Lợi nhuận khủng, bán rẻ lương tâm
Nắm bắt nhu cầu giải khát của khách hàng mỗi độ hè về. Chỉ cần một không gian vừa phải, một chiếc máy ép nước mía "siêu sạch", vài bộ bàn ghế và đồ dùng, họ đã có một cửa hàng nước mía “siêu sạch” và lợi nhuận... siêu khủng.
Là món đồ uống giải khát bình dân và được nhiều người ưa thích, cứ đến mùa nóng, hàng trăm quán nước mía lại mọc lên tại Hà Nội. Đông nhất là tại các khu vực gần hồ như Ngọc Khánh, Thiền Quang... hoặc gần các trường đại học như Kinh tế Quốc dân, Luật... và khu vực trước cổng sân vận động Mỹ Đình.
Giá mía nguyên liệu hiện ở mức 130.000 đồng một vác 10 cây, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối tháng Ba. Mía nguyên liệu sẽ được dân buôn bỏ mối đến tận các quán và chủ yếu là mía xanh, tuy ít nước hơn mía tím nhưng thân nhỏ, giòn, dễ ép.
Một quán nước vỉa hè được đầu tư đơn giản mà hiệu quả sẽ có lợi nhuận vô cùng lớn. Nếu tính trung bình các cửa hàng ở những vị trí đẹp, trung tâm, đông người qua lại như cổng các sân bóng, bệnh viện, trường học, bến xe... trung bình một ngày có thể bán được 5 vác mía. Lợi nhuận từ 1 - 1,5 đồng/ngày. Nếu nhân với 30 ngày thì mức lợi nhuận sẽ là 30 - 45 triệu đồng.
Anh Tú bán nước mía trước cổng ký túc xá Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: "Mỗi ngày bán hàng có thể thu về khoảng 1,2 đến 2 triệu đồng, số thu một tháng có thể ngót nghét 50 triệu đồng. Trừ chi phí, một hàng nước mía có thể lãi 20 triệu đồng một tháng”.
Theo một số chủ quán nước mía tại khu vực sân vận động Mỹ Đình, mùa bán nước mía thường kéo dài từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Mười, nhưng cao điểm chỉ trong 4 tháng nắng nóng. Thời điểm đông khách nhất là vào buổi chiều, khi nhiều nhóm thanh niên đến đá bóng và tập thể dục tại khu vực này.
"Doanh thu mỗi ngày bán nước mía ở đây có thể lên đến tiền triệu. Tất nhiên, chỉ có quán lớn, ở nơi đông người thì mới đạt mức thu như thế, còn với những người bán trong ngõ nhỏ, mức thu một ngày có thể chỉ bằng một nửa.
Bán nước mía không thể lãi bằng trà chanh, vì là hàng thật, không pha kèm hóa chất" - Một chủ quán nước mía trước cổng sân vận động Mỹ Đình chia sẻ.
Với công nghệ, mạng lưới truyền thông ngày càng hiện đại như ngày nay. Thậm chí nước mía còn được tiêu thụ... thông qua Internet.
Thông thường người bán rót nước mía vào bình 1 lít, chụp ảnh sao cho đẹp đẽ và bắt mắt rồi tung lên facebook, diễn đàn quảng cáo đầy mời gọi: “Mình nhận ship nước mía tận nhà giá rẻ nhé, yên tâm vì nước mía nhà mình ngon và uống cực kỳ tốt cho da...”.
Với mỗi quán bán online như thế này, thậm chí họ còn chẳng phải thuê địa điểm ngoài mặt phố chi cho đắt, máy ép có thể đặt ở nhà trong ngõ hoặc bất cứ đâu. Khi có khách, họ chuyển phát tận nơi tới tay người tiêu dùng, hẳn là lợi nhuận thật không dám tưởng tượng.
Nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật
Nước mía là thức uống giải khát bổ dưỡng quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, loại nước này rất "nhạy cảm", nếu được chế biến trong điều kiện kém vệ sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Theo kết quả điều tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), có tới hơn 40% bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm bị nhiễm khuẩn E-coli gây tiêu chảy.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm đau quặn bụng và tiêu chảy cấp, phân có thể có máu từ mức độ ít đến nhiều, kèm theo có thể sốt hoặc nôn.
