rau để cải thiện.
Lớp tôi có sáng kiến chuyển từ bánh mì luộc sang làm bánh bao nhân bí đỏ cho dễ nuốt. Vì thiếu ăn, lao động học tập vất vả nên ốm đau của sinh viên là chuyện bình thường. Ốm nhẹ thì cho qua nhưng ốm nặng mới khổ.
Có những lần trong đêm khuya, cả lớp nháo nhác cử người khiêng bạn bằng võng đi cấp cứu ở bệnh viện huyện. Chúng tôi thay nhau đưa bạn đi viện, vượt mấy chục cây số lặn qua rừng giữa trời đêm..
Các giáo sư Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Phùng Văn Tửu, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử… những người thầy của chúng tôi cũng chia sẻ sự gian khỏ thiếu thốn cùng những sinh viên của mình.
Chúng tôi thường nói vui với nhau, để tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, ngoài các kết quả học tập và bài thi tốt nghiệp, anh phải có thêm một số chứng chỉ. Đó là phải có ghẻ, lở, hắc lào; phải biết lên rừng chặt nứa, kiếm củi và phải thử thách bằng sự thiếu đói…
Sau này, khi máy bay Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, thầy trò chúng tôi lại kéo nhau về xuôi. Không có xe vận chuyển, chúng tôi chuyển trường bằng cách riêng của mình.
Đó là lên rừng chặt nứa, đóng bè, cho sách vở, đồ đạc lên bè thả xuôi theo dòng sông Mã. Vượt dòng sông Mã chảy xiết, những chàng sinh viên khoa Văn cất cao điệu hò sông Mã.
Gian khổ, thiếu thốn vô cùng, nhưng chúng tôi tự hào đã vượt qua tất cả để học tập, rèn luyện nghiệp vụ để trở thành những nhà giáo đến với các trường học trên mọi miền Tổ quốc.
Nhiều bạn học của chúng tôi đã tham gia quân đội, trở thành người lính trên chiến trường đánh Mỹ. Có người đã hi sinh khi chưa một ngày được đứng trên bục giảng.
Trường Đại học Sư phạm Vinh sinh ra trên mảnh đất miền Trung mưa dầu nắng lửa. bị vùi dập bởi mưa bão và đạn bom. Chúng tôi, những lứa sinh viên học tập ở trường vào những năm chiến tranh ác liệt nhất.
Cho nên gian khổ thiếu thốn, là chuyện thường. Dẫu học ở một “trường đại học khổ nhất thế giới”, một cách nói vui của lũ sinh viên chúng tôi thời ấy, nhưng chúng tôi tự hào vì đó là môi trường tốt để chúng tôi rèn luyện, để mỗi người chúng tôi trưởng thành.
Sau này khi đã trở thành nhà giáo, chúng tôi vẫn khắc sâu những kỉ niệm của một thời đi học để nhắc mình vượt qua mọi gian khổ chung thủy với nghề vinh quang, nghề dạy học.