NSƯT Minh Vượng: Vượt lên bạo bệnh nhờ nghị lực sống

Chọn nghề cười như một duyên phận, nhưng ít ai biết cuộc sống sau cánh gà của “người đàn bà cười” thật giản dị nhưng cũng lắm chua cay.

NSƯT Minh Vượng tái xuất trong chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện. Ảnh NVCC
NSƯT Minh Vượng tái xuất trong chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện. Ảnh NVCC

Tia nắng đam mê nghệ thuật

Gặp nghệ sĩ hài Minh Vượng vào một ngày thu tháng Chín. Nắng chan hòa trong khúc mùa rộn rã của lòng người, của những nụ cười trẻ thơ càng đẹp hơn với lần trở lại của chương trình Phẫu thuật nụ cười dành cho người bệnh mang dị tật khe hở môi, hàm ếch tại BV Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba. 

Trước những cuộc hẹn “đặc biệt” với nghệ sĩ ấy, tôi đã nhiều lần bị nhân vật từ chối bởi lý do duy nhất: Chị bận quá không thu xếp được thời gian, để lúc nào thu xếp được chị gọi điện nhé! (kèm ký tự cười hóm hỉnh). 

Không chút thất vọng vì lỡ dự định của mình, bởi tôi biết chị bận rộn thật. Thế mà, cơ duyên cho tôi gặp nghệ sĩ lại đến thật bất ngờ khi mới đây cùng chị tham gia chương trình Mang âm nhạc đến BV. 

Cuộc trò chuyện ngắn diễn ra tại phòng “hóa trang” của BV Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba với “cây hài” nổi tiếng vừa nhiều tiếng cười nhưng cũng đầy nỗi niềm.

Sau khi trình diễn xong tiểu phẩm cười, trút bỏ bộ xiêm y lòe loẹt trên sân khấu, trút bỏ những trận cười nghiêng ngả mà ngạo nghễ, nghệ sĩ Minh Vượng xuất hiện giản dị, vẫn bộ quần áo rộng thùng thình, với dáng vẻ nhanh nhẹn, nụ cười như pháo nổ. 

Chị bảo, thời gian gần đây, khán giả ít có cơ hội được gặp gỡ Minh Vượng trên truyền hình, cũng bởi chị “ôm đồm” nhiều công việc. Hỏi về sự bận rộn, chị không chút giấu giếm: 

“Từ năm 2011, khi nghỉ chế độ ở Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi về đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội. Ở đây tôi đảm trách công việc xây dựng sân khấu học đường, dựng những vở kịch có độ dài 60 phút kể các câu chuyện mang nhiều ý nghĩa để dạy cho các em học sinh hiểu về những giá trị đạo đức, biết phân biệt cái thiện, cái ác…”. 

Với chuyên môn của mình, nghệ sĩ Minh Vượng còn tham gia giảng dạy bộ môn “Kỹ thuật biểu diễn” và “Kỹ thuật ngôn ngữ” cho sinh viên khoa Kịch nói của trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. 

Chia sẻ về ý nghĩa của công tác giảng dạy, chị trải lòng: “Mỗi tuần có 7 ngày thì tôi đã dạy học tới 6 ngày. Tiền thù lao giảng dạy không nhiều nhưng việc đào tạo các lớp diễn viên trẻ rất quan trọng, tôi thấy mình phải có trách nhiệm. Hơn nữa, đây còn là ngôi trường tôi đã học và thành danh như bây giờ. Đó là niềm tri ân nghệ thuật, trả ơn tổ nghề”.

Ngoài công việc chuyên môn, chị còn đứng giảng “biểu cảm ngôn ngữ” và “kỹ năng sống” cho các em nhỏ của trường quốc tế Việt - Bun và Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. 

Đối với nghệ sĩ Minh Vượng, công việc hàng ngày bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng và chỉ kết thúc sau các sô diễn, hay những buổi dạy làm phim tại trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh Việt Nam (TPD) đến tối muộn. 

Bận rộn là thế nhưng năng suất làm việc thì khó ai “bì” được với chị. Từ ngày nghỉ chế độ, chị về Nhà hát Chèo Hà Nội, dù sức khỏe có giảm sút vì bệnh tật nhưng cường độ biểu diễn “sung sức” hơn khi có ngày chị biểu diễn 8 sô, thậm chí 16 sô diễn. 