Bệnh kéo dài trong khoảng 10 ngày. Một số trường hợp tiến triển nặng gây hội chứng tan máu suy thận cấp tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người già).
Không chỉ có tay người bán, các dụng cụ thiếu vệ sinh được dùng trong quá trình quay nước mía cũng là nơi “trú ngụ” của các mầm bệnh.
Đó là còn chưa kể tới môi trường xung quanh không đảm bảo, ruồi nhặng thường xuyên “ghé thăm”. Với cách phục vụ thực khách của các quán vỉa hè như đã nói ở trên thì nguy cơ mắc bệnh của người tiêu dùng thật sự rất đáng báo động.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mía trong tháng Sáu tại trung tâm Sắc ký Hải Đăng ghi nhận trong 1ml chứa 210.000 vi khuẩn Coliforms, 490.000 vi sinh vật hiếu khí, 18.000 bào tử nấm men nấm mốc.
Theo ông Huỳnh Ngọc Trưởng - Trưởng phòng Kiểm nghiệm Vi sinh, Trung tâm Sắc ký Hải Đăng - các chỉ số vi sinh trong mẫu kiểm tra này đều cao hơn từ 1.000 đến 10.000 lần so với chỉ tiêu về Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm của Bộ Y tế.
Ông Trưởng cảnh báo sự hiện diện của vi sinh với lượng lớn như trong nước mía có thể gây nguy cơ loạn khuẩn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa cho người khi uống phải.
Từ kết quả kiểm tra trên, ban chỉ đạo liên ngành đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh kiểm tra nhắc nhở và xử phạt các cơ sở kinh doanh nước mía không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên lực lượng chức năng nhìn nhận do đặc điểm của hàng quán nhỏ lẻ bán ở vỉa hè "nay đây mai đó" nên rất khó kiểm soát triệt để.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - Nguyên Phó Viện trưởng viện Y tế công cộng cho rằng, nước mía nhiễm khuẩn có thể do nhiều khâu. Từ lúc cạo vỏ, mía được để dưới nền ẩm thấp, vi khuẩn xâm nhập và len lỏi vào sâu trong thớ cây.
Quá trình vận chuyển đến các hàng quán nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh, mía được bảo quản không đúng cách, nước ngâm không sạch khiến vi sinh dễ dàng xâm nhập.
Một số hàng quán nhỏ lẻ sử dụng các dụng cụ chế biến và đá viên nhiễm khuẩn cho vào nước mía càng làm gia tăng lượng vi sinh. Đó là lý do ly nước giải khát đến tay người tiêu dùng có hàng triệu vi khuẩn.
Ông khuyên mọi người để bảo vệ sức khỏe của mình nên hạn chế dùng nước uống hàng quán ven đường không đảm bảo vệ sinh. Riêng những người thích uống nước mía, nên mua ở những cơ sở chế biến sạch, tốt nhất là mua mía nguyên cây còn vỏ đem về tự chế biến sẽ an toàn hơn.
Quả thực, nhu cầu sử dụng nước mía làm nước giải khát là rất lớn. Với nước mía, nhiều người cho rằng vừa ngon, vừa bổ, lại còn rẻ, nên nó đã trở thành một thức uống không thể thiếu mỗi khi hè về.
Nhưng người tiêu dùng cũng nên cẩn thận khi sử dụng “nước mía siêu sạch” bởi nó không thật sự “siêu sạch” như lời quảng cáo. Khách hàng nên tìm hiểu kỹ về việc đảm bảo vệ sinh của từng quán trước khi sử dụng nước mía cũng là một cách để tự giữ gìn sức khỏe cho chính mình.
Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên - Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết: Từ đầu hè đến nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng trăm trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do thời tiết nóng, thực phẩm dễ bị ôi thiu, thêm vào đó, trẻ khát nước thường mua đồ uống ở hàng quán ven đường không đảm bảo vệ sinh, dễ nhiễm khuẩn. Bác sĩ khuyên, phụ huynh nên chú trọng bảo vệ sức khỏe cho con bằng việc dạy trẻ tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn, đồng thời chủ động cung cấp nước uống sạch cho trẻ, không để các em tự ý mua ở các hàng quán vỉa hè. |