Nữ giáo sư điều chế vắc xin cúm A/H5N1

GD&TĐ - Mặc dù đã bước qua tuổi 60 nhưng GS - TSKH Nguyễn Thu Vân vẫn giữ được những nét đẹp của thời xuân sắc, nụ cười hiền hậu và ánh mắt ấm áp luôn tạo cho người đối diện cảm giác được tin cậy và che chở. 

GS - TSKH Nguyễn Thu Vân
GS - TSKH Nguyễn Thu Vân

Nhìn vẻ bề ngoài của bà ít ai nghĩ bà là một nhà khoa học đứng đầu ngành điều chế vắc xin ở Việt Nam, từng đoạt giải Kovalevskaya tập thể.

Nhà khoa học tâm huyết với nghề

Ngay từ thời học phổ thông, Nguyễn Thu Vân đã đam mê môn Sinh học. Học hết phổ thông, bà được học bổng tại Đại học Erevan, Armenia (Liên Xô cũ) chuyên ngành Sinh hoá. 

Bà Vân bồi hồi nhớ lại: “Armenia là một nước nhỏ thuộc Liên bang Xô Viết, thời chúng tôi sang học có rất ít sinh viên châu Á nên được các thầy cô giáo rất quý và yêu thương. Chúng tôi may mắn được học tập trong một môi trường tốt. 

Phải nói rằng về khoa học cơ bản từ trước tới nay Nga luôn được thế giới đánh giá rất cao, bởi ứng dụng nhiều vào cuộc sống. Chúng tôi luôn được tạo điều kiện học đi đôi với hành, sáng học lý thuyết, chiều vào phòng thí nghiệm nên nhớ bài rất lâu. 

Ngoài thời gian học và thực hành ở phòng thí nghiệm của trường, tôi còn được bà giáo dẫn đi các nhà máy sản xuất rượu và sữa chua, được tận mắt chứng kiến họ ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Từ đó tôi luôn nuôi ước mơ sau này về nước sẽ làm trong một dây chuyền sản xuất và làm ra sản phẩm”.

Trở về nước với tấm bằng xuất sắc, bà về công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và sau này tại Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1, doanh nghiệp Nhà nước được tách ra từ Viện. Trong suốt quá trình 40 năm công tác, rất nhiều công trình nghiên cứu bà đứng tên chủ trì và cùng các đồng nghiệp của mình điều chế ra hàng loạt các loại vắc xin như viêm gan A, viêm gan B, tả uống và đặc biệt là vắc xin cúm A/H5N1, được WHO đánh giá cao.

Năm 2004, virus cúm gia cầm A/H5N1 xâm nhập và lây lan với tốc độ nhanh chóng ở Việt Nam khiến nhiều người tử vong. Trước mối đe dọa nguy hiểm này đối với sức khỏe và tính mạng con người, lúc đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo các quốc gia rằng virus cúm A/H5N1 là một biến chủng nguy hiểm có thể gây ra đại dịch cúm ở người, nếu không sớm có một loại vắc xin phòng ngừa chủ động và kêu gọi các nước cần chủ động trong việc nghiên cứu điều chế vắc xin này.

Với quyết tâm nghiên cứu tìm ra phương thuốc hữu hiệu phòng chống virus cúm A/H5N1 cho người dân, năm 2004, GS.TSKH Nguyễn Thu Vân cùng các nhà khoa học ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 bắt tay vào nghiên cứu sản xuất vắc xin H5N1. 

Theo GS- TSKH Nguyễn Thu Vân, ngày đó khi đưa ra ý kiến xin điều chế vắc xin cúm A/H5N1, bà và các đồng nghiệp của mình gặp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Cũng rất may mắn là trong những ý kiến nghi ngại thì cũng có nhiều người ủng hộ. Sau rất nhiều lần báo cáo thì hội đồng khoa học Nhà nước nhận thấy đây là một đề tài khả thi và đã duyệt cho chúng tiếp tục nghiên cứu và phát triển loại vắcxin này. Để điều chế ra vắc xin thành phẩm bằng phương pháp nuôi cấy trên tế bào thận khỉ với chủng cúm A/H5N1 độc lực rất cao, chúng tôi buộc phải áp dụng phương pháp di truyền ngược để tạo ra một chủng vắc xin cúm A/H5N1 không độc mà vẫn giữ được tính sinh miễn dịch ở người, tại thời điểm đó Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ này nên chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Tổng hợp Tokyo Nhật Bản, vì GS. Y.Kawaoka của trường là tác giả và là người nắm giữ bí quyết về kỹ thuật di truyền ngược. 