Tuy nhiên, đó chưa hẳn là lý do duy nhất chị “quay lưng” với truyền hình. Chấp nhận cuộc sống giảng dạy là chính, nghề diễn là để đỡ nhớ sân khấu vì thế thời gian rảnh ít ỏi đó không đủ để Minh Vượng nhận lời quay phim truyền hình. 

Thế nên, lần trở lại hiếm hoi trên màn ảnh của chị là vai diễn bà Nẫng, vợ ông trưởng thôn (do nghệ sĩ Quốc Anh đóng) trong bộ phim hài Tết “Ngoan cái gì cũng có” cách đây cũng đã 2 năm nay. 

Thậm chí, hình ảnh và thông tin về cuộc sống của nghệ sĩ Minh Vượng cũng tuyệt nhiên “vắng” hẳn trên các phương tiện truyền thông.

Hỏi nghệ sĩ Minh Vượng, chọn con đường lui xuống hậu trường sân khấu chị có lo sợ “thương hiệu” Minh Vượng sẽ mau quên trong lòng khán giả trẻ ngày nay? 

Chị cho biết, bản thân là cầu thủ đá được nhiều sân, với nhiều đội hình, có lẽ vì vậy Minh Vượng luôn được mời đến các chương trình và sân khấu lớn. 

Thậm chí, chị tự hào với cái dáng “ton ton hình vại, thoai thoải hình chum”, chính là cái duyên cho những vai hài. Dù vậy, chị vẫn phải bỏ đam mê công việc, chị nói: 

“Tiền là quý, nhưng cũng phải nói không với tiền để dành thời gian đầu tư cho vai diễn trên sân khấu. Yêu nghề thì nghề không phụ. Bản thân tôi là người rất tôn trọng nghề và yêu quý khán giả, nên khán giả yêu quý tôi, tạo nên “thương hiệu” nghệ sĩ hài Minh Vượng ngày hôm nay”.

Các cụ xưa có nói: “Thầy già, con hát trẻ”, nghệ sĩ như chúng tôi cống hiến cả đời cho nghệ thuật sân khấu, được đông đảo công chúng yêu mến thì cũng tự hào hơn khi được truyền nghề cho lớp kế cận. 

Trong vòng 4 năm giảng dạy, niềm trăn trở với nghề diễn là mong sao thế hệ lớp diễn viên trẻ, hãy yêu nghề, cống hiến với nghề. Bất cứ một nghề nào, từ nấu bếp, cho đến người xe ôm, thợ cắt tóc, thợ may,… nếu dành trọn tâm huyết thì nghề không phụ mình… 

Điều mà nghệ sĩ Minh Vượng nuối tiếc khi thế hệ “diễn viên vàng” của thế kỷ 20 nhiều hơn hiện nay, bởi lúc bấy giờ tài năng họ có thực sự, năng khiếu và ý chí học hỏi rất nhiều. Còn bây giờ, nghề diễn dường như theo xu thế làm nghề “trang trí” cho mình, thực lòng để sống, chết với tổ nghề thật… hiếm.

Nghị lực “sống chung với lũ”

Dù trên sân khấu, với bộ xiêm y lòe loẹt, cách diễn ngoa ngôn có chút “bụi phủi”, song ở ngoài đời, nghệ sĩ Minh Vượng lại giản dị và rất đỗi chân thành. 

Kể về cuộc sống hiện tại của mình, chị cho biết, đã nhiều năm nay bệnh khớp, tim, tiểu đường,… đã khiến sức khỏe chị giảm sút rất nhiều. 

Bên cạnh chiếc túi với những giáo án giảng dạy, với lỉnh kỉnh đồ diễn, hóa trang thì không lúc nào là thiếu túi thuốc. Chấp nhận cuộc sống bận rộn sau ánh đèn sân khấu cũng là thời gian nghệ sĩ Minh Vượng đối mặt với cuộc sống một ngày 4 mũi tiêm kháng sinh liều cao và uống hàng mớ thuốc nhiều hơn cả cơm. 

