Chưa có lần đi diễn và du lịch ở Mỹ nào về mà NSƯT Bảo Quốc vui “hết sảy” (nói theo cách của anh) như lần này. Số là anh được lên chức “cố” (con của nghệ sĩ Gia Bảo) nên trong dạ mới “mở cờ xanh, cờ đỏ” như vậy.
Anh về cũng đúng ngày đội tuyển Việt Nam đá trận bán kết lượt về với Malaysia. Ai cũng biết Bảo Quốc mê bóng đá đến cỡ nào. Bởi vậy, vui mừng vì gặp mặt “cháu cố” nhưng buồn hiu vì thất bại.
Vai diễn như con người
Sở dĩ nói tới bóng đá vì thủ pháp gây cười của anh trên sân khấu cũng giống như đá bóng trên sân cỏ. Đó là lối diễn cợt vai, ung dung, từ tốn nhưng bất thình lình tung ra một câu thoại, hút hết khán giả, cũng như cú lừa sút bóng vào khung thành.
Biên độ vai diễn của Bảo Quốc không rộng, không phải vai nào anh làm cũng được. Anh chỉ có thế mạnh ở những vai hài tràn ngập sự bình dân, giản dị.
Còn những gì thuộc về ác độc, gai góc, mãnh liệt... đương nhiên là thế... yếu. Cái hài của Bảo Quốc toát ra từ dáng điệu ngượng nghịu, bẽn lẽn; cái miệng móm với câu thoại ngọng nghịu, lúng túng; từ đôi mắt to đen, chớp chớp lia lịa...
Bảo Quốc là một nghệ sĩ đặc biệt ở chỗ anh có tài biến mọi chuyện bình thường thành hài hước một cách dễ thương, đôi khi ngớ ngẩn nhưng hồn nhiên chứ không lố bịch.
Anh không cố tình “giả nai’ mà vẫn cứ “nai” như thường. Đơn giản vì vai diễn của anh giống với con người anh. Nom anh ngoài đời cũng hiền lành, tỉnh rụi y chang.
Đó là chưa kể anh đóng vai hiền khán giả thương đã đành, đằng này vai ác khán giả cũng thương. Ai đã xem vai ông hội đồng Thăng trong vở Đời cô Lựu sẽ thấy.
NSND Diệp Lang làm khán giả ghét bao nhiêu thì Bảo Quốc làm khán giả thương ông Thăng bấy nhiêu. Kết quả là kẻ hiền không thấy sợ, khán giả lại thấy…bùi ngùi.
Để vượt qua cái bóng của một người đã quá thành công, đôi khi làm như Bảo Quốc là mạo hiểm rất thông minh. Anh đã được khán giả chấp nhận.
Hơn 50 năm làm nghệ thuật, từ cải lương qua hài, từ sân khấu đến màn ảnh, từ trong nước đến hải ngoại, Bảo Quốc cứ băng băng qua không gian, thời gian.
Còn nhớ những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bà con ở các vùng quê xa xôi hẻo lánh thần tượng cặp đôi “Bảo Chung - Bảo Quốc” đến nỗi đi đâu cũng nghe điệu cười của Bảo Chung và giọng nói ngọng nghịu của Bảo Quốc.
Không ít người nhầm tưởng họ là anh em vì giống chữ lót “Bảo”. Nhưng khi xem thì té ngửa. Bảo Chung lanh lẹ, Bảo Quốc từ tốn; Bảo Chung “ranh mãnh”, Bảo Quốc hiền queo; Bảo Chung ốm, dài và nhẹ; Bảo Quốc mập, tròn và nặng.
Chợt nhớ trong gia tài vai diễn của Bảo Quốc có vai Y “xì ke” trong vở Bóng tối và ánh sáng. Hẳn hồi ấy Bảo Quốc cũng “nhẹ” lắm mới vào vai “xì ke” được chứ giờ mà bắt anh đóng lại, thể nào Bảo Quốc cũng “chào thua”. Anh mới thú nhận là mình chào thua thật!
Làm nghệ thuật không cho riêng mình
Sinh ra trong một dòng tộc có truyền thống nghệ thuật, tư chất nghệ sĩ có sẵn trong máu, Bảo Quốc được trải sẵn thảm đỏ đi vào nghề cũng không có gì làm lạ. Nhưng nếu đôi chân không vững thì dù cái thảm kia có rực rỡ đến mức nào cũng khiến người ta đâm phải “gai nhọn”.
Đôi chân mà Bảo Quốc từng nói rằng đáng ra phải dành cho sân cỏ lại phải bước trên sân khấu như một cái nghiệp. Nói là vừa đi vừa chiến đấu thì hơi quá nhưng cả thời trẻ, anh đã vừa đi vừa thở vừa lau mồ hôi và lắng nghe những dè bỉu của dư luận.
“Con nhà nòi chỉ được cái danh chứ diễn hay ho gì!”. Xin thưa rằng dù có con nhà nòi đi nữa mà không có tài thì cái danh cũng “bẵng” nhanh thôi. Nếu không có tài thì anh cũng chỉ là cái bóng mờ. Nói chi tới chuyện diễn được, diễn hay, diễn xuyên thời gian như Bảo Quốc.
