Được biết, 15 giờ chiều 25/6, bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Xanh Pôn. Người bệnh bị đau bụng âm ỉ vùng hạ vị tăng dần, bệnh đã diễn biến hai tuần trước khi nhập viện. 3 ngày trước đó, bệnh nhân đau bụng tăng kèm theo sốt cao 38 - 39 độ C, mệt mỏi, ăn uống kém.
Gia đình đã cho cháu đi khám nhiều lần trong khoảng thời gian trên, nhưng đều được chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa, cho đơn thuốc về nhà uống.
Bs. Nguyễn Thị Hồng Vân, khoa Phẫu thuật Nhi, người tiếp nhận bệnh nhân cho biết: “Qua thăm khám ban đầu chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng trong ổ bụng. Tuy nhiên đây là một trường hợp khó, bệnh cảnh toàn thân và ổ bụng không tương xứng với thời gian đau bụng là hai tuần.
Kíp trực Ngoại đã cùng hội chẩn để chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị cho bệnh nhân này.
Kết quả siêu âm ổ bụng chỉ thấy hình ảnh dày thành một số quai ruột non, hình ảnh phim Xquang ổ bụng tuyến dưới không phát hiện dấu hiệu bất thường.
Do nguyên nhân nhiễm trùng ổ bụng chưa rõ nên chúng tôi cho bệnh nhân chụp Cắt lớp vi tính ổ bụng. Hình ảnh trên phim chụp cắt lớp đã phát hiện dị vật dài khoảng 3cm, đã chọc thủng thành ruột và gây tình trạng viêm phúc mạc khu trú trong ổ bụng. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi ngay sau đó” Bs. Vân cho biết thêm.
Người trực tiếp phẫu thuật là Ths.Bs.Trần Văn Quyết, Phó trưởng khoa phẫu thuật nhi chia sẻ: “Khi vào ổ bụng, quan sát chúng tôi thấy đoạn ruột bị thủng là đại tràng Sigma (đoạn đại tràng gần cuối cùng), chỉ cách rìa hậu môn khoảng 20 cm. Do mảnh xương đã bị mắc ở đó trong thời gian dài khiến đoạn ruột viêm dày, đầu xương chọc thủng thành ruột.
Tuy nhiên, lỗ thủng lại được các quai ruột non bọc lại, cô lập ổ viêm với ổ bụng. Chính vì vậy mà triệu chứng của bệnh nhân rất mờ nhạt, diễn biến chậm.
Trong trường hợp bệnh nhân này, thông thường nếu lỗ thủng không được quai ruột non bít lại như trên, phân sẽ tràn vào ổ bụng của bệnh nhân sẽ gây nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, thậm chí tử vong”.
Bệnh nhân được ê kíp phẫu thuật nội soi lấy dị vật, khâu lỗ thủng đại tràng Sigma, lau rửa sạch ổ bụng, đặt dẫn lưu ổ bụng theo dõi và đưa quai ruột non ra ngoài làm dẫn lưu hồi tràng.
Việc phẫu thuật nội soi giúp bệnh nhân giảm đau đớn, rút ngắn thời gian nằm viện, đặc biệt là kết quả thẩm mỹ tốt hơn. Sau 2 tiếng phẫu thuật ca mổ đã thành công, bệnh nhân được chuyển về khoa phẫu thuật Nhi tiếp tục điều trị.
Tỉnh lại sau ca mổ, cháu H chợt nhớ ra: “Có thể cháu đã nuốt phải mảnh xương gà trong buổi liên hoan lớp trước đó 1 tháng”. Hiện bệnh nhân hết sốt, tỉnh táo và không còn đau bụng, dẫn lưu hồi tràng đã ra dịch phân. Với tình hình sức khỏe tiến triển tốt, dự kiến cháu H sẽ ra viện trong vài ngày tới.
Theo BS. Quyết, trong vòng 2 tháng tới, bệnh nhân cần phải mổ một lần nữa để đóng lại dẫn lưu hồi tràng.