Nước đun sôi không sạch bằng phơi nắng?

Nước đun sôi không sạch bằng phơi nắng?

Nước phơi nắng tốt cho sức khỏe hơn?

Chúng ta vẫn thường mặc nhiên tin vào biện pháp đun sôi để lọc và khử khuẩn nước uống. Tuy nhiên, việc đun sôi nước không có khả năng loại bỏ hóa chất và các độc tố. Nó cũng không thể loại bỏ những kim loại nặng lắng cặn gây hại cho sức khỏe.

Thông qua sự tài trợ của Quỹ Melinda Gates, Quỹ Khoa học quốc gia và Văn phòng Nghiên cứu Quân đội Mỹ, một dự án sử dụng năng lượng Mặt trời để làm sạch nguồn nước đã được các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Rochester phát triển và công bố. Phương pháp này sử dụng một tấm nhôm được khắc bằng công nghệ Femtosecond Laser cho khả năng hấp thụ năng lượng tối đa. Khi tấm nhôm được đặt trong nước ở vị trí đối diện Mặt trời, lớp kim loại sẽ hút một lớp nước mỏng lên trên bề mặt và làm nóng nhanh chóng.

Với khả năng giữ lại 100% nhiệt năng từ Mặt trời, phương pháp này có thể thay đổi các liên kết phân tử trong nước, cải thiện đáng kể quá trình bay hơi và làm sạch nước ô nhiễm. Phương pháp "phơi nước" bằng ánh sáng Mặt trời được đánh giá hiệu quả hơn 100% so với đun sôi nước uống truyền thống.

PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng, khái niệm nước phơi nắng được hiểu là dụng cụ lọc như chúng ta vẫn dùng. Nhưng nó lọc bằng ánh sáng và nhiệt độ. Quá trình này giúp nước bốc hơi và ngưng tụ, tạo ra đồ uống sạch. Khác hoàn toàn với việc bạn lấy một chai nước ra rồi phơi nắng để uống. Với cách làm đó, không thể nói nước phơi nắng an toàn hơn nước sôi.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, phương pháp phơi nắng để diệt khuẩn nước có thể được áp dụng ở các vùng thiếu nước trầm trọng do ngập lụt, mưa lũ dài ngày. Theo đó, nước lọc sạch, cho vào chai trong suốt và để phơi dưới nắng sẽ diệt được vi khuẩn gây bệnh, có thể dùng để uống tạm thời.

Nguồn nước quyết định chất lượng nước

PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, nước đun sôi để nguội là nước uống an toàn với sức khỏe, nhưng không nên hiểu một cách cực đoan. Bởi chất lượng nguồn nước cấp mới là yếu tố quyết định. Ví dụ như nước trước khi nấu có hàm lượng amoni nitrat quá cao thì khi để lâu, nitrat sẽ chuyển hóa thành nitrit gây độc cho cơ thể. Hoặc đựng nước đun sôi để nguội trong vật liệu không bảo đảm thì nó cũng sẽ gây độc cho người sử dụng. Nhìn chung, nước đun sôi để nguội được cho là loại nước uống an toàn, ở nhiệt độ cao thì vi khuẩn bị tiêu diệt, độ cứng tương đối giảm xuống.

Nước uống đun sôi để nguội phải được bảo quản trong bình kín. Bình đựng, ấm đun, ly tách, bể chứa phải thường xuyên làm vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn nguồn nước, gây tác hại xấu cho sức khỏe. Không nên lưu giữ nước đun sôi để nguội quá lâu vì các loại vi khuẩn có trong môi trường có thể xâm nhập. Tốt nhất nước đun sôi để nguội nên sử dụng hết trong một ngày.

Để càng lâu thì dễ xảy ra tình trạng nước bị tái nhiễm khuẩn. Các loại vi khuẩn sẽ tiếp tục sinh sôi do không còn nhiệt độ tiêu diệt chúng. Ngoài ra, nếu để nước lâu thì lợi ích cho sức khỏe từ nước sẽ không còn. Những hợp chất hữu cơ và khí oxy có trong nước sẽ bị "bốc hơi" nhanh chóng. 

Nước đun sôi để càng lâu thì sẽ làm gia tăng lượng kim loại nặng trong nước như chì và cadimium. Ngoài ra, nước để lâu sẽ làm tăng lượng nitrat. Khi đi vào cơ thể nó gây ra phản ứng hóa học sinh ra muối nitric làm ức chế khả năng vận chuyển oxy trong máu. Nó khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn, nặng hơn có thể gây ra những rủi ro về tim mạch.

Uống nước đúng cách

Có phải càng uống nhiều nước thì càng tốt? Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, cơ thể người chứa hầu hết là nước, khoảng 55 - 75%. Uống nước giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ, đào thải chất cặn ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa táo bón và một loạt chức năng quan trọng khác.

Tuy nhiên, lạm dụng có thể gây ra quá mức hydrat hóa, còn gọi là ngộ độc hay nhiễm độc nước. Đó là khi có quá nhiều nước trong cơ thể, làm mất cân bằng chất điện giải trong hệ thống. Ngược lại, uống quá ít nước thì cơ thể khó đào thải chất thải. Vì thế, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan khác nhau.

Uống nước như thế nào là đủ? Không có một công thức cố định cho mọi người. Khuyến cáo đưa ra là hãy uống nước theo nhu cầu của cơ thể.

"Về công thức, lượng nước cần cho 1 kg cơ thể trong điều kiện bình thường là 40ml. Một người nặng 50kg cần 2 lít nước mỗi ngày là đủ. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải áp dụng quá chính xác cho công thức này. Chỉ có một công thức chung có thể áp dụng cho tất cả là hãy uống thỏa mãn nhu cầu của cơ thể", PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Tuy nhiên, có một số thời điểm trong ngày nên rèn thành thói quen uống nước đều đặn như khi vừa ngủ dậy, sau các bữa ăn, trước khi đi ngủ. Những thời điểm này, cơ thể cần bù đắp nước để làm sạch ruột, giúp bộ phận tiêu hóa hoạt động tốt hơn và mang lại hiệu quả hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...