Nỗi oan của chàng tù nhân da đỏ

GD&TĐ - Santiago Ventura Morales, người bộ tộc Mixtec, Mexico, vô cớ bị bắt và kết án vì tội giết người năm 18 tuổi.

Người Mixtec thường tránh nhìn thẳng vào mắt người lớn tuổi.
Người Mixtec thường tránh nhìn thẳng vào mắt người lớn tuổi.

Nhờ sự giúp đỡ của những người Mỹ chuộng hòa bình, Ventura đã được chứng minh trong sạch sau 5 năm ngồi tù.

Án mạng trong đêm tối

Ngày 13/7/1986, tại thị trấn Sandy, bang Oregon, Mỹ, địa phương nổi tiếng với các cánh đồng dâu tây, khoảng 100 công nhân làm thuê người Mexico nhập cư tụ tập tổ chức lễ sinh nhật. Họ liên tục nhảy múa, ca hát và uống bia không ngừng. Khi đã ngà ngà say, nhóm thanh niên nổ ra tranh cãi dẫn đến ẩu đả.

Do tranh cãi căng thẳng, chàng trai Ramiro Lopez Fidel cùng người bạn Margarito DeJesus Lopez đã nhảy lên chiếc ô tô Chevrolet Monte Carlo và lao thẳng về phía cánh đồng. Theo sau họ là chiếc xe bán tải chở sáu công nhân khác, trong đó có Santiago Ventura Morales, 18 tuổi.

Đến nơi, Ventura cùng nhóm bạn chỉ tìm thấy chiếc xe Monte Carlo màu hạt dẻ bị vứt bên lề đường còn Ramiro và Margarito đều biến mất. Sau một hồi chửi rủa, họ tấn công chiếc xe, rạch lốp xe, dùng súng lục bắn vỡ các ô cửa kính và lấy bình ắc quy. Sau cùng, họ đốt xe và bỏ đi. Cùng lúc đó, cảnh sát địa phương nhận được cuộc gọi báo một chiếc xe bốc cháy ngoài cánh đồng dâu tây nên đã chặn xe của nhóm Ventura và tịch thu súng.

Rạng sáng hôm sau, người dân phát hiện thi thể của Ramiro với 2 nhát đâm vào ngực trong bụi cây gần chiếc Monte Carlo cháy rụi cạnh ruộng dâu tây. Ventura cùng 6 người bạn rơi vào diện tình nghi nên bị cảnh sát bắt, còng tay đưa về văn phòng cảnh sát trưởng quận Clackamas.

Là người thẩm vấn các nghi phạm, Tim Skipper, cảnh sát người Mỹ biết tiếng Tây Ban Nha, khẳng định có thể tìm ra dấu vết phạm tội dù là nhỏ nhất với bất kỳ kẻ tình nghi nào. Còn Ventura lại là nghi phạm duy nhất trong nhóm từ chối nhìn thẳng vào mắt nhà điều tra với bộ dạng run rẩy, mặt mày tái mét. Tim Skipper lập tức bắt giam Ventura với cáo buộc giết người.

Tin tức Ventura giết người đã tạo nên cú sốc lớn trong cộng đồng lao động nhập cư tại thị trấn Sandy. Dù có hành động trộm cắp vặt, Ventura không có tiền án tiền sự, thậm chí chưa từng dính vào các vụ gây rối ở tuổi vị thành niên.

Cao khoảng 1m6, Ventura có dáng hình thấp nhỏ, tóc đen thẳng, khuôn mặt rộng. Suốt 4 năm làm việc tại Mỹ, Ventura dành hầu hết thời gian trên cánh đồng, thậm chí còn ngại đáp lời trêu đùa của thiếu nữ trong vùng.

Ventura là người da đỏ thuộc dân tộc thiểu số Mixtec, sống tại Oaxaca, miền Nam Mexico. Từng là cậu bé hiếu học, Ventura buộc phải bỏ dở việc học vì địa phương chỉ dạy hết chương trình lớp 6. Cậu bé cũng không thể phụ gia đình làm nông nghiệp vì những khu rừng quanh vùng núi Sierra Madre del Sur, nơi bộ tộc Mixtec sinh sống đều bị tàn phá.

Năm 14 tuổi, Ventura rời ngôi làng nghèo, vượt biên sang Mỹ theo chân các nhóm trai làng người Mixtec làm nghề lao động chân tay tại Mỹ. Trong số họ, nhiều người không biết tiếng Anh nhưng sẵn sàng làm những công việc được trả lương thấp nhất, ở trong những mái nhà tạm chỉ để tích cóp tiền gửi về cho gia đình nơi quê nhà.

Tiếng hét kêu oan

Santiago Ventura gây ấn tượng bởi nụ cười hồn nhiên, tươi tắn.
Santiago Ventura gây ấn tượng bởi nụ cười hồn nhiên, tươi tắn.

