Nữ sinh người Dao đầu tiên của làng Nậm Lì đỗ Trường ĐH Luật Hà Nội

GD&TĐ - Đằng sau thành tích khiến nhiều người ngưỡng mộ, Triệu Mùi Nái đã nỗ lực rất nhiều để thực hiện trở thành tân sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội.

Triệu Mùi Nái được kết nạp Đảng ở tuổi 18. Ảnh NVCC.
Triệu Mùi Nái được kết nạp Đảng ở tuổi 18. Ảnh NVCC.

Triệu Mùi Nái là một trong số học sinh người dân tộc thiểu số xuất sắc ở Hà Giang trúng tuyển tuyển thẳng vào Trường ĐH Luật Hà Nội theo hình thức xét tuyển học bạ với số điểm tổng kết trung bình 9,2 điểm tổ hợp C00. Bên cạnh đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Nái đạt 28 điểm tổ hợp C00.

Người đầu tiên trong làng vào đại học

Nái sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo làng Nậm Lì, xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Quê Nái, người dân chủ yếu làm nương rẫy, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhiều người trẻ sau khi học xong phổ thông cũng nghỉ học để đi làm thuê tại các khu công nghiệp hay xuất khẩu lao động.

“Trong làng em ở chỉ có mỗi em theo học đại học. Gia đình em không khá giả nhưng, em vẫn muốn chọn con đường học vấn đề thay đổi cuộc đời cho đỡ khổ”, Nái chia sẻ.

Nhà cách trường 237km, suốt ba năm học THPT, số lần về nhà của nữ sinh người dân tộc Dao đếm trên đầu ngón tay. Có năm, nữ sinh người Dao chỉ về nhà 1 - 2 lần bởi vậy, Nái luôn cố gắng lấy thành tích học tập để bù đắp những khó khăn, thiếu thốn mà người miền núi trải qua.

Khi được hỏi về nỗi nhớ nhà của học sinh xa quê, Nái không cầm được nước mắt. Nữ sinh kể lại ngày ông nội mất, nhưng nhà xa nên em không kịp bắt xe về. Nghĩ về những ngày tháng sống cùng ông và gia đình, không ít lần Nái mủi lòng vì hoàn cảnh của chính mình.

Nái trải lòng thêm: “Nhiều lúc nhớ nhà cộng áp lực học tập, em chỉ biết âm thầm chịu đựng, không dám gọi điện tâm sự cùng bố mẹ, vì sợ mọi người ở nhà lo lắng”.

Với Nái, những lần em được về nhà là khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Em háo hức mang những câu chuyện học hành của bản thân để kể với bố mẹ, ông bà.

“Thời gian về nhà, em thường phụ bố mẹ làm nương rẫy, tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện cùng ông bà. Ngoài ra, em cũng dành thời gian rảnh ôn lại bài học giúp bản thân không bị quên bài”, nữ sinh nói.

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, nữ sinh người Dao cho biết, em đã lên kế hoạch học tập khoa học và có kỷ luật.

Ngoài học trên lớp, mỗi ngày, em dành khoảng 2 tiếng/1 môn học. Mỗi một môn em đều chia thành 3 phần gồm: Học kiến thức cơ bản, bài tập và bài tập nâng cao. Học đến đâu em cố gắng nắm chắc đến đó.

Ngoài ra, em tận dụng tối đa thời gian thầy cô giảng bài trên lớp, mạnh dạn hỏi thầy cô, bạn bè những phần chưa hiểu.

Bên cạnh đó, ba năm học THPT, Nái luôn đứng đầu lớp học, đồng thời em còn đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh.

Cuối năm lớp 12, Nái vinh dự được kết nạp Đảng. Nái cho hay, chỉ tiêu kết nạp Đảng không nhiều, em cảm thấy rất tự hào, đây không chỉ là vinh dự lớn mà còn là cơ hội, động lực để em khẳng định bản thân, cố gắng nhiều hơn trong học tập và rèn luyện để có một tương lai tốt đẹp, xứng đáng là người Đảng viên trẻ gương mẫu.

Nái từng là cựu học sinh Trường Phổ thông DTNT huyện Xín Mần nên lên cấp 3, Nái được thầy cô định hướng thi vào Trường PT Vùng Cao Việt Bắc (Thái Nguyên) để có môi trường học tốt hơn.

4c139d5c76bdd0e389ac.jpg
Triệu Mùi Nái trở thành tân sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội.

Ước mơ trở thành luật sư

Ước mơ trở thành luật sư nhen nhóm trong cô gái nhỏ người Dao từ khi còn rất nhỏ. Bởi vậy, những năm học THPT dù khó khăn, vất vả nhưng vẫn luôn tự nhắc nhở phải cố gắng hết sức mình, nhớ nhà, áp lực phải gạt sang một bên để học và phấn đấu duy trì thành tích học tập tốt.

Với số điểm học bạ trung bình 9,2 điểm tổ hợp C00, Nái trúng tuyển ngành Luật theo phương thức xét tuyển học bạ.

Nái kể: “Em hạnh phúc vô cùng khi biết tin mình trúng tuyển sớm, nhờ vậy mà trong thời gian ôn thi giai đoạn nước rút em cũng đỡ áp lực”.

Nữ sinh cho biết, bản thân quyết định chọn học ở Trường ĐH Luật Hà Nội vì mong muốn được làm gì đó cho quê hương. Nái chia sẻ, người dân quê em chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vì nghèo khó không có điều kiện học hành đầy đủ bởi vậy rất nhiều phụ nữ thanh niên trẻ không hiểu pháp luật dẫn đến bị kẻ xấu lợi dụng.

“Nhiều phụ nữ nhẹ dạ cả tin dễ bị kẻ xấu lừa bán qua biên giới, đánh mất cả cuộc đời hay người dân vi phạm pháp luật mà không biết, đến tận lúc bị bắt, phải trả giá đắt mới nhận ra…” Nái kể.

Cũng chính từ thực tế đó, Nái mơ ước sau này mình trở thành một luật sư để giúp đỡ người yếu thế, đặc biệt là phụ nữ trong làng.

“Em muốn đem những hiểu biết về pháp luật đến với người dân trong thôn, tuyên truyền cho họ rõ quyền, nghĩa vụ của công dân cũng như cách bảo vệ bản thân khỏi những cám dỗ, tệ nạn trong xã hội”, nữ sinh người Dao chia sẻ.

Cô Phạm Thị Thanh Huyền - giáo viên Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, chủ nhiệm Nái cho biết: "Em chăm chỉ, nhanh nhẹn, quá trình học em có mục tiêu, kế hoạch rõ ràng. Trong các hoạt động tập thể em rất năng nổ, nhiệt tình".

Cô Huyền hy vọng trong tương lai, tân sinh viên sẽ luôn cố gắng, nỗ lực đến cùng và không bao giờ bỏ cuộc khi gặp vấn đề khó.

“Nếu gặp khó khăn, em hãy nhìn lại phía sau, cô và mọi người vẫn ở đây sẵn sàng giúp đỡ khi em cần. Cô tin, em sẽ thành công hơn nữa trong tương lai”, cô Huyền nhắn nhủ đến Nái.

Hiện tại, để khắc phục khó khăn về tài chính ngoài việc học, Nái dự định sẽ xin làm gia sư để tự lo tiền trang trải sinh hoạt cá nhân. Em đặt ra mục tiêu sau bốn năm đại học sẽ giành được tấm bằng xuất sắc để có một công việc ổn định, trở thành người luật sư có ích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Công ty Dichthuattot.com Hà NộiTổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí