Căn nhà gạch phế lung lay
Sau cơn lũ, người dân 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) trở về dọn dẹp nhà cửa, vườn tược để ổn định cuộc sống. Mọi thứ trong nhà bị đảo lộn, bùn đất vương vãi khắp nơi, hoa màu, vườn tược tan hoang. Mọi người thở dài ngao ngán.
Bà Dư Thị Mẫu (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) chưa thoát khỏi cảm giác ám ảnh mặc dù lũ đã đi qua. Thở hắt một hơi dài, người phụ nữ với gương mặt khắc khổ cho hay, sau một đêm mưa lớn đến sáng 7/8 nước bắt đầu dâng và ngập vào căn nhà mẹ con bà mới dựng lên để ở được vỏn vẹn một tuần. Nói là căn nhà nhưng móng được làm bằng gạch phế, xung quanh quây bằng tôn.
Bà Mẫu khóc òa khi sắp không giữ nổi được ngôi nhà cho 2 mẹ con nương náu. Ảnh: Trúc Hân |
Khi nước ngập vào nhà gần 1m, nhà rung lắc dữ dội, 2 mẹ consợ nhà sập nên vội chạy đến nhà hàng xóm ở nhờ. Đến khi nước rút 2 mẹ con về nhà thì thấy đồ đạc trong nhà bị đảo lộn, bùn đất ngập ngụa khắp nơi, còn móng nhà thì bị xói sâu vào và có nguy cơ đổ sụp.
Tâm sự với chúng tôi, người phụ nữ quê Thanh Hóa trào nước mắt. Trước đây 2 mẹ con ở quê. Do cuộc sống nghèo khó, ngay cả căn nhà che mưa che nắng cũng không có nên 2 người đành gom quần áo vào sinh sống với người em trai ở huyện Ea Súp.
Trong 6 năm sinh sống, con trai bà phụ sửa đồ điện tử cùng người em. Bà sức khỏe yếu nên chỉ ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp.
Vừa qua, thấy hàng xóm phá tường có gạch cũ nên bà xin về rồi mua thêm ít cát, xi măng và tôn để dựng tạm căn nhà với hy vọng ổn định cuộc sống. Tuy nhiên khi mới dọn về ở được 1 tuần thì cơn lũ ập tới. Đến khi lũ đi qua, ngôi nhà cũng hoang tàn, hàng chục xe đất dùng để giằng móng trước đó bị nước cuốn phăng.
Bà Kĩ dọn dẹp nhà cửa sau lũ. Ảnh: Trúc Hân |
“Căn nhà mẹ con tôi ở cũng là nhờ bà con hàng xóm làm giúp mà không lấy tiền công. Ngay cả đồ dùng trong nhà, bà con họ cũng cho mẹ con tôi mượn. Tuy nhiên trận lũ vừa qua khiến móng nhà bị nứt, cả ngày hôm nay mẹ con tôi bưng gạch để giằng lại móng.
Nhưng nếu mưa thêm một trận nữa chắc căn nhà không giữ được. Tôi chỉ thương con, do tôi nghèo tôi không lo cho con ăn học được như bạn bè, giờ có căn nhà cho con ở cũng sắp không giữ được nữa rồi...”, bà Mẫu òa khóc.
"Bị nước cuốn trôi cả rồi!"
Lực lượng PCCC và tình nguyện viên giúp dọn dẹp trường học. Ảnh: Trúc Hân |
Tay cầm chiếc chổi nhựa quét bùn đất, bà Nguyễn Thị Kĩ (thôn 9, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) như người mất hồn. Gia đình bà tiết kiệm được ít tiền nên đầu tư nuôi cá để tăng thu nhập.
Khi cá chuẩn bị được thu thì mưa lớn kéo dài. Sau đó, nước lũ từ đâu kéo về khiến đường sá, nhà của bị ngập hơn 1m nên chẳng ai kịp trở tay.
“Gia đình tôi có hơn 1ha lúa và một ao cá chuẩn bị thu hoạch nhưng đều bị nước cuốn trôi cả rồi. Ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Toàn bộ tài sản của nhà tôi nằm ở đó cả, nhưng giờ mất rồi thì biết làm sao được. Gia đình tôi chỉ biết dọn dẹp lại nhà cửa, giặt giũ chăn màn để ổn định cuộc sống rồi làm lại từ đầu thôi”, bà Kĩ cố dấu nước mắt nói.
Mì tôm và bánh ngọt sau lũ
Cũng bị thiệt hại nặng nề trong cơn lũ vừa qua, trường mầm non Hoa Anh Đào (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) may mắn được các tình nguyện viên và lực lượng PCCC đến hỗ trợ dọn dẹp, ổn định cơ sở vật chất chuẩn bị khai giảng năm học vào ngày 22/8 sắp tới.
Cô Nguyễn Thị Chiến - Hiệu phó nhà trường cho hay, do mưa một ngày một đêm khiến sân trường ngập sâu 1,5m, còn trong các phòng ngập khoảng 60cm. Tuy nhiên, đa số đồ dùng trong các phòng học bằng ván ép nên bị hư hỏng không thể sử dụng được nữa. Ước tính trường thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Bí thư huyện ủy Ea Súp, hiện tại chỉ còn một điểm trên Quốc lộ 14C vẫn bị ngập, tuy nhiên nước đã rút nhiều so với những ngày trước.
Cũng theo vị Bí thư huyện ủy, hiện tại các cơ quan chức năng đang tiến hành giúp đỡ, hỗ trợ người dân khắc phục sau mưa lũ và ổn định cuộc sống nên chưa thống kê hết được thiệt hại về cơ sở vật chất, hoa màu...
“Đã có 1.505 thùng mì tôm, 1.000 cái bánh ngọt, 150 thùng nước được chuyển đến các gia đình bị ảnh hưởng do bão. Bên cạnh đó, đối với những gia đình khó khăn, trước mắt huyện đã có hỗ trợ về tiền mặt để người dân ổn định cuộc sống.”, ông Văn nói.
Theo báo cáo tính đến chiều 9/8, toàn tỉnh Đắk Lắk có 8/15 huyện, thành phố có mưa lớn, gây ngập lụt.Trong đó, huyện Ea Súp, Buôn Đôn và TP Buôn Ma Thuột bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nhất.
Cụ thể, toàn tỉnh có 1 người chết, 913 nhà bị ngập nước, 13.181 ha cây trồng bị thiệt hại. Bên cạnh đó, 214 con gia súc và 3.281 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 49ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập. Ngoài ra một số tuyến đường bị hư hỏng, trong đó tuyến Quốc lộ 14C bị xói lở hoàn toàn một đoạn 10m. Ước tỉnh thiệt hại 721 tỷ đồng, trong đó huyện Ea Súp 700 tỷ, Buôn Đôn 21 tỷ. Hiện tại lượng mưa đã giảm và người dân đã dọn dẹp lại nhà cửa để ổn định cuộc sống.