Một nghệ sĩ từng ở đỉnh cao như anh thể nào mà chẳng có “cạm bẫy” vây quanh nhưng những người thân hữu, gắn bó với Bảo Quốc lâu năm đều khẳng định Bảo Quốc “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Anh hãnh diện, tự hào về nghề nhưng tuyệt đối không hám danh. Anh cứ âm thầm, nhẫn nại rèn nghề, cái danh, cái tiếng ắt sẽ tự tới. Trong một lần nói chuyện bên lề, vài anh em nghệ sĩ gạo cội có bảo nhau: Anh Năm Nghĩa khéo đặt tên con.
Bảo Quốc có ý nghĩa là một thứ quý giá, có giá trị, được giữ gìn. NSƯT Bảo Quốc được ví như một báu vật. Anh không làm nghề cho riêng mình, anh làm cho cả một gia đình, dòng tộc và cho cả nhân gian.
Khi nhắc lại đường nghề, Bảo Quốc đầy mãn nguyện nhưng cũng ân hận, tiếc nuối. Có 2 lần mà chân Bảo Quốc phải khuỵu xuống. Đó là lúc cha anh và chị anh (nghệ sĩ Thanh Nga) mất đi không lời trăng trối. Nghệ thuật đầy hào quang nhưng nghiệt ngã là vậy.
Bảo Quốc có nhiều giai thoại cực kỳ thú vị về sự hâm mộ của khán giả. Một lần đi diễn gặp trời mưa, đường kẹt xe cứng, Bảo Quốc nghĩ bụng: “Giờ có nước… mọc cánh mà bay lên trời mới mong qua được đám người, xe cộ như ong này”.
Vậy mà anh bay thật, người đi đường mà cũng chính là khán giả đã cho anh cả trăm đôi cánh. “Họ nhấc bổng tôi lên, chuyền từ tay, vai người này đến tay, vai người khác.
Đoạn đường dài cả hàng trăm mét chứ ít gì. Mà ai cũng biết tôi nặng đến cỡ nào” - Bảo Quốc nhớ lại. Hình ảnh đó hẳn vừa hài hước vừa ý nghĩa. Chỉ có sự yêu mến tột cùng dành cho người nghệ sĩ mới có thể trong chốc lát, cảm giác đỡ một người gần 70 kg thành vài ký.
Bảo Quốc đi qua được đám đông chắp tay cảm ơn khán giả, vừa hú hồn vừa ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra. Sau đó vài giây, mọi người mới mở to mắt nhìn thảng thốt ồ lên khi phát hiện anh rõ mập, rõ to. Đến lượt họ lăn ra ngất. Tiếc là con đường ấy giờ không khắc lên mấy chữ: “NSƯT Bảo Quốc từng đi trên... vai khán giả tại đây”.
Trẻ lâu nhờ vợ
Nhiều khán giả hâm mộ Bảo Quốc từ lúc 5-6 tuổi nay ngấp nghé 30, gặp lại anh cứ sửng sốt: “Sao chú trẻ lâu vậy?”. Chẳng biết có phải thông thường cái tuổi từ 50 đến ngoài 60, người ta lâu già hay không nhưng đúng là Bảo Quốc trẻ thật.
Mới đây, thấy anh bảnh bao, phong độ, nhiều người cùng trang lứa hốt hoảng về soi gương nhìn lại mình. Bảo Quốc lúc nào nghe khen cũng chỉ cười bẽn lẽn: “Vẫn còn ngon chán, hen!”.
Thì vẫn còn xuân chán nên mỗi khi lên sân khấu, khán giả vẫn còn mê mệt. Anh bảo vẫn đang chắt chiu để “góp với nhân gian một tiếng cười” mãi thanh xuân, tươi trẻ, đầy dư vị.
Bảo Quốc trẻ lâu là nhờ không thuốc lá, không rượu chè... Đừng hy vọng gặp anh được ở mấy quán bia rượu, đàn đúm bạn bè. Bảo Quốc thú thật: “Tôi chỉ ghiền... vợ”. Ghen tỵ chưa? Trong khi cả thiên hạ ham vui, nhốn nháo, Bảo Quốc âm thầm ở nhà “ôm” vợ.
“Nói ôm nghe kỳ quá! Thật sự là tôi quấn quýt với bà ấy quen rồi. Đi diễn hay đi đâu cũng phải về ăn cơm với bà ấy cho bằng được” - anh cười. Là mối tình đầu và tình tứ nhau đến tận tuổi này đâu phải ai cũng làm được như vợ chồng anh.
Gần đây, tôi mới đến nhà Bảo Quốc. Một không gian gần gũi và một con người gần gũi đến mức nếu ai đến đó mà khách sáo, câu nệ thì sẽ quê và mắc cỡ vô cùng.
Trước đây, hiếm lắm mới gặp Bảo Quốc. Anh đi Mỹ như đi chợ, đi diễn trong nước thì lưa thưa. Nhưng nay, nếu thấy anh hay xuất hiện với cháu nội mình là nghệ sĩ Gia Bảo ở các sân khấu thì cũng đừng quá ngạc nhiên.
Thử hỏi trong làng nghệ thuật, mấy ai có “phước phần” được như anh. Diễn với cha, với con, với cả cháu nội. Giờ mới 65 tuổi mà đã có cháu cố, không khéo chừng vài năm nữa, “ông cố” Bảo Quốc sẽ diễn chung với cháu chứ chả chơi! Anh đang mơ mộng. Nhiều người cũng đang mơ về ngày đó...