Ổ dịch thị xã Bỉm Sơn đã ghi nhận hơn 100 ca mắc, Thanh Hóa dừng vận tải hành khách

GD&TĐ - Trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại thị xã Bỉm Sơn (hiện tại ổ dịch thị xã Bỉm Sơn đã ghi nhận hơn 100 ca mắc, áp dụng cấp độ dịch 4), tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải hành khách.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa vừa có thông báo về việc tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn và ngược lại khi áp dụng cấp độ dịch Covid-19 cấp 4.

Tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đến/về TX Bỉm Sơn, gồm: Xe tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch; xe vận chuyển học sinh, sinh viên; phương tiện chở khách bằng đường thủy nội địa.

Trường hợp phương tiện vận tải hành khách từ các địa phương, tỉnh, thành phố có hành trình đi qua địa bàn thị xã Bỉm Sơn thì không được dừng, đỗ, đón trả khách.

Các xe taxi, xe vận tải người nội bộ được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các quy định sau:

Xe taxi phải có vách ngăn giữa lái xe và hành khách; số lượng xe hoạt động không quá 20% tổng số xe của đơn vị hoạt động trên địa bàn và chỉ được chở tối đa không quá 50% số ghế/chuyến. Lái xe taxi phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh.

Xe vận tải người nội bộ chỉ chở tối đa không quá 50% số ghế/chuyến và không quá 20 người/chuyến; thực hiện bố trí hành khách ngồi giãn cách theo quy định.

Vận tải hàng hóa đường bộ: Tổ chức hoạt động bình thường; lái xe người đi theo xe phải đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch.

Các lái xe, hành khách, người đi theo xe phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch gồm: tuân thủ "Thông điệp 5K"; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương nơi đi, nơi đến.

Không yêu cầu xét nghiệm y tế khi đi lại trong địa bàn thị xã Bỉm Sơn; nếu đi từ địa bàn thị xã Bỉm Sơn đến các địa phương khác và ngược lại phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả).

Trước, trong và sau chuyến đi, lái xe, người đi theo xe nếu có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mắt, vị giác và khứu giác, khó thở... thì cần theo dõi sức khỏe và thông báo ngay cho đơn vị vận tải, cơ quan y tế địa phương để triển khai quy trình xử lý dịch theo quy định.

Bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho hành khách sử dụng; áp dụng các biện pháp thông gió tự nhiên; yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển.

Vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hàng ngày và sau mỗi chuyến đi đối với các bề mặt tiếp xúc nhiều như bề mặt vô lăng lái, tay nắm cửa, ghế ngồi, cửa sổ, sàn phương tiện, ghế ngồi...

Tính từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 727 ca mắc Covid-19 cộng dồn; 491 người điều trị khỏi ra viện; 5 ca tử vong; số bệnh nhân còn lại hiện đang điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai tiêm được hơn 853.000 liều vắc xin phòng Covid-19. Trong 24 giờ qua đã thực hiện xét nghiệm bằng RT-PCR 7.059 mẫu tại các đơn vị y tế trong tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.