Năm 2017, Hà Nội có 130 trường được kiểm tra thẩm định công nhận đạt trường chuẩn quốc gia (CQG), đạt 162,5% kế hoạch được giao. Số trường đến hạn công nhận lại là 205 trường, ngành GD-ĐT đã kiểm tra thẩm định công nhận lại 127 trường.
Trong năm 2018, Thành phố giao xây dựng mới 80 trường CQG, công nhận lại 189 trường CQG. Số trường chưa hoàn thành công nhận lại năm 2017 được chuyển sang năm 2018 là 78 trường.
Một số tồn tại trong quá trình thực hiện công tác xây dựng trường CQG phải kể đến đó là kinh phí cho đầu tư công trong năm 2017 tiếp tục khó khăn. Trong đó, các huyện ngoại thành gặp khó khăn hơn. Nhiều huyện vừa phải lo đầu tư cho trường công nhận mới, trong khi tiếp tục củng cố đầu tư để công nhận lại trường đạt CQG.
Còn các quận nội thành lại gặp khó khăn về quỹ đất để mở rộng trường do số học sinh tăng. Các trường trong kế hoạch 2017, hầu hết có dự án đầu tư về cơ sở vật chất và các trang thiết bị nên kế hoạch kiểm tra, thẩm định thường tập trung vào các tháng cuối năm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng trường CQG.
Ông Ngô Văn Quý- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, việc xây dựng trường CQG là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Kết quả khả quan mà ngành GD&ĐT Thủ đô đã đạt được thời gian qua là điều kiện thuận lợi để hoàn thành chỉ tiêu 70% trường mầm non và phổ thông công lập đạt CQG từ nay đến năm 2020.
Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu này, cần phải có các biện pháp tổng thể để xây dựng mục tiêu, lộ trình xây dựng trường CQG cụ thể đến năm 2020. Ưu tiên quan tâm đến các điều kiện về cơ sở vật chất; cân đối nguồn lực theo phân cấp, rà soát quỹ đất...
Theo ông Chử Xuân Dũng-Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2017 là năm thứ 2 của kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020, toàn ngành GD&ĐT tiếp tục nỗ lực hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ các trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia của TP đạt 70%.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT đề nghị các địa phương đầu tư kinh phí giải quyết dứt điểm trường công nhận lại, rồi thực hiện đầu tư xây dựng trường công nhận mới. Các quận trung tâm cần bổ sung quỹ đất để mở rộng trường hoặc tách trường và giải pháp nâng tầng để bổ sung phòng học.
Sở cũng đề xuất UBND thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng kinh phí xây dựng trường đạt CQG cấp THPT, hỗ trợ kinh phí cho 2 huyện có tỷ lệ trường đạt CQG thấp là Phú Xuyên, Ba Vì.
Đồng thời rà soát quỹ đất công để bổ sung quỹ đất và giải pháp nâng tầng cho các trường thuộc quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm.