Nữ cựu tù Côn Đảo trên núi Cô Tô

Nữ cựu tù Côn Đảo trên núi Cô Tô

(GD&TĐ) - Đó là bà Trần Thị Luận, thương binh ¾, cư dân xứ núi Cô Tô, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang), thường gọi là bà Chín Luận. Chồng đi làm Cách mạng hy sinh, nén đau thương, bà gửi con lại cho cha mẹ già, người vợ trẻ lại tiếp tục thoát ly. Kẻ gian chỉ điểm, bà bị bắt, bị đánh đập dã man. Không khai thác được gì, chúng  đày bà ra Côn Đảo...  

Khó khăn không lùi bước       

“Ổng hy sinh, tui đau lòng lắm, nhưng hổng sợ. Chỉ lo cho ba đứa con còn nhỏ quá, chẳng biết cách nào để xoay xở”, bà Chín Luận tâm sự. Cả vùng núi Cô Tô, cho tới chợ Xà Tón, ai cũng biết ông Hồ Văn Chính và bà Trần Thị Luận đi làm cách mạng. Nay, tin chồng bà chết loan ra là cái cớ khiến cho địch khẳng định thêm “bà Chín Luận đi theo Việt cộng”! Năm đó, tối mồng 4 tháng mười một Âm lịch, khi trận chiến đấu vừa kết thúc, bà con dưới chân núi mới mò lên Suối Vàng lấy xác anh Chính, lén mang về chôn cất trên phần đất nhà, khu rừng ở cạnh Sân Tiên và chùa Ông Quyện. Bà Chín Luận nói: “Tui hết sức mang ơn cô bác địa phương và anh em cùng thời với chồng tôi. Bởi lẽ, một tháng rưỡi sau, lễ truy điệu mới tổ chức, tui được mời vào dự, bảo đảm an toàn”.

Nữ cựu tù Côn Đảo trên núi Cô Tô ảnh 1
Ngôi trường dân lập trên núi Cô Tô do bà Chín Luận góp phần xây dựng

Không chịu nổi cái cảnh dòm ngó, rình rập của an ninh ấp và xa, mấy lần chúng bố ráp, vây bắt hụt bà Chín Luận gửi 2 đứa con lớn cho mẹ già, rồi bồng đứa con út xuống Long Xuyên, Cần Thơ và đi lên Sài Gòn nhờ sự đùm bọc, che chở của những người quen biết, có cảm tình với cách mạng. “Khổ lắm. Mần để được ăn cơm, chứ đâu có tiền công. Ráng chịu đựng, nuôi con”, bà Chín Luận kể. Khi đứa bé được 2 tuổi, bà mới quay trở về Núi Tô giao nốt cho bà ngoại, quyết định thoát ly vào căn cứ núi Cô Tô. Cuộc chia tay đầy nước mắt, mấy mẹ con chẳng biết ngày nào gặp lại. Nhìn 3 đứa nhỏ ngủ ngon lành mà không dám hôn, sợ chúng thức giấc bố trí bà công tác ở Ban An ninh huyện Tri Tôn (An Giang), với nhiệm vụ vận chuyển hậu cần.

Lấy công việc để xua đi nỗi nhớ con, thương chồng. “Đã ba năm hổng thấy mặt con, nhớ tụi nó quá tui phát bệnh hoài. Thấy vậy, tổ chức mới cho phép rước ba đứa nhỏ vào hang núi, mẹ con gặp lại nhau được ít ngày, chưa thỏa mãn nỗi nhớ nhung. Nào ngờ…”, bà Chín Luận rưng rưng. Con gái út xuất hiện triệu chứng sốt rét, rồi chuyển sang thương hàn; tối ngày quanh quẩn với mấy chú, mấy cô; còn bà lo đi công tác liên tục, hai ba ngày mới trở về giây lát. Ở trong hang núi đói quá, mấy chị em lén bắt cua núi ăn, rồi bụng nó trướng lên, ngã lăn ra chết! 

