Nuôi 26 năm mới biết nhầm con

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi 2 con trai qua đời, He âm thầm trộm con người khác về nuôi và gieo rắc nỗi đau cho một gia đình vô tội.

Gia đình ba người Zhu Xiaojuan trước khi con trai bị bắt cóc.
Gia đình ba người Zhu Xiaojuan trước khi con trai bị bắt cóc.

Nhiều năm sau, khi những đứa trẻ đã trưởng thành, sự thật mới được phơi bày.

Vụ mất tích bí ẩn

Chiều muộn 10/6/1992, sau khi kết thúc công việc ở bệnh viện, chị Zhu Xiaojuan, sống tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, mệt mỏi trở về nhà. Về đến nơi, chị Zhu bị người hàng xóm ôm chặt và hét lên: “Zhu, con trai cô bị bảo mẫu đưa đi rồi”.

Trong nhà, mẹ chị Zhu ngồi dưới đất khóc. Bà kể lại khi sang thăm cháu, phát hiện nhà không có ai, hỏi hàng xóm thì được biết bảo mẫu đưa cháu ra ngoài từ 8 – 9 giờ sáng, nói là đi chợ. Tuy nhiên, trong phòng ngủ của bảo mẫu đồ đạc không còn, bà vội chạy đi tìm và hỏi khắp nơi không được.

Nghe tin, chồng của Zhu vội về nhà. Trấn an hai người phụ nữ trong cơn hoảng loạn, anh cùng hàng xóm đến đồn cảnh sát gần nhất trình báo mất tích. Cảnh sát đã huy động điều tra viên cùng gia đình đi khắp nơi tìm kiếm, thậm chí lục thùng rác, nhưng không có dấu vết đứa nhỏ.

Gia đình Zhu là đôi vợ chồng trẻ, có với nhau một con trai gần một tuổi rưỡi. Cậu bé trắng trẻo và rất đáng yêu. Hết thời gian nghỉ thai sản, Zhu phải trở lại làm việc nên đã thuê Luo Xuanju, 22 tuổi, qua trung tâm môi giới việc làm ở Trùng Khánh làm bảo mẫu.

Luo là cô gái hiền lành, thật thà lại khéo léo nên nhanh chóng được vợ chồng Zhu tin tưởng. Vì Luo là người nông thôn lên thành phố tìm việc nên gia đình Zhu quyết định dành một phòng ngủ cho Luo ở lại. Đến ngày con trai mất tích, vợ chồng chị không thể liên lạc với Luo.

Cảnh sát dựa trên thông tin cá nhân của Luo để truy tìm tung tích thì phát hiện cô bị bán đến tỉnh Sơn Đông. Tuy nhiên, khi cảnh sát lần đến nơi và giải cứu cho Luo thì phát hiện đây không phải người bảo mẫu trong gia đình Zhu. Đó là một cô gái trẻ, có ngoại hình hao hao với Luo nhưng người này khai đã bị lừa bán từ trước năm 1992, thời điểm mà Luo bắt đầu làm việc cho gia đình Zhu.

Hóa ra, Luo Xuanju thật đã bị cha bán cho người khác làm vợ với giá rẻ. Chứng minh thư nhân dân và các giấy tờ khác của cô bị rò rỉ. Cơ quan điều tra kết luận bảo mẫu cho gia đình Zhu đã mạo danh Luo. Rất có thể, người này đã tiếp cận gia đình Zhu từ đầu với mục đích xấu nhưng vì hiện nay, mọi thông tin về người này quá ít ỏi, vụ án liền chìm vào bế tắc.

Không thể trông cậy hoàn toàn vào cảnh sát, vợ chồng Zhu quyết định nghỉ việc, dành tiền tiết kiệm để tìm con vì nghi ngờ cháu bé bị bán cho bọn buôn người. Họ vay mượn tiền bạc, in ảnh con và dán thông báo tìm người mất tích khắp nơi với hy vọng mọi người có thể cung cấp manh mối hữu ích.

Ròng rã 3 năm đi tìm con không có hy vọng, vợ chồng Zhu đành phó thác mọi việc cho cảnh sát. Ngày đêm họ liên tục cầu nguyện mong phép màu sẽ đưa đứa con bé bỏng trở về.

