Nông dân Toả Tình thi đua sản xuất

GD&TĐ - Những năm qua, Hội Nông dân xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo đã không ngừng vận động hội viên thi đua sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Chị Hà chăm sóc vườn bí.
Chị Hà chăm sóc vườn bí.

Đoàn kết giúp nhau thoát nghèo...

Hội Nông dân xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) hiện có 444 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 7 chi hội. Hàng năm, Hội đã tổ chức phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo và làm giàu chính đáng đến các chi hội và hội viên nông dân. Hội đã Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên của địa phương và các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư duy, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, xã có 1 hộ đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện; 10 hộ đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã.

Bà Mùa Thị Mai - Chủ tịch Hội Nông dân xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo, cho biết: “Để giúp các hộ nông dân có điều kiện để phát triển kinh tế, Hội nông dân xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; tạo hành lang pháp lý để hội viên tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của nhà nước. Từ đó đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế như: Trồng cà phê, lê, dưa mèo và chăn nuôi lợn, dúi… mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập”.

Qua thời gian triển khai phong trào, hội viên nông dân ở xã Toả Tình được tiếp thu những kiến thức mới, học tập từ các mô hình kinh tế và tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Cũng nhờ đó mà đã khai thác hiệu quả đất đai, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện mức sống cho gia đình.

Từ hướng đi mới này mà trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi. Có thể kể đến như gia đình hội viên Mùa A Lầu, bản Hua Sa B.

toa-tinh-1.jpg
Ông Mùa A Lầu chăm sóc vườn cà phê.

Trước đây, gia đình ông Lầu trồng ngô và lúa nương là chủ yếu, năng suất thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, xã, từ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tuần Giáo, năm 2017, gia đình ông đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để chuyển đổi cây trồng. Có vốn, gia đình đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô và lúa nương kém hiệu quả sang trồng 3ha cây cà phê và trồng mới thêm 1ha cây cà phê vào năm nay.

“Năm 2023, gia đình tôi đầu tư mua máy chế biến cà phê, thu mua cà phê tươi của bà con nông dân để sấy khô bán ra thành phẩm, trừ chi phí lãi hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi mua ô tô để chở thuê nông sản cho bà con nông dân. Hiện tôi cũng đang thí điểm mô hình nuôi dúi với hơn 10 con dúi đang phát triển tốt, chuẩn bị bán ra thị trường. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình thu nhập trên 300 triệu đồng”, ông Lầu chia sẻ.

Dám nghĩ, dám làm...

Còn gia đình hội viên Mùa A Của, bản Hua Sa A lại chọn mô hình chăn nuôi lợn và trồng cà phê để phát triển kinh tế. Cuối năm 2023, gia đình ông Của nuôi 70 con lợn thịt, xuất bán ra thị trường trên 6 tấn lợn, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 35 triệu đồng/năm.

Năm 2024, gia đình ông tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi lợn. Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình ông trồng thêm 3 ha cà phê, mỗi năm thu nhập từ cà phê hơn 150 triệu đồng. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, hàng năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng. Có tiền, gia đình ông đã mua ô tô phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình.

toa-tinh.jpg
Từ việc chăn nuôi lợn mà hội viên Mùa A Của đã cải thiện thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế.

Năm 2019, với số tiền 80 triệu đồng được vay từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình hội viên Giàng Thị Hà, bản Hua Sa A đã đầu tư trồng cà phê, trồng lê và dưa mèo. Chị Hà cho biết: “Hiện gia đình tôi có hơn 2 ha cây cà phê; 120 cây Lê; 1 ha dưa mèo. Tổng thu nhập từ cà phê và dưa mèo của gia đình đạt hơn 150 triệu đồng/năm. Thu nhập ổn định nên tôi có điều kiện chăm lo cho con và bố mẹ già”.

Ngoài ra, Hội Nông dân xã Tỏa Tình còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 82 hội viên vay vốn với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất.

Nhìn chung các hộ sau khi vay đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ vậy, những hội viên có hoàn cảnh khó khăn có thêm vốn để mở rộng chăn nuôi, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Từ kết quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân xã Toả Tình đã tập trung nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao như: Trồng cà phê, trồng lê, chăn nuôi lợn và nuôi dúi….

Ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuần Giáo thông tin: “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn đã trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, hội viên nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm. Hội viên đã sử dụng lao động, nguồn vốn vay một cách hợp lý, hiệu quả; sáng tạo trong vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững".

Để phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân xã Toả Tình tập trung đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế, giúp hội viên xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