Nực cười khi nhặt “sạn” phim cổ trang Việt

Trang phục của các diễn viên trong phim cổ trang Việt nếu không giống Trung Quốc thì lại có những họa tiết hiện đại, thậm chí in cả hình nhân vật trong phim hoạt hình Mỹ. Vì đâu nên nỗi?

Nực cười khi nhặt “sạn” phim cổ trang Việt
Nực cười khi nhặt “sạn” phim cổ trang Việt
Trang phục sai lịch sử phim Mỹ nhân
Trong trailer phim cổ trang “Mỹ nhân” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đặt hàng dự kiến công chiếu vào ngày 13/11 có chi tiết một nhân vật quan lại mặc áo có hình ảnh Lion King (Vua Sư tử) của hãng Walt Disney.
Nữ đạo diễn cá tính Hải Anh từng viết trên trang cá nhân của mình nhằm bày tỏ thái độ bức xúc đối với thiếu sót này. “Trình độ thấp đến nỗi để vị quan triều Trịnh - Nguyễn mặc áo thêu hình Lion King của Walt Disney thì thật không còn lời nào để nói. Vậy là công trình nghiên cứu lịch sử trang phục Việt phục vụ việc làm phim lịch sử chẳng có nghĩa lý gì cả”.
Ảnh cắt từ clip
Ảnh cắt từ clip
Thêm một lần nữa các nhà làm phim nhận nhiều chỉ trích về sự cẩu thả, thiếu tìm hiểu và đầu tư trong kiến thức về trang phục thuộc thời đại mà bộ phim đang muốn tái hiện.
Đã rất nhiều lần gặp “sạn”
Khi dàn dựng một bộ phim về lịch sử, chắc hẳn toàn bộ ekip cũng sẽ có những bộ phận dành thời gian để nghiên cứu về lịch sử, trang phục của thời đại mà bộ phim hướng tới. Tuy nhiên, việc gặp phải lỗi khiến bộ phim đi đến những rủi ro, khiến khán giả khó chịu, thậm chí là "ném đá" vẫn là điều “xưa nay không hề hiếm”.
Đầu tiên phải nhắc tới bộ phim “Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” là bộ phim có kinh phí khổng lồ, lại được làm với mục đích kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dù vậy nhưng tác phẩm này lại để người Trung Quốc thực hiện quá nhiều công đoạn, dẫn đến việc phục trang, diễn viên quần chúng, bối cảnh mang đậm dấu ấn Trung Quốc. Nhiều người thậm chí còn nhận xét nó không khác gì một phim cổ trang Tàu. Sau nhiều lần đề nghị chỉnh sửa, các thành viên trong Hội đồng nhận thấy việc Việt hóa lại bộ phim là không thể thực hiện được, dẫn đến việc phim bị hủy chiếu trong dịp Đại lễ, làm lãng phí hàng trăm tỷ đồng.
Với “Mỹ nhân” - một bộ phim dựa trên một sự kiện có thật và diễn ra trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử Việt Nam từ sự phân tranh quyền lực giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn, ở giây 42 đã xuất hiện một vị quan (do Châu Thế Tâm đóng) mặc quan phục với hình ảnh Lion King (Vua Sư tử) trên ngực áo. Điều này gây phản cảm và nhiều tranh luận đến từ các nhà sử học cũng như cộng đồng yêu phim.
Các nhà sử học cho rằng, nhà sản xuất cũng như đạo diễn phim làm phim cổ trang có một phần liên quan tới lịch sử nước nhà nhưng lại thiếu đi một phần tư vấn về phục trang, quang cảnh quay cho phù hợp với thời điểm lịch sử là một điều rất đáng lo ngại.
Bài học để sửa lỗi
Sau khi báo chí trao đổi với đạo diễn Hải Anh, chị đã thẳng thắn chia sẻ: “Tôi giật mình khi xem bức ảnh chụp cận cảnh phim phía dưới trailer. Quả thật tôi bị sốc khi thấy hình con sư tử Lion King thêu trên bổ tử của một vị quan thời Trịnh - Nguyễn”.
Nữ đạo diễn cũng cho biết, trong quá trình 3 năm làm phim “Đi tìm trang phục Việt”, tiếp cận nhiều nguồn tư liệu bằng hình khác nhau trong nước và cả ở nước ngoài, chị chưa bao giờ bắt gặp hình một con sư tử nguyên dạng “thô thiển” đến thế trong các phục trang của vua chúa quan lại xưa.
Tuy nhiên, không chỉ trang phục của người Việt gây tranh cãi, đến trang phục của người nước ngoài trong “Mỹ nhân” cũng bị chê là làm một cách cẩu thả. Nhiều người cho rằng người đàn ông này đã “du hành thời gian” trở về quá khứ vì trang phục của anh (mũ cao bồi, com-lê và nơ bướm) là ở thế kỉ 20 chứ không phải 17 như bối cảnh trong phim.
Có nhiều luồng tranh luận sôi nổi, người chỉ trích, người cảm thông bởi sự thiếu thốn về kinh phí đầu tư, tuy nhiên, đi tìm sự chính xác trong hình thức thể hiện phim lịch sử luôn là điều cần thiết.
Khi những cá nhân, phụ trách bộ phim né tránh những câu hỏi xoay quanh vấn đề “sạn” trong “Mỹ nhân” thì biên kịch Châu Quang Phước cũng đưa ra quan điểm cá nhân được chia sẻ trên báo chí: “Các nhà sản xuất Việt cần phải thật thận trọng khi làm phim cổ trang lịch sử như “Mỹ nhân”. Sự cố trang phục của “Mỹ nhân” cho thấy ở Việt Nam rất cần có một nhà sản xuất giỏi điều động ứng biến ở hiện trường”.
Đối với những phim cổ trang không liên quan đến lịch sử như “Lửa Phật” của Dustin Nguyễn, yếu tố phục trang có thể không bị gò bó. Thế nhưng, với những tác phẩm dựa trên nhân vật có thật, giai đoạn lịch sử có thật như “Mỹ nhân”, thiết nghĩ khâu thiết kế trang phục phải được chú trọng hơn, nhất là khi trước đây từng có không ít phim mắc lỗi. Đây sẽ là bài học cho những đoàn làm phim đang nung nấu giấc mơ tạo nên những tác phẩm tái hiện về cuộc sống, con người trong lịch sử Việt Nam.
Theo Pháp luật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