Đứa bé trở về

Năm 1995, tình trạng trẻ em bị bắt cóc xảy ra thường xuyên, liên tục tại Trung Quốc, đến mức chính phủ phải phát động chiến dịch chống buôn người trên phạm vi toàn quốc. Nhiều “mẹ mìn” ẩn nấp trong bóng tối bị lôi ra ngoài ánh sáng. Trong đó, cảnh sát phát hiện trường hợp một cậu bé 4 tuổi bị bắt cóc từ năm 1992 và bán cho một gia đình ở tỉnh Hà Nam. Bấy giờ, cậu bé tên là Xu Panpan có ngoại hình tương đối giống với con trai bị mất tích của Zhu.

Cả hai lập tức đến Hà Nam nhận con trai dẫu ban đầu, cậu bé la hét, không chịu gọi họ là “bố, mẹ”. Zhu dù đau lòng khi thấy con tỏ ra ghét mình như vậy nhưng cô cũng quyết tâm sẽ dành thời gian còn lại để bù đắp cho con trai mình. Đồng thời, Zhu cũng cảm thấy bất an. Giữa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, trường hợp trẻ con mất tích vì bị bắt cóc, gia đình cô thực sự may mắn vậy sao khi tìm được con tương đối suôn sẻ?

Vợ chồng họ quyết định làm xét nghiệm ADN, cho ra kết quả giống nhau đến 99,8%. Đến lúc này, mọi nghi ngờ trong lòng Zhu hoàn toàn tan biến. Họ đưa Panpan về chăm sóc, đổi tên thành Cheng Junqi.

Hành trình tìm con kéo dài 3 năm cuối cùng cũng thu lại trái ngọt của vợ chồng Zhu đã gây xôn xao trong dư luận lúc bấy giờ. Nhiều người cảm động trước tình yêu thương con cái và ý chí bền bỉ của vợ chồng Zhu.

Zhu, lúc bấy giờ đã hạ sinh người con thứ 2, quyết định gửi con nhỏ về cho bố mẹ nuôi dưỡng để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho Cheng Junqi. Về sau, hai vợ chồng cô ly hôn, Zhu giành quyền nuôi Cheng. Không những cho Cheng cuộc sống ấm no, đủ đầy, Zhu còn một mình nuôi Cheng ăn học lên tiến sĩ. Hai mẹ con vô cùng thân thiết, thường xuyên đi du lịch cùng nhau.

Mọi chuyện tưởng như đã ổn thỏa thì năm 2018, Zhu nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, thông báo: “Con trai cô là hàng giả”. Tưởng ai đó trêu chọc, Zhu tức giận dập máy. Thế nhưng, số lạ này vẫn liên tục gọi điện cho Zhu bất kể cô đã cố tình không nhấc máy. Cuối cùng, họ gửi cho Zhu bức ảnh. Cậu bé trong bức ảnh trông rất giống chồng cũ của Zhu, từ nét mặt cho đến đôi mắt.

“Nếu những gì người lạ kia nói là sự thật, đứa trẻ mà mình đã vất vả nuôi nấng suốt 20 năm qua rốt cuộc là ai?”, Zhu bàng hoàng suy nghĩ. Sau nhiều lần do dự, cô quyết định liên lạc với chồng cũ để đưa Cheng đi làm lại xét nghiệm ADN.

Khi đó, Cheng đã có một gia đình nhỏ. Dù bối rối trước đề nghị của bố mẹ, anh vẫn làm theo. Nhưng lần này, kết quả cho thấy ba người họ không có quan hệ huyết thống. Lúc này, Zhu mới kể cho Cheng nghe câu chuyện về số điện thoại lạ. Ba người họ lặng người, không biết phải làm thế nào cho phải. Cuối cùng chính Cheng đã động viên bố mẹ tìm kiếm sự thật.

Chị Zhu chụp ảnh cùng con trai nuôi, Cheng.

Chị Zhu chụp ảnh cùng con trai nuôi, Cheng.

Sự thật phơi bày

Cậu bé trong bức ảnh là Liu Jinxin, sống tại một ngôi làng nhỏ ở thành phố Nanyun, tỉnh Tứ Xuyên. Trung tâm giám định vật chứng của Cục Công an thành phố Trùng Khánh đã đối chiếu lại ADN của vợ chồng Zhu, Liu và Cheng. Kết quả vợ chồng Zhu và Liu có quan hệ huyết thống còn Cheng thì không. Như vậy, Liu chính xác là con trai đã mất tích 26 năm trước.

