Ở chung cư cao tầng, bố mẹ làm ngay những điều này để bảo vệ an toàn cho con trẻ

GD&TĐ - Những sự vm

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một sự việc đau lòng diễn ra vào tối qua 19/4, bé gái 3 tuổi không may rơi từ tầng 24 chung cư Xuân Mai, quận Hà Đông, Hà Nội xuống đất và tử vong.

Những sự việc thương tâm như trên đây không phải là lần đầu tiên mà đã xảy ra nhiều ở các tòa nhà cao tầng trên khắp cả nước...

Phần lớn do cửa sổ những chung cư này thường không có chấn song, bảo hiểm; ban công, cột thông gió cũng không có rào chắn. Đó chính là một số nguyên nhân góp phần dẫn tới nguy cơ mất an toàn tại những khu chung cư. 

Chị Nguyễn Thị Loan (Học viện Thanh thiếu niên) chia sẻ trên báo chí, để hạn chế những thương vong, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho trẻ em, các gia đình sống ở chung cư cao tầng trước khi dọn vào ở, điều đầu tiên và nhất thiết phải làm, đó là gia cố, rào chắn phần ban công, lan can, cửa sổ phía sau căn hộ sao cho kín kẽ, chắc chắn nhất để không thể nào trẻ nhỏ có thể trèo, lọt qua được.

Như vậy, trong cuộc sống hàng ngày cha mẹ, người lớn mới yên tâm, không còn phải lo nơm nớp trẻ bị ngã, rơi lầu, kể cả đôi lúc có lơ là trong việc canh chừng, trông coi trẻ...

Trước đó, một vụ việc dấy lên cảnh báo tương tự về an toàn chung cư nhưng cái kết may mắn hơn đó là trường hợp bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư. Từ trường hợp này, công an quận Thanh Xuân đưa ra lời khuyên, tất cả các nhà chung cư cao tầng, đặc biệt gia đình có cháu nhỏ tuổi nên có những bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ.

Theo Thượng tá Đinh Tuấn Thành - Trưởng công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), tất cả các nhà chung cư cao tầng, đặc biệt những gia đình có cháu nhỏ tuổi nên có những sự bảo vệ cho các cháu. Ví dụ trong nhà có ổ điện, có đường dây điện, rồi những đồ sắc nhọn,... cũng cần đảm bảo cho các cháu nhỏ không thể tiếp cận.

Trưởng công an quận Thanh Xuân cũng đặc biệt lưu ý, các ô cửa các gia đình cũng cần làm cho thật chắc chắn, chặt chẽ, đảm bảo không để lọt, vừa khuôn khổ người của các cháu, để các cháu có thể trèo qua, lọt qua khe cửa. Vì các cháu còn quá nhỏ, chưa ý thức được, nắm được những hành động đó gây nguy hiểm thế nào như người lớn.

"Qua đây, cũng tuyên truyền vấn đề tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn xảy ra đối với trẻ nhỏ" - ông Thành nhấn mạnh.

Hình ảnh bé gái rơi từ tầng 12 chung cư.
Hình ảnh bé gái rơi từ tầng 12 chung cư.

Được biết, hiện nay chỉ số an toàn tại các chung cư đều được thiết kế theo quy chuẩn, lan can đều cao đến ngang ngực người lớn, cửa sổ không làm chấn song để tạo thuận lợi cho công tác cứu hỏa. Tuy nhiên, điều đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho trẻ nhỏ. 

Do đó, để hạn chế những tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên lắp lưới an toàn cho các lan can, ban công, cửa căn hộ.

Lưới an toàn ban công là loại lưới được tạo từ những sợi dây cáp mà lõi được làm từ inox có độ bền cao, có khả năng chịu mưa gió, chống oxy hóa, chống gỉ cực kỳ tốt. Lưới an toàn đang được ban quản lý chung cư cũng như cơ quan phòng cháy chữa cháy khuyến khích sử dụng. Bởi lẽ, với tính cơ động của lưới an toàn, khi gặp tình huống cấp thiết như hỏa hoạn, chúng ta có thể cắt cáp để thoát ra ngoài bằng kìm chuyên dụng; giúp cho quá trình cứu hộ  trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn rất nhiều so với là các khung sắt ” chuồng cọp” như nhiều nhà hay sử dụng. 

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an thành phố Hà Nội, để đảm bảo an toàn ở những khu vực ban công, cửa sổ các tòa chung cư, nhà cao tầng, có thể lắp đặt, bổ sung lưới cáp bảo vệ.

Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy của công trình thì các lưới cáp bảo vệ này phải dễ dàng tháo dỡ được trong trường hợp lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tiếp cận phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra…

Ban công của một căn hộ chung cư được lắp lưới bảo vệ an toàn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử công an thành phố Hà Nội.

Ban công của một căn hộ chung cư được lắp lưới bảo vệ an toàn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử công an thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, những nguy cơ mất an toàn cho trẻ nhỏ còn đến từ sự bất cẩn của người lớn. Do đó, bên cạnh các giải pháp mang tính kỹ thuật, để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, các gia đình cần đặc biệt chú ý:

- Nếu ở tầng cao, hạn chế kê giường, tủ, bàn, ghế hay những vật dụng mà trẻ có thể trẻ leo lên được cạnh khu vực cửa sổ, ban công. Các cửa chính và cửa sổ phải có chốt an toàn, trẻ em không tự mở được.

- Đặc biệt, bố mẹ, hay người giám sát, chăm sóc, phải luôn theo dõi, gần gũi trẻ để đảm bảo an toàn khi trẻ sống trong các tòa nhà cao tầng, đặc biệt là không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình.

- Khi gặp trường hợp các em nhỏ chơi ngoài lan can, mắc kẹt trên lan can hoặc có nguy cơ bị ngã từ lan can, ngay lập tức hãy liên hệ với Ban quản lý vận hành chung cư hoặc cứu hộ, để có thể ứng biến nhanh, giải quyết tình huống kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.