Vấp phải những khó khăn cả về con người lẫn phương tiện như vậy, nhưng bằng kinh nghiệm của người 30 năm làm khoa học GS-TSKH Nguyễn Thu Vân cùng các đồng nghiệp của mình vẫn giữ vững lập trường quyết tâm và động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đến khi vắc xin đã điều chế và kiểm tra tất cả các khâu thành công trong phòng thí nghiệm và tiếp đến là thử nghiệm lâm sàng thì những câu hỏi, ý kiến nghi ngại một lần nữa quay lại. 

GS-TSKH Nguyễn Thu Vân chia sẻ: “Trong quá trình nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1, chúng tôi đã phải tiến hành với hàng chục cuộc thử nghiệm trên khỉ và gà đã cho kết quả thành công. Năm 2008, được sự cho phép của Bộ Y tế, nhóm nghiên cứu chính thức chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi sự chặt chẽ, chính xác, hiệu quả và an toàn cao nhất, đó chính là tiêm thử nghiệm vắc xin cúm A/H5N1 trên người. 

Gần 4 năm qua, hơn 1.000 người tình nguyện đã tham gia thử nghiệm vắc xin này trên thực địa lâm sàng. Trước đó những cán bộ, chuyên gia của nhóm nghiên cứu đã tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc xin cúm A/H5N1 do mình điều chế. Những người tình nguyện sẽ được lấy máu để kiểm tra tính sinh miễn dịch của vắc xin và kết quả đã chứng minh là vắc xin cúm A/H5N1 này là an toàn và có tính sinh miễn dịch tốt ở cả 3 giai đoạn thử ngiệm lâm sàng. 

Công trình nghiên cứu của chúng tôi được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao, vắc xin đã tạo ra kháng thể miễn dịch và an toàn. Thành công đó đã mang lại cho chúng tôi sự tự tin để tiếp tục nghiên cứu điều chế một số loại vắc xin sau này như vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, vắc xin phòng bệnh dại trên tế bào Vero, vắc xin phòng sốt xuất huyết Dengue, vắc xin phòng bệnh Tay - Chân - Miệng EV71…”.

Người phụ nữ của gia đình

Mọi người thường nghĩ rằng làm khoa học nhất là đối với nữ sẽ luôn bị cuốn theo công việc nhưng riêng đối với GS - TSKH Thu Vân thì lại khác. Bà bỏ lại mọi lo toan, trăn trở về công việc đằng sau cách cửa phòng thí nghiệm để trở về nhà đúng nghĩa là người phụ nữ của gia đình. 

Bà tâm sự: “Dù con cái đã lớn nhưng tôi luôn giữ nếp hằng ngày hoặc ít nhất là vài ngày trong tuần cả gia đình sẽ cùng ăn tối với nhau tại nhà. Tôi thích nấu nướng, chăm sóc gia đình ngày các con còn bé và ngay cả bây giờ mỗi khi đi đâu tôi cũng đều mua quần áo về cho các con. May mắn là chưa bị chê bao giờ”. 

Khi được hỏi những lúc rảnh rỗi bà thường làm gì? – Bà cười nhẹ bảo, “tôi thích đọc sách, đọc truyện, xem phim, chơi đàn piano và dọn dẹp nhà cửa, còn mỗi khi đi công tác tôi luôn cố gắng bớt chút thời gian để đi thăm các viện bảo tàng và cung điện. Mỗi lần bước chân vào những nơi đó tôi như bị mê hoặc bởi những đồ vật và kiến trúc của nó”.

Chia tay người phụ nữ có vóc dáng trẻ trung, khuôn mặt hiền từ ra về trong sâu thẳm nơi bà tôi cảm nhận thấy sự trăn trở về công việc. Chúc cho những dự án sản xuất vắc xin sắp tới như vắc xin sốt xuất huyết, vắc xin ung thư cổ tử cung sớm được đến tay người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