Ngày 5/3, bác sĩ Trương Quốc Cường, Phó Khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn, nguy cơ tử vong cao.
Các bác sĩ hồi sinh tim phổi, gắn điện tim và sốc điện, áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não. Bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc. Hai ngày sau được chuyển qua Khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM.
Kết quả điện tim ghi nhận bệnh nhân mắc hội chứng QT dài.
Bệnh nhân cho biết, đã dùng thực phẩm chức năng để tăng cân. Trong thời gian theo dõi, Bác sĩ cho ngưng thuốc này, ghi nhận QT của bệnh nhân ngắn lại.
Một tuần sau, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện. Sau một thời gian ngưng thực phẩm chức năng, tái khám ghi nhận QT của bệnh nhân đã trở về bình thường.
TS.BS Trương Quang Khanh, Trưởng Khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết hơn một tháng qua, Bệnh viện tiếp nhận 4 ca mắc phải hội chứng QT dài. Nguyên nhân chủ yếu liên quan sử dụng thuốc.
Hội chứng QT dài là một hội chứng được nhận biết trên điện tâm đồ do rối loạn tái cực cơ tim gây rối loạn nhịp nguy hiểm như nhanh thất, xoắn đỉnh. Hội chứng QT dài có thể bẩm sinh hoặc do mắc phải.
Tỷ lệ đột tử hàng năm ở bệnh nhân QT dài không triệu chứng, không điều trị là < 0.5%. Tỷ lệ này tăng lên 5% ở nhóm bệnh nhân có tiền căn ngất xỉu.
Nguyên nhân gây gây hội chứng QT dài có thể là do rối loạn điện giải hoặc do dùng một số thuốc như sotalol, cordarone, thuốc kháng sinh, kháng histamin...
Triệu chứng thường gặp của bệnh nhân thường hồi hộp, đánh trống ngực, hoa mắt, ngất.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần trang bị kỹ năng hồi sinh tim phổi cơ bản ở nơi tập trung đông người như trường học, trung tâm thương mại, sân bay...
Đối với trường hợp sử dụng thuốc cần theo hướng dẫn của bác sĩ. Đo điện tim định kỳ cho bệnh nhân sử dụng thuốc có khả năng gây QT dài.
Đối với các trường hợp có hội chứng QT dài rõ ràng hoặc nghi ngờ, cần được chuyển đến các trung tâm có chuyên khoa loạn nhịp tim để đánh giá nguy cơ và điều trị thích hợp.