Dịp đầu năm mới, tại nhiều lễ hội ở một số địa phương tái hiện tục “lấy nước, rước nước”. Tuy là tục lệ phổ biến nhưng hiếm người hiểu được ý nghĩa sâu sắc của nước trong đời sống văn hóa, đặc biệt là tâm linh người Việt.
Giữ vận Nước cho đời sau
Một trong những nghi lễ chính trong lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định) là lễ “rước nước, tế cá” được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Đoàn lễ rước kiệu thuyền rồng đi lấy nước, bắt cá ở giếng cổ và rước về đền Thiên Trường - nơi có bài vị 14 vị vua nhà Trần.
Theo Sở VH,TT&DL Nam Định, lễ “rước nước, tế cá” được Viện Văn hóa - Nghệ thuật dân gian phục dựng sau nhiều năm mai một. Các nguồn sử liệu ghi chép rằng, trước đây trong lễ hội đền Thượng (đền Thiên Trường) đều có lễ “rước nước, tế cá”.
Người được cầm bình đi lấy nước thay mặt dân làng đưa bình ra kiệu, rồi phủ một tấm vải đỏ lên. Người này được dân làng chọn từ trước và phải là người khỏe mạnh, có uy tín đạo đức, con cháu đầy đủ, trong năm gia đình không có chuyện buồn.
Không chỉ đền Trần (Nam Định) mà đền Trần (Hưng Hà, Thái Bình) cũng có nghi lễ rước nước. Đây chính là nghi lễ đầu tiên và quan trọng nhất của lễ hội, nhằm tái hiện cuộc sống gắn với sông nước xưa kia của tổ tiên nhà Trần trước khi lên làm vua.
Ngày nay, nghi lễ này đã trở thành nghi thức gắn với tín ngưỡng cầu nước, cầu cho mùa màng tươi tốt cũng như báo công đến các vị vua của cư dân vùng châu thổ sông Hồng sau một năm sản xuất.
Đoàn rước xuất phát từ sân đền, có kiệu liệt vị liệt tổ nhà Trần: Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Thừa, Trần Lý và Thái sư Trần Thủ Ðộ. Đoàn rước đi dọc đê sông Hồng đến nơi có thuyền rước đợi sẵn, ra tới giữa sông Hồng thì dừng lại.
Nơi lấy nước được gọi là ngã ba Tuần Vường - nơi giao nhau của ba con sông: Sông Luộc, sông Hồng và sông Thái Bình. 9 gàu nước được các bô lão múc bỏ vào chum với ý nghĩa trọn vẹn, đủ đầy và sinh sôi nảy nở.
Còn tại đền Trần Thương (Hà Nam), tục lấy nước và rước nước lại mang ý nghĩa “giữ vận nước cho đời sau”. Trước lễ phát lương Đức Thánh Trần, nghi thức lấy nước được thực hiện tại sông Hồng. Nước sau khi lấy về sẽ được đặt trên bàn phủ khăn vàng cùng các lễ vật để các bô lão dâng lễ tế. Sau nghi thức này, nước được lấy về được gọi là nước Thánh và để thờ trong cả năm.
Theo ông Trần Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Trần Hưng Đạo, lễ hội phát lương đền Trần Thương và đặc biệt nghi thức “lấy nước, rước nước” đem lại cho người dân và khách thập phương những cảm nhận sâu sắc về văn hoá – lịch sử. Các nghi thức, nghi lễ ấy còn tỏ tấm lòng thành kính tri ân vương triều nhà Trần, nhất là công đức của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đối với lịch sử dân tộc.
Tục lấy nước và rước nước tại đền Trần Thương (Hà Nam) mang ý nghĩa 'giữ vận nước cho đời sau'. |
Lấy nước thăng quan
Lấy nước đầu năm không chỉ diễn ra ở một số địa phương vùng đồng bằng, mà còn là một phong tục đậm giá trị văn hoá tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Trao đổi với Báo GD&TĐ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu Ma Thanh Sợi cho biết, phong tục lấy nước đầu năm vẫn được đồng bào dân tộc Tày xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) duy trì bao nhiêu đời nay.
Vào đầu năm mới, thường là vào ngày mồng 2 Tết, việc lấy nước được thực hiện tại đầu nguồn của rừng già – nơi có thác trên núi cao, được coi là nguồn nước thiêng hội tụ tinh hoa của trời đất. Sau khi thầy Tào (thầy cúng của người Tày) và các cao niên làm lễ xin phép thần linh thì việc lấy nước mới được diễn ra.
Nhà nghiên cứu Ma Thanh Sợi cho biết thêm, lấy nước đầu năm không chỉ là phong tục của đồng bào dân tộc Tày, Nùng mà với người Mông, Khơ Mú, Dao đỏ, Bru - Vân Kiều… Hầu hết, các phong tục này hướng tới một mục đích, là cầu ấm no, mưa thuận gió hoà và báo ơn “ma tổ” (tổ tiên).
Khác với phong tục “lấy nước, rước nước” tại các làng xã, tại ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ) lại là địa chỉ để nhiều người lấy nước cầu may, đúng hơn là nước thăng quan.
Quan niệm nước ở ngã ba Bạch Hạc có thể giúp người lấy thăng quan tiến chức đã có từ xa xưa. Tuy nhiên, quan niệm này không hình thành lễ hội mà chỉ “ai biết thì làm, ai tin thì theo”.
Trước đây, người đến lấy nước đông nhất ngày 22/2 và 10/3 âm lịch vì khi ấy đền Tam Giang mở cổ tục “rước nước”, phần nữa lại trùng với giỗ Tổ Hùng Vương. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động xin nước thăng quan diễn ra quanh năm suốt tháng ở ngã ba Bạch Hạc.
Lấy nước cầu may - nước thăng quan tại ngã ba Bạch Hạc (Phú Thọ). |
Ngã ba Bạch Hạc đã nghìn đời khắc ghi vào câu đối trên ban thờ Cơ Miếu Hùng Vương bằng Hán ngữ mà người sau lược dịch: Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô Bách Việt non sông có Tổ/ Núi sáng khí thiêng, cố cung thành miếu mạo, ba sông quanh quất hướng chầu vua.
Có tích nói rằng, chính nước ở ngã ba Bạch Hạc được hoàng tử Lang Liêu dùng để ngâm gạo làm bánh chưng. Cũng chính chỗ ấy, nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ “chia con”, 50 lên rừng, 50 xuống biển mà tạo thành dân Việt.
Sinh thời, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Khắc Xương từng kể rằng, tục lấy nước ở ngã ba Hạc rất phong phú, nhưng chủ yếu chỉ là lấy nước ở nơi linh khí thủy tụ về rửa xương cho tiên tổ khi sang cát cất mộ, hoặc lấy ít cát nơi đáy sông về để xây mồ mả.
Tục truyền nước ngã ba Bạch Hạc rất thơm, lại được nước thủy tụ linh khí vào xương thì đời đời yên ổn, con cháu phát đạt an gia. Nhưng được thế, phải có cái tâm, cái đức khi đến nơi này.
Các nho sĩ thời xưa đến đây lấy nước đều rũ bỏ hết những muộn phiền, bình thản hòa mình cùng trời đất để xin nước rửa bút, chứ tịnh không hề có ý xin nước cầu may, phát quan phát tài như nhiều người thời nay đến Bạch Hạc.
“Lấy nước, rước nước” là phong tục cổ truyền, gắn liền với người Việt với nền văn minh lúa nước. Ngay tại Hà Nội, tục lấy nước đầu năm rất được coi trọng và thường diễn ra tại các giếng làng. Tuy nhiên, phong tục dần bị mai một hoặc biến đổi sang một hình thức khác, nhiều gia đình trữ đầy nước trong các chum vại, xô chậu trong suốt ba ngày Tết với ước mong năm mới tràn trề niềm vui và hạnh phúc, một năm hanh thông, đủ đầy như nước” - TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, dịch vụ văn hoá và khoa học công nghệ (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam)