'Nóng' việc ngư dân ở Cà Mau tranh chấp trên biển

GD&TĐ - Thời gian gần đây tình hình an ninh trật tự trên vùng biển tỉnh Cà Mau diễn biến phức tạp khiến một bộ phận ngư dân bất an khi ra khơi đánh bắt hải sản.

Một tàu cá của ngư dân tỉnh Kiên Giang bị tấn công trên vùng biển Cà Mau.
Một tàu cá của ngư dân tỉnh Kiên Giang bị tấn công trên vùng biển Cà Mau.

Ngư dân bất an

Ông Diệp Hồng Kỳ, ngư dân cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau thông tin, hoạt động thủy sản trên vùng biển Tây Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng nhiều năm nay, chuyện tranh chấp ngư trường trên biển không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, thời gian gần đây số vụ việc xảy ra ngày càng nhiều, mức độ tranh chấp, ẩu đả trên biển ngày một nghiêm trọng.

“Hiện nay ngư dân ra khơi đánh bắt gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn lợi thủy sản khai thác được ngày càng ít, thời tiết bất thường, giá nguyên liệu tăng trong khi giá thu mua thủy sản lên xuống thất thường. Tình hình an ninh trật tự trên biển phức tạp càng khiến ngư dân cảm thấy bất an, ngại ra khơi hoạt động”, ông Diệp Hồng Kỳ chia sẻ.

Ông Nguyễn Thái Điền, ngư dân cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh chia sẻ thêm, trong quá trình hành nghề không ít lần tàu của ông đang khai thác trên vùng biển của tỉnh Cà Mau thì có tàu của tỉnh khác đến giành khu vực khai thác, cắt neo hoặc ngư lưới cụ khiến ông rất bức xúc, nhất là các ghe cào đôi, dã cào…

“Mình nhẫn nhịn rời đi xem như mất quyền lợi. Trường hợp tài công, ngư phủ trên tàu mình không nhịn được sẽ dẫn đến ẩu đả giữa 2 bên và chắc chắn sẽ có người bị thương tích”, ông Nguyễn Thái Điền cho biết.

Ông Phạm Trọng Nghĩa, một chủ tàu ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết, tình hình tranh chấp ngư trường diễn biến phức tạp khiến việc tìm kiếm tài công, ngư phủ đi tàu vốn đã khó nay càng khó hơn. Bởi họ e ngại gặp rủi ro, thương tích trong quá trình ra khơi đánh bắt. Một số ngư phủ cũng viện cớ này để đòi tăng thù lao đi biển, gây khó khăn cho chủ tàu.

Không riêng chuyện tranh chấp ngư trường, tình hình trộm cắp ngư lưới cụ trên vùng biển Tây Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng cũng đang tiếp diễn phức tạp. Ngư dân Hoàng Hải Dương, xã Khánh Hội, huyện U Minh chia sẻ, hành nghề mực ốc đã nhiều năm nay, không ít lần bị trộm lưới ốc trong quá trình đánh bắt.

“Mỗi lần bị trộm là mất vài chục triệu. Ngư dân không chỉ thua lỗ ở con nước đánh bắt đó, mà còn ảnh hưởng đến việc đánh bắt nhiều con nước tiếp theo, bởi phải dành thời gian tìm mua, làm lại lưới ốc”, ngư dân Hoàng Hải Dương nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ngư dân Nhan Tấn Ba cho biết, đã có nhiều ngư dân hành nghề bẫy mực ốc phải bán tàu, chuyển đổi nghề khác do nhiều lần ra khơi bị đánh cắp ốc mực với số lượng lớn.

“Sau khi bị mất trộm lưới ốc, một số ngư dân đã báo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Tuy nhiên do việc mất trộm diễn ra trên biển nên công tác điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn, số đối tượng trộm cắp bị bắt được rất ít.

Hiện tại, để hạn chế nguy cơ bị mất lưới trong quá trình đánh bắt, chỉ còn cách thuê thêm người đi biển, phân chia lực lượng canh giữ trong suốt quá trình thả lưới ốc xuống biển qua đêm. Tuy nhiên, hiện nay việc tìm đủ người đối với nhiều tàu hành nghề bẫy mực ốc cũng đang là bài toán nan giải”, ngư dân Nhan Tấn Ba cho biết.

Cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời nơi tập trung đông phương tiện khai thác thủy sản.

Cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời nơi tập trung đông phương tiện khai thác thủy sản.

Tăng cường sự hiện diện trên vùng biển

Trước tình hình an ninh trật tự trên vùng biển diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, phụ trách Chi cục Kiểm ngư Cà Mau cho biết: Đơn vị cũng đã có chương trình phối hợp với lực lượng kiểm ngư tỉnh Kiên Giang, cảnh sát biển, biên phòng cùng một số lực lượng khác duy trì sự hiện diện, thường xuyên tuần tra, kiểm soát hoạt động trên vùng biển do tỉnh quản lý.

“Chi cục Kiểm ngư tỉnh Cà Mau chỉ vừa mới thành lập, lực lượng còn mỏng, trang thiết bị còn hạn chế, trong điều kiện thời tiết trên biển diễn biến bất thường, cộng thêm đặc thù nghề biển, các vụ việc xảy ra cách đất liền nên việc ngăn chặn, xử lý còn gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Việt Triều cho biết thêm.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, tính từ tháng 11/2023 đến nay, trên địa bàn đã có hơn 10 vụ tàu cá của ngư dân bị tấn công bằng bom xăng, ná thun, súng đạn chì... khi hoạt động trên vùng biển. Qua đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của ngư dân và gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Phương tiện khai thác thủy sản hoạt động trên vùng biển Cà Mau.

Phương tiện khai thác thủy sản hoạt động trên vùng biển Cà Mau.

Để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân, giúp ngư dân an tâm bám biển, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Công an tỉnh Cà Mau chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện và các ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo, đối với các trường hợp đã rõ đối tượng và hành vi, khẩn trương đưa ra xét xử theo quy định; đồng thời tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định, không để phát sinh điểm nóng.

Gần đây nhất, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau cũng đã có quyết định khởi tố vụ 3 tàu cá của ngư dân Kiên Giang bị tấn công trên vùng biển Cà Mau để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển với bờ biển dài 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước, diện tích vùng biển rộng trên 70.000km2, nằm ở vị trí trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á. Hiện tại, ngoài phương tiện khai thác thủy sản của tỉnh khoảng 4.500 chiếc, còn có rất nhiều phương tiện khai thác thủy sản của các tỉnh lân cận khu vực ĐBSCL hoạt động trên vùng biển do tỉnh quản lý. Các phương tiện khai thác chủ yếu tập trung neo đậu tại các cửa biển lớn như: Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Khánh Hội (huyện U Minh), Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) và Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển). Trung bình hàng năm sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt khoảng 230 nghìn tấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