Nông dân bỏ đất, xây nhà trọ cho thuê

GD&TĐ - Nắm bắt nhu cầu về nhà ở của công nhân ở tại các khu công nghiệp làm việc xa nhà, nhiều hộ dân lân cận đã mạnh dạn đầu tư cả tỉ đồng xây phòng trọ cho thuê. Loại hình dịch vụ này đang gia tăng, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người nông dân, vốn bấy lâu nay chỉ quen với công việc đồng áng và chăn nuôi.

Nhiều gia đình công nhân sống trong phòng trọ chật hẹp
Nhiều gia đình công nhân sống trong phòng trọ chật hẹp

Thu nhập cao

Nhiều vùng quê thuần nông bao đời nay chợt bừng tỉnh giấc bởi sự hiện diện của các khu công nghiệp, khu chế xuất. Người nông dân quanh năm quen với cây lúa, cây khoai, chăn nuôi lợn, gà nay bỏ việc, đi làm công nhân bởi thu nhập cao hơn. Mỗi khu công nghiệp có hàng nghìn công nhân nhưng đa số phải thuê trọ bên ngoài. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều lão nông đã mạnh dạn đầu tư tiền tỉ xây nhà trọ cho thuê, đem lại nguồn thu nhập từ 50 - 60 triệu/tháng.

Từ ngày khu công nghiệp Bình Lục (Hà Nam) đóng đô tại xã Trung Lương, nhiều gia đình nông dân quanh vùng thoát được nghèo, có của ăn, của để, thậm chí giàu lên từ cho thuê nhà trọ.

Hai anh em ông Dương – Lương có lẽ là những gia đình đầu tiên ở Duy Dương, Trung Lương, Bình Lục làm nhà cho công nhân trọ. Với diện tích gần 500m2 đất ở, ông Lương làm 20 phòng trọ cấp 4 cho công nhân may và làm đồ chơi thuê. Mỗi tháng, ông cũng kiếm hơn 10 triệu đồng. Còn ông Dương, sau khi khánh thành căn nhà 3 tầng đã cho người Trung Quốc làm việc ở nhà máy sản xuất thép thuê với giá 10 triệu đồng/tháng.

Khoảng 2 tháng nữa vợ chồng chị Thu Quỳnh cũng hoàn thiện ngôi nhà 3 tầng, ngay dốc Cầu Họ, với tổng diện tích sử dụng gần 700m2. “Căn nhà có mặt tiền 8m dọc quốc lộ, mặt bên chạy dài hơn 20m bám trục đường vào làng nên rất thoáng và có vị trí đẹp. Hai vợ chồng tôi đã nhận đặt cọc cho một xưởng may thuê toàn bộ tầng 1, giá 20 triệu đồng/tháng. Còn lại tầng hai, tầng 3 chia thành 20 phòng trọ khép kín, điện, nước riêng cho thuê với giá 1,2 triệu đồng/tháng/phòng. Đất làm nhà là của bố mẹ chồng cho, nếu làm ăn suôn sẻ, khoảng 2 năm là gia đình tôi sẽ thu hồi được vốn” - chị Quỳnh cho biết.

Bắc Ninh cũng là địa phương thu hút đông các khu công nghiệp. Công nhân đến từ khắp các tỉnh như Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang… Chính vì thế, dịch vụ xây nhà trọ cho công nhân thuê cũng trở nên sôi động trong những năm qua. Nhà ít thì có 4 - 5 phòng. Nhà nhiều tới dăm chục phòng trọ. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Long ở Võ Cường, Yên Sơn, thành phố Bắc Ninh năm ngoái cũng đầu tư gần 1 tỉ xây nhà cho công nhân Samsung thuê, giá 1 triệu đồng/tháng/phòng. Nhờ nguồn tiền thu nhập ổn định này, vợ chồng anh Long nuôi được hai con ăn học ngoài Hà Nội, thậm chí còn có tiền để dành phòng khi tuổi già.

