Làm đàn ông thì tốt hơn
Suốt thời kỳ lịch sử, phụ nữ ở những vùng núi xa xôi miền Bắc Albania, có rất ít quyền lợi. Họ không được đi bỏ phiếu, không được làm một số công việc nào đó, không được phép mua đất hoặc tham gia các tổ chức. Họ không được thừa kế tài sản, làm kinh doanh hoặc kiếm tiền, hút thuốc đeo đồng hồ hoặc nói lớn tiếng.
Những luật lệ cổ xưa và tập quán xã hội được gọi là Kanun của Leke Dukagjini (một nhà quý tộc sống ở Albania vào thế kỷ 15), đã được truyền miệng trong các thị tộc ở Bắc Albania trên 5 thế kỷ. Hiện luật này vẫn còn ảnh hưởng ở một số vùng.
Theo luật Kanun, phụ nữ là tài sản của những ông chồng. Hôn nhân phải được sắp xếp khi đứa trẻ mới sinh ra hoặc bước vào thời niên thiếu. Một khi người phụ nữ đủ tư cách kết hôn, cô ta sẽ chuyển ra khỏi nhà cha mẹ và ở hẳn bên nhà chồng. Không được rời khỏi nhà, hết lòng chăm sóc chồng và con cái trở thành một nhiệm vụ duy nhất của phụ nữ.
Tư tưởng gia trưởng trong vùng thậm chí còn không cho phép phụ nữ đảm nhiệm vai trò trụ cột của gia đình, khi tất cả đàn ông trong gia đình đó đều đã qua đời.
Nhằm thoát khỏi sự thống trị của hệ thống gia trưởng đè nặng lên cuộc đời, nhiều phụ nữ ở miền núi Albania đã chọn một lối sống của đàn ông, không thể hiện giới tính thật của mình. Nhà nhân chủng học Mildred Dickemann cho biết, các bà mẹ góa bụa không có con trai có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục con gái họ sống cuộc đời của một người đàn ông.
Một bà góa nói với Dickemann rằng, nếu con gái đi lấy chồng, bà sẽ phải sống một mình, nhưng nếu con gái thề làm trinh nữ suốt đời, bà sẽ có một người con trai phụng dưỡng đến cuối đời. Một khi đã được gia đình định hướng, các bé gái sẽ được nuôi dạy ứng xử, ăn mặc như con trai, tổ chức, quán xuyến toàn bộ công việc trong gia đình...
Cái giá phải trả quá đắt
Tuy nhiên, để có đặc quyền như đàn ông, các cô gái phải trả một cái giá khá đắt. Họ phải thề giữ trinh tiết và duy trì sự trong trắng suốt đời - một sự hy sinh mà họ không bao giờ hối tiếc. Những người đã thề thành đàn ông không bao giờ được trở lại thân phận phụ nữ và nếu vi phạm lời thề, họ sẽ bị trừng phạt bằng cái chết.
Theo các nhà sử học, trinh nữ thề nguyền ra đời từ sự cần thiết của xã hội. Nếu người chủ gia đình chết và không có con trai nối dõi, thừa kế, một phụ nữ độc thân trong gia đình có thể đảm nhiệm vai trò của đàn ông và đứng đầu gia đình.
Cô ta phải tuyên thệ trước 12 người làng hay những bô lão của bộ lạc, chấp nhận cuộc sống độc thân và từ ngày đó, cô trở thành một người đàn ông. Cô mặc quần ống rộng, sở hữu đất đai, làm công việc của đàn ông và có mọi quyền lợi và đặc quyền của giới nam.
Theo thời gian, phụ nữ trở thành đàn ông vì những lý do khác nữa. Một số thề nguyền để tránh một cuộc hôn nhân sắp xếp mà không làm bẽ mặt gia đình chú rể được chọn. Những người khác thề nguyền để biểu lộ sự thách thức và ước ao một cuộc sống độc lập.
Trong khi các trinh nữ thề nguyền có thể không bao giờ trải qua những thú vị thuộc về nữ tính, có một người bạn đời để nương dựa hoặc được chăm sóc những đứa con thì sự thôi thúc của tự do, thoát khỏi sự đàn áp, lao động tay chân không ngơi nghỉ, phục tùng đàn ông… cũng đủ khiến cho họ sẵn sàng thề nguyện. Phần lớn những trinh nữ biến thành đàn ông đều cảm thấy rất tự hào về số phận của họ và không hề hối hận vì đã lập lời thề.
Không ai biết đây là một cô gái |
Trong vài thập niên qua, Albania đã có những tiến bộ đáng kể về quyền lợi của phụ nữ nhưng nhiều khu vực ở miền núi phía Bắc đất nước, lối sống hiện đại vẫn chưa tới. Người ta ước tính chỉ còn không tới 100 trinh nữ thề nguyền như vậy. Khi lối sống hiện đại đã đi vào những vùng nông thôn Albania, truyền thống này cũng sẽ dần biến mất.