Ở nhà mùa Covid-19: Vạch chiến lược để con không "dán" mắt vào màn hình

GD&TĐ - Để trẻ không dành quá nhiều thời gian trên màn hình khi ở nhà mùa Covid-19, bố mẹ được khuyến khích cùng con lên kế hoạch cụ thể. Đồng thời, giúp trẻ tham gia vào những hoạt động mình muốn.

Trẻ có thể tham gia các hoạt động khác thay vì chơi điện tử.
Trẻ có thể tham gia các hoạt động khác thay vì chơi điện tử.

Hãy khiến con bận rộn

"Khi Covid-19 bùng phát, các con không thể tới trường và phải học trực tuyến. Do đó, lo ngại thị lực con bị ảnh hưởng, ngoài giờ học, tôi yêu cầu con không được động tay vào thiết bị điện tử", chị Trần Nhật Linh - một phụ huynh có hai con tại Hoàn Kiếm (Hà Nội), chia sẻ.

Song, trái lại, một số phụ huynh quyết định sử dụng thiết bị công nghệ làm "vật trao đổi" với con. "Nếu con đạt điểm cao, bố mẹ sẽ tặng con một chiếc điện thoại di động"; "Con sẽ được chơi điện tử nếu ngồi ngoan để mẹ làm việc"... Đây là những "giao kèo" mà không ít phụ huynh thừa nhận từng nói với trẻ. Thiết bị công nghệ ngày nay, đặc biệt là thời Covid-19, bỗng trở thành giải pháp hữu hiệu để phụ huynh khiến trẻ ngồi yên một chỗ. Tuy nhiên, các phụ huynh vô tình "quên" rằng, cách làm đó dần biến cuộc sống của trẻ chỉ xoay quanh hai từ "màn hình". Nghiêm trọng hơn, sức khoẻ của trẻ có thể bị ảnh hưởng do ngồi trước thiết bị điện tử trong thời gian dài.

Chia sẻ về tình trạng này, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, cha mẹ có thể tạo cho con những niềm vui khác vào khoảng thời gian trẻ thường sử dụng thiết bị công nghệ. Khi bắt đầu quen với những hoạt động này, con sẽ dần giảm thời gian chơi điện tử.

"Điều quan trọng nữa là bố mẹ cần cùng tham gia với con vào các hoạt động, nhằm tạo mối quan hệ gắn bó, gần gũi. Khi đó, phụ huynh sẽ dễ dàng điều chỉnh thời gian trẻ sử dụng thiết bị công nghệ. Bởi lẽ, trẻ thường có xu hướng nghe lời hơn khi gần gũi với bố mẹ", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể khiến trẻ trở nên bận rộn bằng các nhiệm vụ giúp đỡ và hỗ trợ người lớn. Nhờ vậy, con sẽ không dành quá nhiều thời gian vào việc sử dụng thiết bị công nghệ. Để có thể khuyến khích con, bố mẹ nên sử dụng những phần thưởng xã hội.

Ngoài ra, phụ huynh được khuyến cáo trở thành những tấm gương cho con trong việc sử dụng thiết bị công nghệ. Việc hướng dẫn trẻ sử dụng và phòng ngừa tác động xấu từ trò chơi điện tử, Internet hay mạng xã hội cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.

Thoả thuận với con

PGS.TS Trần Thành Nam.
PGS.TS Trần Thành Nam.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, bố mẹ cần vạch ra chiến lược cụ thể để giúp con không dành quá nhiều thời gian sử dụng thiết bị công nghệ. "Trước hết, phụ huynh hãy liệt kê tất cả hoạt động mà trẻ thích hoặc từng có hứng thú. Phụ huynh chú ý lựa chọn các hoạt động mang tính tương tác xã hội hoặc có ý nghĩa giá trị xã hội như: Đến nhà ông bà chơi, cùng bố mẹ tham gia buổi dã ngoại, chơi bóng đá với bố, chơi cờ cá ngựa với anh chị em…. Tuy nhiên, cần tránh chọn các hoạt động để con ngồi một mình, như xem hoạt hình, đọc truyện tranh…", chuyên gia cho biết.

Bên cạnh đó, mỗi ngày, bố mẹ có thể lên kế hoạch để sắp xếp thời gian tham gia vào những hoạt động trên cùng con. "Ví dụ, phụ huynh có thể đưa vào thời gian biểu mỗi ngày, dành 15 phút buổi tối để chơi cờ cá ngựa với con, 30 phút buổi chiều đi bộ, đá bóng hoặc chơi cầu lông. Cuối tuần, cả gia đình sẽ tham gia một hoạt động ngoài trời hoặc về thăm ông bà", PGS Nam cho hay.

PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, phụ huynh nên thỏa thuận và đặt giới hạn thời gian con sử dụng thiết bị điện tử mỗi ngày là 30 phút. Đặc biệt, trẻ sẽ chỉ được chơi vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Giai đoạn đầu, trẻ sẽ được phép chơi 30 phút miễn phí. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng thiết bị công nghệ nhiều hơn, con sẽ phải làm một việc gì đó giúp bố mẹ và đổi lấy thời gian khoảng 15 phút. "Lưu ý, trẻ chỉ nên được đổi thời gian tối đa là 2 lần", chuyên gia nhấn mạnh.

Theo PGS Nam, thời lượng trẻ sử dụng thiết bị công nghệ sẽ giảm dần, khi con bắt đầu thích tham gia các hoạt động khác với bố mẹ. Nhờ vậy, sau vài tuần, bố mẹ có thể điều chỉnh thời gian trẻ chơi điện tử xuống 20 phút/lần hoặc chỉ cho con sử dụng công nghê vào những ngày không có nhiều bài tập. Sau đó, bố mẹ có thể yêu cầu con chỉ sử dụng thiết bị điện tử vào hai ngày cuối tuần.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