Người dân thành phố Zarzis đưa tử thi những người di cư tới một bãi rác cách thành phố 8 km để chôn. Ảnh: Gianni Cipriano |
Thi thể của những người di cư xấu số dạt lên bờ biển thuộc thành phố Zarzis, Tunisia trong nhiều năm qua. Nhưng khi những cuộc xung đột ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung bùng nổ, cùng với sự bất ổn về xã hội và kinh tế ở châu Phi, số lượng tử thi dạt vào bờ biển tăng vọt, Daily Mail đưa tin.
Một bãi rác ở Zarzis là nơi những người di cư không may mắn yên nghỉ. Họ là một phần trong số hàng trăm nghìn người vượt biển Địa Trung Hải trong năm nay để tới châu Âu. Phần lớn người di cư là công dân Syria, Iraq và Afghanistan. Họ rời quê hương vì bạo lực và sự nghèo đói.
Mỗi khi phát hiện xác người trên bãi biển, dân địa phương lại gọi Eric Reidy, một bác sĩ. Theo Reidy, mặc dù cảnh sát địa phương luôn viết báo cáo mỗi khi tử thi dạt vào bãi biển, họ chỉ ghi 3 thông tin: nguyên nhân tử vong, thời gian tử vong, có dấu hiệu của bạo lực hay không.
Sau khi cảnh sát khám nghiệm tử thi, dân theo đạo Hồi ở địa phương mang những người xấu số tới một bãi rác cách thành phố 8 km. Họ không muốn chôn người di cư trong nghĩa trang của thành phố, bởi không biết tôn giáo. Ngoài ra nhà xác của thành phố chỉ có thể chứa tối đa 6 người, trong khi thỉnh thoảng số lượng xác dạt vào bờ biển lên tới 30.
Hơn 600.000 người rời quê hương để vượt biển tới châu Âu từ đầu năm tới nay. Hơn 3.000 người trong số họ thiệt mạng trong hành trình. Ảnh: AP |
Dân địa phương đưa các tử thi lên những xe tải chở rác rồi ném họ xuống hố lớn, tạo thành mộ tập thể. Nhiều mộ chứa tới hơn 10 thi thể.
"Họ chỉ đào rồi đặt thi thể xuống đất", Mohammed Trabelsi, một người tình nguyện thuộc Tổ chức Chữ thập đỏ Tunisia, nói với bác sĩ Reidy.
Do báo cáo của cảnh sát không cung cấp nhiều thông tin về các tử thi và không ai chụp ảnh, thân nhân của người xấu số hầu như không thể xác định danh tính của họ và cũng không thể biết những việc đã xảy ra với xác.
Tổ chức Chữ thập đỏ Tunisia, với sự hỗ trợ của Tổ chức Chữ thập đỏ Quốc tế, đang cố gắng vận động để mỗi người chết yên nghỉ trong một mộ phần riêng.
Họ cũng yêu cầu cảnh sát địa phương ghi thêm nhiều thông tin cụ thể trong báo cáo và khám nghiệm tử thi chu đáo hơn. Tuy nhiên, nguyện vọng của họ vẫn chỉ là ước mơ xa vời.
Theo nhiều báo cáo, hơn 600 nghìn người đã vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu từ đầu năm tới nay. Hơn 2.800 người trong số đó mất mạng sau khi xuất phát từ Libya để tới Italy. 335 người chết sau khi rời Thổ Nhĩ Kỳ để tới Hy Lạp.