Nhưng cũng nhiều phiền toái

Các khu công nghiệp và chế xuất mọc lên khắp các tỉnh thành đã giải quyết một phần vấn đề nông nhàn. Nông dân làm công nhân thu nhập từ 4 - 10 triệu/tháng, bằng số tiền cấy lúa và chăn nuôi cả năm mới có được. Người nhiều tuổi hơn, vào nấu ăn bữa trưa cho công nhân. Cũng có gia đình trồng rau, nuôi lợn, gà để cung cấp thực phẩm cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một nguồn lợi nhuận từ dăm bảy triệu đến 50, 60 triệu đồng mỗi tháng từ nhà trọ đã khiến nhiều nhà nông đổi đời, giàu có nhanh chóng. Thế nhưng, đằng sau cũng có không ít phiền toái.

Theo quy luật, có cung, ắt có cầu và nảy sinh cạnh tranh. Vì lẽ đó, khi thấy hàng xóm xây nhà cho công nhân thuê đem lại thu nhập cao, nhiều nhà lân cận cũng vay mượn, cố công đầu tư. Kết quả, nhà nọ cạnh tranh nhà kia, khiến nhà thuê rớt giá, thậm chí bỏ hoang. Như vợ chồng anh Long, mấy tháng đầu cho thuê được giá (1,8 triệu đồng/phòng khép kín 22m2), sau do xung quanh có thêm nhiều nhà trọ, đành phải hạ giá cho thuê xuống còn 1,2 triệu đồng/phòng. Những nhà trọ cao tầng khang trang, sạch sẽ ra đời không những làm giảm giá mà khiến cho những phòng trọ cấp 4 thưa thớt người thuê, thậm chí phải bỏ hoang, nhất là mùa hè nóng nực.

Chẳng may nếu khu công nghiệp gây ô nhiễm, phải đóng cửa hoặc di dời đi nơi khác, nhiều chủ nhà trọ sẽ gặp phiền toái. Vợ chồng ông Dương (Hà Nam), kể từ ngày nhà máy sản xuất thép do nước thải gây ô nhiễm, bị người dân khiếu kiện, phải đóng cửa, chuyên gia Trung Quốc chuyển về Thanh Hóa làm việc, ngôi nhà 3 tầng của vợ chồng ông Dương chẳng có ai thuê. Nếu chia nhỏ thành nhiều phòng cho thuê thì phải thay đổi kết cấu toàn nhà, để như cũ thì công nhân không đủ tiền thuê. Đã vậy, đầu tư xây nhà mất hơn một tỉ đồng, nhưng mới cho thuê được vài năm, tiền thu về tính ra chưa bằng nửa non tổng chi phí ban đầu.

Do nhu cầu sản xuất giảm, người dân Yên Trung (Bắc Ninh) đang đối mặt với cảnh nhà trọ ế ẩm, rớt giá. Lúc cao điểm, để đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 20.000 công nhân, có hơn 1.000 hộ dân đầu tư xây dựng phòng trọ. Nhà ít thì 4 - 5 phòng, nhiều lên tới 50 - 70 phòng. Nhiều gia đình đầu tư hàng chục tỉ đồng xây nhà cho thuê với giá 1,5 – 2,2 triệu đồng/tháng/phòng. Những tháng gần đây, số phòng thuê bỏ trống chiếm khoảng 30% - 60%, dù giá phòng đã giảm 40 - 50%.

“Những năm qua, Bình Lục (Hà Nam) trở thành một huyện thu hút nhiều khu công nghiệp. Đứng ở góc độ an ninh trật tự, việc xây nhà cho công nhân thuê trọ tuy đem lại cho nông nhân một nguồn thu nhập không nhỏ nhưng vấn đề quản lý sẽ rất phức tạp. Công nhân thuê trọ đến từ nhiều tỉnh thành, làm việc ở nhiều nhà máy, xí nghiệp. Họ có lối sống, tính cách khác nhau nên dễ va chạm, xích mích trong cuộc sống. Đấy là chưa kể chẳng may trong xóm trọ ai đó có tính gian, ăn trộm vặt hoặc có mối quan hệ phức tạp, sống không lành mạnh, rượu chè, cờ bạc thì càng gây khó cho người dân cũng như chính quyền”, anh Nguyễn Ngọc Trìu, cán bộ UBND huyện Bình Lục cho biết.

Rõ ràng, xây nhà trọ cho công nhân thuê đem lại nguồn lợi nhuận cao cho nhà nông nhưng cũng rất dễ đem lại những rủi ro, nếu các lão nông chạy theo phong trào số đông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.