‘Nóng’ vấn đề PCCC tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp

GD&TĐ - Một số quy định 'cứng nhắc' về phòng cháy chữa cháy (PCCC) khiến nhiều doanh nghiệp bị đình chỉ, đóng cửa, người lao động mất việc làm hàng loạt…

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh: NT).
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh: NT).

Ngày 31/3, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Hội nghị thu hút hơn 300 lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội và khoảng 100 cán bộ các sở ngành, huyện thị tham gia.

Tại hội nghị, vấn đề PCCC là vấn đề ‘nóng’ được quan tâm.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa cho biết, hiện nay, Nhà nước áp dụng các tiêu chuẩn mới về thẩm duyệt và nghiệm thu công trình PCCC trong doanh nghiệp. Trong khi, hầu hết các nhà máy, công xưởng dệt may trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng nhiều năm, chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn về PCCC theo quy định của pháp luật hiện hành. Dẫn đến tình trạng nhiều DN dệt may và da giày bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính về công tác PCCC và đình chỉ hoạt động.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: NT).
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: NT).

Trước những khó khăn trên, nguy cơ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của hàng vạn lao động, ông Trịnh Xuân Lâm đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, kiến nghị với Chính phủ có phương án tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và da giày vượt qua khó khăn và từng bước thực hiện lộ trình hoàn chỉnh hệ thống PCCC đáp ứng yêu cầu của pháp luật.

Theo ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá, tiêu chuẩn quy định về PCCC quá cao khiến nhiều doanh nghiệp bị đình chỉ, đóng cửa, người lao động mất việc làm hàng loạt, kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội.

Đồng tình quan điểm, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI Thanh Hoá, cho biết, tỉnh Thanh Hoá hiện có hơn 20.000 doanh nghiệp lớn nhỏ, song không nhiều nhà máy, xí nghiệp đáp ứng quy định phòng cháy chữa cháy mới như hiện hành.

Lãnh đạo UBND tỉnh tham gia cuộc gặp gỡ doanh nghiệp. (Ảnh: NT).
Lãnh đạo UBND tỉnh tham gia cuộc gặp gỡ doanh nghiệp. (Ảnh: NT).

Theo khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện có đến 85% nhà nghỉ, khách sạn không đủ quy định phòng cháy chữa cháy, nếu áp tiêu chí mới thì không thể thu hút khách du lịch.

Ông Cao Tiến Đoan kiến nghị, ngành công an cần có giải pháp hỗ trợ cụ thể như, với những dự án công trình mới, yêu cầu doanh nghiệp buộc phải tuân thủ, nếu không chấp hành đúng sẽ xử phạt nặng, đóng cửa hoạt động.

Còn các cơ sở kinh doanh đang hoạt động như nhà hàng, khách sạn tại những điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, cần tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp bổ sung, nâng cấp, sửa chữa, giãn thời gian hoàn thành các hạng mục phòng cháy chữa cháy.

Chia sẻ tại hội nghị, đại tá Lê Như Lập - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện tại toàn tỉnh có khoảng hơn 35.000 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Trong đó, có hơn 6.000 cơ sở do cơ quan Công an quản lý, gần 29.000 cơ sở do UBND cấp xã quản lý.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh: NT).

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh: NT).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 211 trường hợp cơ sở vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về PCCC thuộc đối tượng bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động (Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga có 107 trường hợp, chiếm trên 50%).

Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, việc tổ chức khắc phục bảo đảm yêu cầu về PCCC của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp còn hạn chế, việc xử lý là cần thiết để chấn chỉnh ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC.

Về kiến nghị xem xét cho doanh nghiệp vẫn được hoạt động kinh doanh khi chưa nghiệm thu về PCCC, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết, việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động để cơ sở khắc phục, đảm bảo an toàn về PCCC cũng là để đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng cho chủ doanh nghiệp và người lao động. Do đó, căn cứ quy định của Luật PCCC, việc xử lý của lực lượng Công an là đúng theo quy định của pháp luật hiện hành cũng như quy định của pháp luật trở về trước…

Cũng trong nội dung giải trình, Đại tá Lê Như Lập khẳng định, Công an tỉnh sẽ theo dõi, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp để tham mưu cho UBND tỉnh làm văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy chuẩn, nội dung áp dụng luật PCCC trên cơ sở thực tiễn và hài hòa với sự phát triển của doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cho rằng, công tác kiểm tra, xử lý của công an là đúng quy định song cần trên tinh thần chia sẻ. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, cứ làm đúng, làm máy móc thì không ổn, phải theo hướng tháo gỡ, đồng hành với doanh nghiệp, không phải cứ nhăm nhăm xử phạt.

Ngoài vấn đề PCCC, nhiều đại biểu nêu ý kiến đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, giá cả đất đá leo thang, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hay đề xuất giảm thủ tục hành chính trong công tác giải phóng mặt bằng, cấp phép mỏ vật liệu xây dựng...

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có những chỉ đạo cụ thể riêng với từng nhóm lĩnh vực. Trong đó, chỉ đạo Công an tỉnh ban hành ngay công văn hướng dẫn địa chỉ truy cập các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về PCCC gửi tới các hội, hiệp hội doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đề nghị doanh nghiệp có kiến nghị tiếp tục gửi bằng văn bản đến các tổ thư ký, UBND tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp bảo đảm quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển bền vững, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.