Trở lại thời điểm bị bắt, phía công tố đưa ra bản thỏa thuận, nếu Ventura nhận tội ngộ sát, anh ta sẽ ngồi tù trong 36 tháng. Tuy nhiên, Ventura một mực từ chối bằng tiếng Mixtec rằng “Tôi không giết ai cả”.

Vụ án được đưa ra xét xử vào tháng 9/1986. Ventura được phép có một phiên dịch viên tiếng Tây Ban Nha. Hai công nhân đi cùng anh ngày hôm đó được mời làm nhân chứng chính trong vụ án. Ban đầu, họ khẳng định chiếc ô tô không có người nhưng sau đó, họ thay đổi lời khai rằng đã chứng kiến Ventura đâm chết nạn nhân.

Tại hiện trường, người ta thu thập được lượng máu đáng kể của nạn nhân do vết đâm từ dao nhưng không tìm thấy dấu vết máu lưu lại trên quần áo hay trên con dao của Ventura. Thời điểm đó, luật sư của Ventura không thể thuyết phục thẩm phán thuê chuyên gia pháp y độc lập để phân tích con dao của Ventura. Do đó, giám định y khoa cho rằng, Ventura đã lau sạch máu sau khi rút con dao ra khỏi người nạn nhân.

Bất chấp những tranh cãi nổ ra giữa phiên tòa, từ đầu đến cuối, Ventura chỉ trưng ra khuôn mặt trống rỗng, vô hồn. Điều này khiến bồi thẩm đoàn có định kiến rằng anh ta coi thường pháp luật và đang cố gắng che giấu tội lỗi.

Sau 10 ngày chất vấn, Ventura bị tuyên án tù chung thân vì tội Giết người. Không nói lên lời, chàng trai nhập cư chỉ biết khóc và hét vang trong Tòa án quận Clackamas. Chứng kiến hình ảnh này, ba trong số 12 bồi thẩm đoàn đã nhận thấy có điều sai lệch và xem xét lại toàn bộ quá trình khởi tố vụ án.

Họ nghi ngờ bồi thẩm đoàn có thể đã đưa ra phán quyết sai lầm với Santiago nên họp bàn để tự mình làm rõ mọi chuyện. Họ đã mời những người bạn thân thiết cùng trong lĩnh vực Tâm lý học tội phạm và Điều tra đến trò chuyện, chia sẻ để cùng tháo gỡ vấn đề. Trong nhóm khách mời có bà Donna Slepack, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Antioch, Mỹ.

Xúc động khi nghe bồi thẩm đoàn miêu tả cảnh Ventura không nói gì, chỉ biết hét lên sau khi nhận phán quyết của tòa án, bà Donna ngỏ ý muốn được gặp chàng trai trẻ để tìm hiểu mọi chuyện. Khi bà Donna được giới thiệu đến trò chuyện với Ventura vào tháng 10/1986, chàng trai vẫn đang chờ bị kết án.

Biết Ventura không nói được tiếng Anh, bà Donna đã đồng ý dành vài giờ mỗi tuần để dạy chàng trai nhập cư ngôn ngữ này. Bà bị ấn tượng bởi vẻ mặt tươi tắn, hồn nhiên của kẻ sát nhân đang chờ thi hành án.

Đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, bà Donna đến dạy học cho Ventura năm tiếng đồng hồ. Bà thường mang thêm quà, quần áo và những cuốn sách. Bắt đầu bằng việc để Ventura khóc trên vai mình như đứa con trai nhỏ, bà Donna dần dần dạy chàng trai tiếng Anh.

“Cậu bé là học sinh giỏi nhất mà tôi từng dạy”, bà nhận xét.

Khi Ventura biết nói tiếng Anh, việc đầu tiên anh làm là gọi bà Donna là mẹ. Kể lại đêm ở cánh đồng dâu tây, Ventura khẳng định mình vô tội, chỉ cùng bạn bè đập phá ô tô của nạn nhân rồi trở về nhà. Bà Donna đã hỗ trợ Ventura làm đơn kháng cáo nhưng bị từ chối bởi lẽ không đưa ra được bằng chứng chống lại những lời luận tội trong phiên tòa.

Chiến dịch kháng cáo

Các tờ báo địa phương đưa tin về chiến dịch ủng hộ Ventura.
Các tờ báo địa phương đưa tin về chiến dịch ủng hộ Ventura.

Ventura, lúc này bắt đầu thụ án chung thân tại Viện cải huấn bang Oregon, chỉ còn hai con đường. Hoặc thuyết phục thống đốc bang Oregon ân xá, hoặc đệ đơn kiện dân sự xin giảm nhẹ tội sau khi kết án. Cả hai con đường đều không hề đơn giản. Đơn xin giảm nhẹ tội có khả năng thất bại lên đến 99% nhưng bà Donna không bỏ cuộc.

Người phụ nữ mạnh mẽ này đã quyết định chuyển hướng kháng cáo, bắt đầu từ việc lật lại hồ sơ tố tụng năm đó. Cùng lúc này, John Haviland và Lourdes de Leon, hai bồi thẩm đoàn trong phiên tòa khi đó bắt tay tìm hiểu về văn hóa của bộ tộc Mixtec và phát hiện sự khác biệt văn hóa giữa những người Mixtec và người Mỹ.

