Nữ sinh lớp 8 chăm mẹ, nuôi em

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cha mất chưa được bao lâu thì mẹ lại mắc căn bệnh quái ác, liệt nửa người. 

Ước mơ của 2 chị em Như Ngọc là có thể đưa mẹ đi chữa trị để nhanh chóng bình phục.
Ước mơ của 2 chị em Như Ngọc là có thể đưa mẹ đi chữa trị để nhanh chóng bình phục.

Cô nữ sinh mới lên lớp 8 bỗng trở thành trụ cột của gia đình, lo cho mẹ chữa bệnh và người em trai đang học lớp 5 đến trường.

Sóng gió cuộc đời

Trong căn nhà nhỏ ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh, Gia Lai), sau giờ học em Đặng Nguyễn Như Ngọc (lớp 8 - Trường THCS Phú Hòa) vội về nhà dọn dẹp, chuẩn bị bữa cơm cho 3 mẹ con. Bữa cơm hôm nay của nhà Như Ngọc chỉ có chút thức ăn, còn lại chủ yếu là rau xanh.

Mấy năm trước, mẹ Như Ngọc là bà Nguyễn Thị Mười thường xuyên trồng rồi mang rau ra chợ bán, còn cha em, ông Đặng Văn Viên thì công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Chư Păh. Mặc dù thu nhập chỉ đủ lo cái ăn, cái mặc, thế nhưng ai nấy đều vui vẻ, hạnh phúc. Để con cái có chỗ ở và học tập đàng hoàng, cha Như Ngọc đã vay tiền ngân hàng để làm căn nhà nhỏ.

Thế nhưng, nợ chưa trả hết thì bất ngờ vào năm 2020, ông Viên được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan. Gia đình lại chạy vạy khắp nơi để lấy tiền chữa trị. Sau một năm chống chọi với bệnh tật, ông Viên qua đời.

Từ ngày chồng mất, bà Mười trở thành trụ cột trong gia đình để lo cho 2 người con ăn học. Ngoài việc bán rau, bà Mười nuôi thêm mấy con heo để dành dụm tiền lo cho các con. Thế nhưng, may mắn chẳng mỉm cười với 3 mẹ con.

Tháng 6 vừa qua, vào một buổi sáng bà Mười thức giấc bởi cơn đau tức vùng ngực và đầu. Bà được hàng xóm đưa đến bệnh viện để thăm khám. Tại viện, bác sĩ chẩn đoán bà bị xuất huyết não dẫn đến liệt nửa người. Một tháng trời nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, bà Mười lại được chuyển sang Bệnh viện Y học Cổ truyền để phục hồi chức năng. Thế nhưng những khoản tiền vay mượn đã cạn kiệt, bà đành xin các y bác sĩ cho về nhà tự điều trị.

Cơ thể bị liệt nên mọi sinh hoạt đều phải nhờ 2 người con hỗ trợ. Gánh nặng gia đình lại đè nặng lên đôi vai cô học trò mới học lớp 8 Đặng Nguyễn Như Ngọc.

“Chồng mất, tôi không thể lao động, mà còn trở thành gánh nặng cho các con. Có những lúc tôi muốn từ bỏ cuộc sống này để các con đỡ khổ. Thế nhưng hàng xóm khuyên ngăn, lại thương các con bơ vơ không có cha mẹ. Những lúc như thế tôi chỉ biết khóc. Tôi khóc vì thương lũ trẻ còn quá nhỏ để có thể gồng gánh, lo toan mọi việc. May mắn rằng, gia đình tôi có những người hàng xóm luôn đồng hành, san sẻ và hỗ trợ”, bà Mười nói rồi bật khóc.

Sau giờ học, em Đặng Nguyễn Như Ngọc hỗ trợ mẹ ăn uống và vệ sinh thân thể.

Sau giờ học, em Đặng Nguyễn Như Ngọc hỗ trợ mẹ ăn uống và vệ sinh thân thể.

Ước mơ “nhanh lớn để kiếm tiền…”

Em Đặng Nguyễn Như Ngọc ngồi cạnh bên bấu chặt tay vào thành giường, đôi mắt đỏ hoe. Dường như không muốn khóc trước mắt mẹ, cô bé vội nói “chắc mẹ đói rồi, để con đi lấy cơm cho mẹ” rồi quay mặt bước đi. Lo cho mẹ xong, nữ sinh tranh thủ dọn dẹp rồi ngồi vào bàn học tập. Cạnh bên là cậu em trai Đặng Nguyễn Ngọc Quý hiện đang học lớp 5, Trường Tiểu học Thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh. Lâu lâu, cậu em trai lại quay sang hỏi chị cách giải bài toán khó, Như Ngọc nhẹ nhàng hướng dẫn để em hiểu.

Hàng xóm láng giềng đã quen với hình ảnh nữ sinh lớp 8 một buổi đi học, thời gian còn lại em tranh thủ hái rau mang ra chợ bán… để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thấy cuộc sống quá khó khăn, nhiều lần Như Ngọc có ý định bỏ học để ở nhà bán rau kiếm tiền đong gạo, lo cho mẹ và em. Nhưng mẹ không đồng ý, thầy cô, bè bạn, hàng xóm cũng thường xuyên động viên, em lại nỗ lực vượt khó để tiếp tục đến trường.

Nói về ước mơ sau này của mình, Như Ngọc bật khóc rồi cúi gằm mặt, giọng nghẹn lại “Em chỉ mong mẹ khỏe mạnh, nhanh chóng hồi phục. Còn em mong mình lớn thật nhanh để có thể đi làm kiếm tiền…”.

Ông Quản Văn Duẩn - Chủ tịch Mặt trận xã Nghĩa Hưng - cho biết, từ khi chồng mất, cuộc sống gia đình bà Nguyễn Thị Mười đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn. Bất hạnh hơn, ít lâu sau bà Mười cũng bị bệnh nặng nên gia đình không còn nguồn thu nhập.

Theo ông Duẩn, hiện nay sau giờ học Như Ngọc thay mẹ mang rau ra chợ bán hoặc ai thuê gì làm nấy để có tiền xoay xở cuộc sống và chữa bệnh cho mẹ. Thương cho số phận khốn khó của gia đình, trước mắt chính quyền xã giúp đỡ một phần chi phí và kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ để 2 cháu tiếp tục đi học. Bên cạnh đó, địa phương cũng mong các nhà hảo tâm sẻ chia để gia đình có thể vượt qua khốn khó.

Thấu hiểu cuộc sống khốn khó của 3 mẹ con, bà con hàng xóm cũng hay qua thăm hỏi, động viên, có hôm thì cho con cá, mớ rau hoặc ít gạo. Đầu năm học vừa qua, 2 chị em Như Ngọc cũng được Đoàn xã Nghĩa Hưng và đồng nghiệp của cha hỗ trợ tiền mua quần áo, sách vở đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.