Nước mắt diêm dân

GD&TĐ - Đã bắt đầu vụ mùa mới nhưng những người dân làm muối ở Đồng bằng sông Cửu Long chẳng thể vui. 

Nước mắt diêm dân

Hiện nay, hàng chục ngàn tấn muối ở niên vụ 2015 - 2016 vẫn tồn đọng, trong khi lúc này đã lại bắt đầu vào thời điểm của vụ mùa mới. Giá muối sụt giảm thê thảm, thương lái không còn mặn mà tìm đến. Diêm dân bỏ ruộng thì không đành, làm thì chẳng biết bán cho ai!

Hơn 60.000 tấn muối tồn đọng

Đó chỉ là tính riêng ở “vựa muối” Bến Tre. Bến Tre cùng với Bạc Liêu là hai tỉnh có diện tích, sản lượng muối đứng đầu và được xem là vựa muối của vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, đã mấy năm rồi người làm muối rất khó khăn. Mồ hôi, công sức họ bỏ vào để làm ra hạt muối không hề dễ dàng, nhưng lợi nhuận thu lại chẳng đáng là bao.

Hiện tại, diêm dân Bến Tre đang khổ đôi đường. Họ vừa phải đối mặt với những khó khăn ở vụ muối mới, vừa phải cay đắng đứng nhìn những đống muối của vụ mùa trước chất đống không thể tiêu thụ được.

Về vùng làm muối tập trung của Bến Tre thuộc huyện Bình Đại, chúng tôi rảo quanh vùng nông thôn chuyên canh muối giáp biển của huyện.

Hiện đã bắt đầu vào vụ, bà con diêm dân đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để có thể thu hoạch nhưng trên nét mặt họ không có lấy một niềm vui.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, năm nay mùa mưa kết thúc muộn, hiện nay vẫn chưa thu hoạch được bao nhiêu muối, mọi năm thời gian này nhiều gia đình đã có muối cào cả tháng nay rồi.

Đang cặm cụi chuẩn bị những công đoạn cải tạo lại ruộng muối một cách rất uể oải, ông Huỳnh Văn Nam (xã Thạnh Phước) cho biết: Mọi năm vào khoảng tháng 10 (âm lịch) mưa đã hết, người dân sẽ tiến hành làm vụ muối mới.

Năm nay, tháng 11 họ mới bắt đầu. Vừa qua, ông trời lại giáng cho mấy trận mưa thối đất nên đợt muối vừa qua coi như công sức đổ sông đổ bể hết.

“Không hiểu sao thời tiết năm nay lạ quá, đến cận Tết rồi mà vẫn còn mưa như kiểu đang trong thời gian giao mùa mọi năm. Chúng tôi đang khó khăn với vụ muối mới đã đành. Đằng này, hàng chục ngàn tấn muối vụ trước của chúng tôi còn tồn lại cũng chẳng ai thèm đoái hoài hỏi mua” - Ông Nam than thở.

Gia đình ông Nam có 8 công đất làm muối. Kết thúc liên vụ mùa năm 2015 - 2016, thu được hơn 1.000 giạ (1 giạ bằng 45 kg). Đến nay, 70% lượng muối trên vẫn đang nằm đó.

Gắn bó với nghề muối hơn 10 năm, vụ mùa vừa qua là một trong những năm trúng nhất nhưng giá cả lại tệ nhất, có lúc xuống chỉ còn 9.000 - 10.000 đồng/giạ. “Lượng muối còn lại bây giờ cũng chẳng biết bán cho ai. Nếu không làm muối cũng chẳng biết làm gì!” - Ông Nam nói.

Ở cách đó không xa, gia đình ông Phan Văn Tuấn còn thảm thương hơn. Hết mùa ông thu được khoảng 60 tấn muối. Ông đã bán được mấy lần, nhưng cung cấp số lượng nhỏ lẻ cho một số ghe bán dạo dưới sông nên chẳng đáng là bao.