Trên thực tế, người Mixtec không nói được tiếng Tây Ban Nha. Ventura có thể hiểu được một vài từ tiếng Tây Ban Nha nhưng không thể giao tiếp trơn tru với phiên dịch viên trong phiên tòa. Do đó, phiên dịch viên không thể chuyển ngữ hiệu quả cho bị cáo và 2 nhân chứng.

Ngoài ra, văn hóa của người Mixtec là không bao giờ nhìn thẳng vào mắt người lớn tuổi. Việc này giải thích cho cách cư xử có phần lấm lét của Ventura trong suốt quá trình điều tra và xét xử.

Nắm giữ những bằng chứng quan trọng, bà Donna quyết định khởi động chiến dịch lấy lại sự vô tội cho Ventura. Bà đã viết thư cho hơn 100 bạn bè, là các nhà hoạt động chính trị, nhà lãnh đạo cộng đồng, nhà báo, để tường thuật lại vụ án và những sai sót trong quá trình xét xử.

Chỉ trong vài tuần, các phương tiện truyền thông tại Mỹ đã đưa tin về “chàng trai Mixtec”. Từ đó, nhiều mạnh thường quân, nhà lãnh đạo phong trào đã gửi tiền quyên góp cho chiến dịch minh oan.

Trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch, bà Donna và Ventura vẫn thường xuyên trao đổi thư từ với nhau. Những bức thư từ chàng trai trẻ luôn bắt đầu với dòng chữ “Mẹ yêu dấu”.

Bà Donna cũng tìm được cho Ventura một luật sư nổi tiếng tại bang Oregon, ông DeMuniz. Từ lần đầu tiên nói chuyện với Ventura, luật sư đã bị thuyết phục bởi sự chân thật và lương thiện nên quyết định bào chữa miễn phí.

Nhóm cũng tìm một nhà tội phạm học uy tín để kiểm tra lại con dao và các bằng chứng vật chất khác. Kết luận của cơ quan công tố về việc Ventura đã lau sạch máu trên dao bị xác định là “mâu thuẫn, gây hiểu lầm, không đầy đủ và không chính xác”.

Hai nhân chứng cũng nhanh chóng rút lại cáo buộc và khẳng định lời khai tại tòa do cảnh sát và công tố “cưỡng chế”. Họ cũng gặp rào cản ngôn ngữ trong quá trình tham gia làm chứng.

Quan trọng nhất, luật sư DeMuniz đã tìm thấy một nhân chứng chưa từng đứng ra làm chứng. Pedro Guzman, cũng là một công nhân lao động người Mixtec, kể lại anh đã lái chiếc xe thứ 3 đuổi theo Ramiro Lopez Fidel vào cánh đồng dâu tây.

Trước khi nhóm của Ventura bắt kịp Ramiro, Pedro đã chứng kiến một người đàn ông tên Herminio Luna Hernandez đuổi theo và sát hại Ramiro trong đêm tối. Sau đó, Herminio trở về nhà, thẳng thắn thừa nhận sự việc với vợ và mẹ vợ rồi bỏ trốn.

Ventura ôm chầm lấy “mẹ” Donna sau khi ra tù.
Ventura ôm chầm lấy “mẹ” Donna sau khi ra tù.

Trong khi những người bên ngoài sục sôi tìm lại công lý cho Ventura, trong trại giam Ventura tiếp tục thể hiện sự say mê học tập. Nhờ thông thạo tiếng Anh, Ventura đã lấy bằng tốt nghiệp THPT trong tù sau đó theo học cao đẳng về Triết học, Khoa học, Chính trị và tiếng Thái. Chàng trai chơi guitar và hát trong dàn hợp xướng của nhà thờ.

Khi cả nước hướng sự ủng hộ cho Ventura, phiên điều trần được mở vào tháng 9/1990. Thời gian tố tụng và xét xử lại kéo dài hơn 3 tháng, Ventura trở lại phòng giam đợi phán quyết cuối cùng nhưng anh cảm thấy nhẹ nhõm vì được “mẹ” Donna và nhiều người tin tưởng.

Đến ngày 4/1/1991, thẩm phán quyết định lật ngược bản án, tuyên bố Ventura vô tội. 5 ngày sau, chàng trai nhập cư bước ra khỏi nhà tù trước sự chào đón của hàng trăm người dân ủng hộ. Việc đầu tiên anh làm đó là ôm lấy “mẹ” Donna và bật khóc.

Sau sự việc, Ventura trở về Mexico thăm gia đình và quay lại Oregon vào năm 1992. Nhận học bổng tại Trường Đại học Portland, Ventura tiếp tục học lên đại học và sau đó làm việc tại Trung tâm Luật bang Oregon.

“Tôi muốn viết cuốn sách của riêng mình, kể lại câu chuyện của tôi về những điều đã xảy ra. Và tôi sẽ tự mình làm điều đó”, Ventura xúc động bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