Nóng trong tuần: Thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục; rà soát công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục; tích cực kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2022; một số trường đại học, địa phương bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển/điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10… là những nội dung giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Giáo dục Vương quốc Anh Nadhim Zahawi.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Giáo dục Vương quốc Anh Nadhim Zahawi.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary, chiều 27/6 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Budapest, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hungary.

Tại Diễn đàn, đại diện các trường đại học của Việt Nam và Hungary đã tham luận, trao đổi một số chủ đề như: Chuyển đổi số trong giáo dục đại học; Hợp tác trong y dược giữa Việt Nam và Hungary; đổi mới và số hóa; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các trường đại học Hungary…

Phát biểu đánh giá cao các ý kiến trao đổi của các trường đại học 2 bên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các ý kiến đều khẳng định tinh thần sẵn sàng và mong muốn hợp tác, cho thấy những cơ hội, định hướng hợp tác rộng mở trong thời gian sắp tới, tập trung vào một số lĩnh vực về y học, dược học, khoa học cơ bản, khoa học nông nghiệp, chuyển đổi số, về trao đổi giảng viên và trao đổi sinh viên… Bộ trưởng tin tưởng, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa hai nước sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Hungary, sáng 28/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với ngài Janos Csak, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Đổi mới Hungary, về việc tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ vui mừng khi quan hệ hợp tác giáo dục Việt Nam - Hungary ngày càng phát triển, đồng thời gửi lời cảm ơn Chính phủ Hungary đã tạo điều kiện, cung cấp học bổng cho cán bộ, sinh viên Việt Nam sang học tập tại những trường đại học danh tiếng của Hungary.

Chia sẻ về một số nội dung phía Việt Nam mong muốn tiếp tục có thêm sự hợp tác theo chiều rộng và chiều sâu với Hungary, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tới việc mở rộng thêm các chương trình đào tạo, hợp tác và trao đổi sinh viên giữa hai nước. Theo Bộ trưởng, lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác đào tạo trong thời gian tới là y dược, tiếp đó là công nghệ nông nghiệp.

Bộ trưởng cũng đề nghị phía bạn mở thêm chương trình đào tạo tiếng Hungary tại Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của Hungary. “Đó sẽ là yếu tố quan trọng để hợp tác giáo dục hai nước bền vững, phát triển lâu dài”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Tiếp đến, ngày 29/6, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc hội đàm song phương với Bộ trưởng Giáo dục Vương quốc Anh, ông Nadhim Zahawi.

Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng vui mừng thông báo cho nhau những kết quả hợp tác chung và kết quả hợp tác ngày càng hiệu quả, bền chặt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa hai nước trong giai đoạn vừa qua, cũng như triển vọng hợp tác trong thời gian tới.

Hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi một số nội dung cụ thể hai bên cùng quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới như: hợp tác đào tạo đại học, sau đại học, trao đổi sinh viên, giảng viên; dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam; chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo…

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm việc với Ban chỉ đạo thi quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm việc với Ban chỉ đạo thi quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT nhiều tỉnh/thành

Tuần vừa qua, các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT nhiều địa phương.

Cụ thể: Đoàn công tác số 1 do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 - làm trưởng đoàn đã kiểm tra trực tiếp công tác chuẩn bị thi tại các tỉnh/thành: Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Nam Định trong các ngày từ 28/6 đến 1/7.

Đoàn công tác số 5 do Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn đã kiểm tra trực tiếp công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương: Lai Châu, Phú Thọ, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn từ ngày 26/6 đến 1/7. Ngoài ra, đoàn công tác cũng kiểm tra trực tuyến công tác chuẩn bị Kỳ thi với các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang trong ngày 2/7.

Đoàn kiểm tra số 3 của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trong các ngày từ 28/6 đến 30/6.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu đoàn công tác số 2 của Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các tỉnh/thành: Cần Thơ, Vĩnh Long.

Ngày 30/6, đoàn kiểm tra số 4 của Ban Chỉ đạo quốc gia do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh Đắk Lắk.

Ảnh minh họa/ITN

Ảnh minh họa/ITN

Công bố điểm chuẩn đại học, điểm chuẩn vào lớp 10

Một số trường đại học đã công bố điểm chuẩn trong tuần qua như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn…

Theo kết quả mà Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) công bố, phương thức xét điểm thi Đánh giá năng lực lần đầu tiên có ngành điểm chuẩn trên 1.000 (thang điểm 1.200). Cụ thể, ngành Khoa học Máy tính (Chương trình Tiên tiến) có điểm chuẩn cao nhất với 1.001 điểm.

Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), mức điểm trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM năm 2022 vào trường dao động từ 800-940 điểm.

Trường ĐH Sài Gòn, ngưỡng điểm xét tuyển theo phương thức điểm thi Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM vào trường là từ 650-750 điểm (theo thang điểm 1.200)…

Trong tuần, một số địa phương cũng đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10, như: An Giang, Hải Dương, Ninh Bình. Nam Định công bố mức điểm chuẩn dự kiến đợt 1 vào lớp 10 THPT công lập hệ không chuyên. Thái Bình công bố điểm chuẩn xét tuyển đợt 2 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023.

Đây cũng là thời gian các địa phương bắt đầu tuyển sinh đầu cấp với lớp 1, lớp 6. Như Hà Nội, trong ngày 1/7, Thành phố đã chính thức mở cổng đăng ký tuyển sinh trực tuyến cho trẻ vào lớp 1 năm học 2022-2023. Các nhà trường đã có sự chuẩn bị, sẵn sàng hỗ trợ và tiếp nhận hồ sơ nếu đủ điều kiện để tiết giảm thời gian đi lại cho phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.