Chị tếu táo: “Có khi số thuốc chị uống vào người còn nhiều hơn số cân nặng của cơ thể”. Bệnh tật nặng nề là thế, nhưng chưa bao giờ thấy chị than thở mệt mỏi, lúc nào cũng tươi vui: “Tôi vẫn sống, vẫn yêu nghề, vẫn “sống chung với lũ” cơ mà”.

Mang tiếng cười đến cho nhiều người, nhưng nghệ sĩ hài kịch lại bị cuộc đời lấy đi tiếng cười. Chị cho rằng, đó là điều đúng, khi trên đỉnh cao của hài kịch, ta gặp bi kịch, đời diễn viên của chị như “Kép Tư Bền”, nhiều khi nuốt nước mắt vào trong để diễn. 

Ít ai biết là lựa chọn cuộc đời cô đơn lẻ bóng được nghệ sĩ Minh Vượng xác định từ năm 30 tuổi, và bây giờ khi đã xấp xỉ lục tuần, chị vẫn vấn vương suy nghĩ căn bệnh tim và khớp sẽ khiến chị không thể đến trọn đời với ai được. 

Cuộc sống bản thân mình đã khổ rồi thì đừng làm người khác khổ theo. Vì vậy, nhiều cơ hội lựa chọn bến đỗ hạnh phúc đã đến và trôi đi, để đến bây giờ chỉ còn là hoài niệm. Đôi khi, mong ước đủ đầy của người phụ nữ là có chồng, có con khiến chị cảm thấy chạnh lòng, nhưng vượt lên tất cả là lòng yêu nghề, cống hiến hết mình vì khán giả.

Và cái điều theo chị coi là trái khoáy, thì việc cứ bận rộn với công việc lại làm chị khỏe… nghỉ ở nhà rảnh rỗi lại ốm. Thế nên, điều khiến chị có thể vượt qua bệnh tật để làm một lúc nhiều công việc là bởi chị luôn lạc quan, biết tìm niềm vui, tiếng cười quanh cuộc sống. 

Với chị, việc chữa bệnh không đơn thuần là tuân thủ một cách nguyên tắc phác đồ điều trị của bác sĩ, chúng ta cần đến BV để sức khỏe tốt hơn, nhưng sức đề kháng vô cùng quý báu đó chính là nghị lực. 

Nghị lực giúp cho người bệnh sống lạc quan và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Chị nghĩ một điều, sống ngày nào, hãy làm điều tốt ngày ấy và hãy sống nhân ái hơn với mọi người.Mang nụ cười cho khán giả mới chính là hạnh phúc của đời nghệ sĩ.

NSƯT Minh Vượng tên thật là Minh Phượng, SN 1958 tại Hà Nội. Chị là con thứ hai trong gia đình có sáu anh chị em tại khu lao động nghèo ở Lương Yên, Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp khoa kịch nói, trường Nghệ thuật Hà Nội vào năm 1978, Minh Vượng về làm việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Nhưng phải mất hai năm, Minh Vượng mới có vai diễn đầu đời.

22 tuổi, chị hóa thân vào cụ bà nông dân 80 tuổi trong vở Hà Mi của tôi. Vai diễn đầy thử thách, nhưng nhờ sự chăm chỉ, nghiên cứu kịch bản, vai diễn đầu tiên đã đưa chị trở thành “cây hài” nổi tiếng Việt Nam.
SN 1958 tại Hà Nội. Chị là con thứ hai trong gia đình có sáu anh chị em tại khu lao động nghèo ở Lương Yên, Hà Nội. 

Sau khi tốt nghiệp khoa kịch nói, trường Nghệ thuật Hà Nội vào năm 1978, Minh Vượng về làm việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Nhưng phải mất hai năm, Minh Vượng mới có vai diễn đầu đời. 

22 tuổi, chị hóa thân vào cụ bà nông dân 80 tuổi trong vở Hà Mi của tôi. Vai diễn đầy thử thách, nhưng nhờ sự chăm chỉ, nghiên cứu kịch bản, vai diễn đầu tiên đã đưa chị trở thành “cây hài” nổi tiếng Việt Nam.

Theo phapluatxahoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