Cầm kết quả trên tay, Zhu sụp đổ, không thể tiếp nhận sự thật. Cô chia sẻ “hơn 20 năm qua, trái tim bị xé rách rồi khâu lại, sau đó lại bị xé rách, xát muối”. Liu dù mới ngoài 20 nhưng tóc đã nhuốm bạc, thân hình gầy gò, ốm yếu. Chàng trai trẻ nghiện rượu và thuốc lá, từng điều trị trầm cảm, không có học vấn và công việc bấp bênh.

Mọi chuyện bắt đầu vỡ lở khi bảo mẫu cho gia đình Zhu năm xưa ra đầu thú. Người này tên thật là He Xiaoping, sinh ra ở vùng nông thôn tỉnh Tứ Xuyên. Năm 18 tuổi, cô ta kết hôn cùng một người đàn ông cùng làng và hạ sinh con trai đầu lòng.

He Xiaoping khi ra đầu thú năm 2018.

He Xiaoping khi ra đầu thú năm 2018.

Con trai ruột của Zhu, Liu Jinxin.

Con trai ruột của Zhu, Liu Jinxin.

Một đêm nọ, đứa trẻ bị sốt cao nhưng chồng đi vắng, He chần chừ không đưa con đi bệnh viện. Kết quả, cậu bé mất ngay sau đó. Hai năm sau, He sinh con thứ 2. Khi con 10 tháng tuổi, He chẻ củi trong sân để con tự chơi. Đứa bé bị hóc hạt lạc nhưng mẹ không phát hiện kịp thời nên lại mất con.

Mất hai người con trong vòng ba năm, He tìm đến thầy bói. Người này phán vận số cô ta không tốt, con đẻ ra khó nuôi nên phải nhặt một đứa trẻ về để đổi mệnh. Vì vậy, cô ta quyết định chuyển đến thành phố khác, làm bảo mẫu để có cơ hội tiếp cận các gia đình có con nhỏ. Thời điểm đó, chứng minh thư của Luo Xuanju bị truyền ra ngoài nên He lấy luôn làm thông tin cá nhân.

Sau một thời gian làm việc cho vợ chồng Zhu, thấy họ đã hoàn toàn tin tưởng mình, He quyết định ôm con trai họ bỏ trốn. Nhân ngày vợ chồng Zhu đi làm, He lập tức thu dọn đồ đạc, ôm đứa bé chạy ra bến xe khách và mua vé về quê.

Khi biết sự thật, chồng He rất tức giận nhưng sợ nếu làm lộ ra sẽ gặp rắc rối nên đành im lặng. Dù vậy, hắn ta không có chút tình thương nào với đứa bé không có quan hệ máu mủ này. Vì vậy, ngay từ nhỏ, Jinxin đã bị đánh đập không thương tiếc, chỉ học hết tiểu học.

Đến năm 2003, He ly hôn chồng, chỉ ở cùng Jinxin. Một mình cậu bé phải đi làm đủ mọi nghề kiếm sống. Nhiều lần cảm thấy bản thân có lỗi với Jinxin nhưng sợ sẽ bị truy cứu trách nhiệm, He quyết định tiếp tục im lặng.

Đến năm 2017, tình cờ xem được chương trình tìm kiếm người thân “Bảo bối về nhà”, He cảm thấy hối hận vì đã hủy hoại gia đình người khác. Cô ta chủ động đến đồn cảnh sát đầu thú về hành vi bắt cóc trẻ em năm 1992. Tuy nhiên, do vụ án đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự nên cảnh sát không lập hồ sơ vụ án. Cảnh sát vẫn hỗ trợ để Jinxin tìm lại bố mẹ ruột.

Chỉ trong hơn 20 năm, số phận của nhiều con người đã bị thay đổi khi một đứa trẻ bị bắt cóc. Dù Cheng có cuộc sống tương đối thuận lợi hay Jinxin với một tuổi thơ cơ cực, thì cuộc đời họ đã bị đảo lộn rất nhiều.

Tháng 9/2018, Zhu đâm đơn kiện He và kiện TAND cấp cao tỉnh Hà Nam với lý do kết quả xét nghiệm ADN sai. Tuy nhiên, Jinxin đã khuyên nhủ mẹ rút đơn. Chàng trai nói rằng dù He có lỗi nhưng cũng đã có ơn nuôi dưỡng hơn 20 năm.

Nghe lời con trai, Zhu quyết định ở lại Trùng Khánh với Cheng còn Jinxin ở lại Tứ Xuyên. Thỉnh thoảng, hai mẹ con Zhu và Jinxin vẫn gặp nhau, cùng đi mua sắm nhưng mối quan hệ không thể thân thiết do 26 năm xa cách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.