Gần như toàn bộ hai kho muối của gia đình ông Tuấn vẫn còn đó. Mấy năm trước, gia đình ông làm ra hạt muối còn có thương lái nơi khác chạy ghe về mua. Không hiểu sao năm nay chẳng ai thèm hỏi han tới.

Theo chia sẻ của ông Tuấn, mọi năm vào mùa nước nổi bà con vùng lũ Tứ giác Long Xuyên cũng giúp diêm dân tiêu thụ được một lượng muối kha khá.

Năm nay, mất mùa nước nổi, mất luôn phần tiêu thụ này. Hiện nay, nguồn tiêu thụ chính của diêm dân chỉ trông chờ vào mùa đánh bắt ruốc (moi) để bán cho chủ ghe dùng muối để làm mắm, nhưng tình hình cũng không khả quan lắm.

Trong mùa mưa vừa qua, độ mặn xuống thấp, người nuôi tôm tại địa phương cũng góp phần tiêu thụ được một ít. Các cơ sở nước đá sử dụng cũng có hạn nên người dân bán được không đáng kể.

Chính vì vậy, giá muối tại địa phương này duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. Hiện giá muối đang dao động 300 - 400 đồng/kg. Tuy nhiên, không phải ai muốn bán cũng bán được.

Nhiều hộ gia đình ở trong sâu, điều kiện vận chuyển khó khăn, chẳng một thương lái nào đoái hoài, hỏi han tới những đống muối to đùng nằm chơi vơi giữa ruộng của gia đình họ. Cũng dễ hiểu tại sao khoảng 60.000 tấn muối niên vụ năm 2015 - 2016 của Bến Tre vẫn nằm đó.

Giải pháp nào cho hạt muối?

Ông Nguyễn Văn Tạo - Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết: Vụ mùa năm 2015 - 2016, diêm dân tỉnh nhà thực hiện 1.622 ha đất sản xuất muối, tập trung chủ yếu ở hai huyện Bình Đại và Ba Tri.

Năm nay hạn hán kéo dài nên bà con trúng mùa, sản lượng đạt hơn 111.000 tấn, tăng khoảng 10% so với năm trước. Do đầu ra ngày càng khó khăn nên lượng muối ước còn tồn khoảng 50%.

Ông Tạo cho biết thêm: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bến Tre đã tiến hành thu mua tạm trữ đợt một hơn 2.200 tấn muối, với giá 600 đồng/kg; đã giúp một bộ phận hộ nghèo đỡ khó khăn.

Trước mắt, tỉnh đang kiến nghị Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối đề nghị Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc và Công ty Muối Việt Nam tiếp tục tiến hành thu mua tạm trữ muối đợt 2, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho diêm dân. Còn về lâu dài phải thực hiện quy hoạch lại cho bài bản.

Ông Nguyễn Thanh Sa - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Đại - hiến kế: Để cứu thực trạng trên, phải giảm diện tích làm muối. Không thể để tràn lan được, phải quy hoạch lại làm muối chất lượng cao, thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để đảm bảo đời sống diêm dân.

“Chúng tôi đã có kế hoạch quy hoạch lại vùng sản xuất muối. Đến năm 2020, diện tích muối của huyện sẽ chỉ còn khoảng 300ha, làm tập trung thành hợp tác xã tại xã Thạnh Phú. Cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi sẽ được đầu tư đồng bộ.

Còn phần diện tích muối giảm, chúng tôi sẽ định hướng người dân chuyển sang làm mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng bền vững hoặc nuôi Artimia” - Ông Sa nói.

Làm muối thì khó sống, không làm muối thì cũng chẳng biết làm gì. Một bộ phận diêm dân muốn chuyển đổi thì lại thiếu thốn đồng vốn để xoay sở. Đây chính là thực trạng cần ngành chức năng Bến Tre vào cuộc tháo gỡ ngay cho diêm dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.