Ước mơ con trẻ
Mỗi bé đều có những ước mơ rất ngây thơ, nhân văn và cao đẹp. Tuy nhiên, một số cha mẹ thường gạt bỏ và vùi dập ước mơ của con bằng lối suy nghĩ thực dụng và đầy toan tính.
Bé Minh Anh - Trường Tiểu học Tân Mai (Hà Nội) kể rằng, từ bé em đã nuôi mơ ước làm họa sĩ. Nhưng mỗi khi em mang những bức tranh vẽ về nhà với tâm trạng rất hào hứng thì đều bị bố mẹ chê là vẽ xấu thế này “làm sao lấy được tiền của thiên hạ”.
“Học vẽ thì phải có năng khiếu chứ, đằng này… trông vẽ xấu quá”. Thế là vô tình bố mẹ làm cho bé mất hết hào hứng. Những lần sau không mấy khi Minh Anh khoe bức tranh vẽ của mình với bố mẹ. Nếu ai vô tình hỏi sau này con thích làm gì, bé chỉ ậm ừ: “Con thích vẽ nhưng con sợ vẽ không đẹp”.
Bé Bảo Nguyên - Trường Tiểu học Đại Từ (Hà Nội) chia sẻ: “Con thích làm công nhân quét dọn đường phố nhưng bố mẹ con luôn bảo rằng nghề ấy dành cho những người không cần học.
Bố mẹ con bảo con phải làm bác sĩ cơ, nghề ấy sau này kiếm được nhiều tiền. Cả nhà ai cũng cười và chế giễu sở thích chẳng giống ai. Bố con bảo: “Đúng là dở hơi. Sao không mơ trở thành nhà phát minh sáng chế, hay kiến trúc sư, bác sĩ? Ai lại mơ làm anh công nhân vệ sinh… Con buồn lắm”.
Đừng bóp méo ước mơ của trẻ
Những câu chuyện trên không hiếm trong mỗi gia đình. Các ông bố bà mẹ ai cũng kì vọng con sẽ thành ông nọ bà kia, vì thế ước mơ của con cũng phải trở thành những người nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền.
Trước ước mơ con trẻ, thay vì đồng tình và khuyến khích những suy nghĩ tích cực của con, có bố mẹ em lại chê con dại và “nhồi” cho con suy nghĩ không đúng.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, trẻ em 4 - 5 tuổi đã có trí tưởng tượng và hình thành những ước mơ sơ khai (thường là lung linh, đẹp đẽ, xa rời thực tế). Các bé trai thường ước mơ trở thành siêu nhân, phi công vũ trụ, nhà phát minh sáng chế. Còn các bé gái lại mơ ước được là nàng công chúa, diễn viên, cô giáo…
Dù không biết khi trưởng thành trẻ có thành công hay không, nhưng rõ ràng biết ước mơ là một điều đáng quý. Ước mơ của con trẻ cũng là yếu tố quan trọng giúp bố mẹ khám phá năng lực, sở trường cũng như tố chất tiềm ẩn trong những năm đầu đời của con.
Có ước mơ cho thấy các em có niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống, rất cần được khích lệ. Một khi người lớn “giết” đi ước mơ của các em thì những mong muốn thành quả về học tập, về thành công sẽ rất khó đạt được kết quả tốt.
Đành rằng, trẻ cần được biết những khó khăn, những thực tế trong cuộc sống nhưng là để nhằm rèn luyện ý chí, khắc phục, cha mẹ cần có cái nhìn đa chiều, người lớn không nên lôi ra khó khăn để làm nhụt chí của trẻ, khiến trẻ có cái nhìn bi quan.
Theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, nếu bạn không thấy con mình ước mơ gì cả thì hãy thường xuyên trò chuyện với trẻ về những nhân vật, hình mẫu đẹp trong sách báo và cuộc sống; khuyến khích, gợi mở để hướng cho con biết ước mơ một điều gì đó.
Khi con lớn hơn, suy nghĩ dần gần gũi với hiện thực, ước mơ của trẻ bắt đầu phản ánh những bước đi nghề nghiệp, lúc này cha mẹ không chỉ động viên mà phải dẫn dắt, tạo điều kiện cho con thực hiện ước mơ của mình.
Nếu mong ước của con chưa phù hợp với cá tính, năng lực, sở thích của trẻ thì cha mẹ có thể khéo léo giúp con thay đổi, hoàn thiện bản thân để định hướng tương lai cho chúng.