Hôm đi sang Quân y tỉnh An Giang bên đồi Tức Dụp, vài ngày sau bà Chín Luận quay lại Suối Vàng thì mọi chuyện đã rồi! Không còn nhìn thấy mặt con gái út! Lo lắng quá, sợ 2 đứa còn lại tiếp tục bị bệnh, bà báo tổ chức đưa cả 2 đứa về ở với bà ngoại. 

Kiên định một lòng 

Bà Chín Luận
Bà Chín Luận

Chiến tranh vùng Bảy Núi ngày một ác liệt, nhiệm vụ vận chuyển hậu cần đòi hỏi phải tuyệt đối bí mật. Một hôm vào năm 1969, bà Chín Luận được phân công đi qua chợ Chi Lăng   tên Hai Sanh (nguyên Bí thư thị trấn Tri Tôn ra chiêu hồi) phát hiện ra bà và chỉ điểm cho lính địa phương quân vây bắt. Hay tin, người mẹ già ở nhà bồng cháu “tẩu thoát” tức khắc ra hang núi. Bà Chín Luận bị đánh đập dã mãn ngay giữa chợ. Không moi được tin tức gì, chúng áp giải bà về khám lớn Châu Đốc. 

Dù bị tra tấn bà vẫn cắn răng chịu đựng, không khai nửa câu. Lần lượt, kẻ định đưa bà xuống Cần Thơ rồi đi lên Thủ Đức, dã man nhất là ở trại giam “Tam Hiệp Suối Máu”. Bà bị kết án 2 năm tù song không thả, mà đày bà ra Côn Đảo cho tới ngày 30/4/1975. “Hồi đó, bị đánh đập cách mấy tui vẫn hổng khai, chúng đá vào sườn non, tui ngất xỉu thì chúng lại nắm đầu kéo lên; giật tới giật lui mấy bận mới sứt búi tóc, văng ra toa bổ hàng hóa…”, bà Chín Luận thổ lộ. 

Ngày 30/4/1975, hòa cùng niềm vui chung của cả nước, bà Chín Luận được rước từ Côn Đảo về Vũng Tàu và nghỉ ngơi, điều dưỡng tại đây. Ở quê nhà, người mẹ già luôn mong chờ tin con gái, 2 đứa con thơ ngóng đợi mẹ về. Bàn thờ bà Chín Luận được dựng lên, 2 đứa con nhỏ cũng đã để tang mẹ! Mãi đến ngày 18/5, bà Chín Luận cùng 2 cán bộ dân tộc Khmer ở tù chung ngoài Côn Đảo mới về đến Xà Tón; lãnh đạo Ban Quân quản huyện Tri Tôn nồng nhiệt đón chào. Nhiều đồng chí, đồng đội và anh em họ hàng, láng giềng xã Núi Tô đến thăm hỏi, chúc mừng bà trở về.

Ấn tượng ngày ấy làm bà Chín Luận nhớ mãi, gia đình tên Hai Sanh (người chỉ điểm cho lính bắt bà năm 1967) cũng đến quỳ lạy, nói lời xin lỗi và mong được bà tha thứ! Tuy nhiên sau đó ít lâu, tên Hai Sanh đã bị chính quyền cách mạng lâm thời kết án tử hình, vì gây nợ máu với đồng bào và phản bội lại tổ chức cách mạng. 

Sau 38 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, bà Chín Luận vẫn tảo tần với miếng vườn rừng trên sườn núi Cô Tô (nơi đặt ngôi mộ chồng bà – liệt sĩ Hồ Văn Chính – Xã đội trưởng Núi Tô). Hiện bà sống với người con gái duy nhất còn lại. Mặc dù, huê lợi cây trái của miếng vườn không nhiều, chủ yếu dựa vào sổ lương thương binh và chế độ của vợ liệt sĩ, vậy mà bà vẫn vui. “Mình vui đây là vui trong niềm vui đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất”, bà Chính Luận cười sảng khoái.

Trần Đăng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên dự tập huấn.

STEM 'gieo mầm sáng tạo' cho trẻ mầm non

GD&TĐ - STEAM qua các hoạt động vui chơi và trải nghiệm thực tiễn, giúp trẻ mầm non sáng tạo, kỹ năng khám phá và áp dụng kiến thức phù hợp với lứa tuổi.