Dù vậy, số lượng học sinh đăng ký chuyên ngành này ngày càng đông. Theo học đông nhưng lại có rất ít học sinh có thể… tốt nghiệp, ra trường.
Lắm vinh quang…
Múa là một trong những loại hình nghệ thuật sớm nhất của loài người, gắn bó với con người từ thời nguyên thủy. Nghệ thuật múa tham gia vào rất nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng như: Lễ hội, tín ngưỡng… Ở Việt Nam, múa dân gian là loại hình nghệ thuật tồn tại lâu đời nhất trong nghệ thuật múa. Múa dân gian không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo trong đời sống tinh thần, mà còn thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi tộc người.
Có thể thấy, mỗi điệu múa đều xuất phát từ trong lao động, sản xuất, đời sống sinh hoạt xã hội của mỗi cộng đồng dân cư. Do đó, nghệ thuật múa luôn phản ánh một cách trung thực và sinh động nhất óc sáng tạo và những xúc cảm thẩm mỹ của cộng đồng dân cư ấy. Đó cũng là một tấm gương phản chiếu những bản sắc văn hóa tộc người.
Trong xã hội hiện đại, di sản múa dân gian đối với sự phát triển của ngành múa chuyên nghiệp rất quan trọng. Việc kế thừa, phát huy giá trị của múa dân gian ngoài mục đích bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc này còn để tạo nên những tác phẩm hay, đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đào tạo ngành nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc hiện nay ở Nghệ An có Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, là một trường đặc thù đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Đào tạo múa chuyên nghiệp hiện nay ở trường có nhiều hệ: Năng khiếu tuổi nhỏ hệ 6 năm (từ lớp 4 trở đi); hệ trung cấp 3 năm cho học sinh đã tốt nghiệp lớp 9; Hệ trung cấp 2 năm cho học sinh đã tốt nghiệp lớp 12; Hệ trung cấp văn bằng 2 cho người đi làm hoặc đang học một trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Có thể nói, đây là một ngành học đòi hỏi sự khổ luyện và óc sáng tạo không ngừng. Ngoài việc đòi hỏi người học phải hội đủ những tiêu chuẩn khắt khe về hình thể, ngành học này còn đòi hỏi khả năng, năng lực cảm thụ âm nhạc, diễn xuất, cả sự tưởng tượng và nhiều hy sinh cho nghệ thuật. Mỗi ngày, học sinh múa cần tới 4 đến 5 giờ tập luyện, mồ hôi đổ ra trên sàn tập không biết bao nhiêu, việc luyện tập đến tóe máu, trật chân, bong gân là chuyện bình thường đối với học sinh múa.
Đến nay, hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp đều được tiếp nhận về làm việc tại các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở địa phương, nhiều em trở thành diễn viên solit có thể sống được bằng nghề, nhiều em lập ra các trung tâm dạy múa, tham gia các hoạt động tổ chức sự kiện…
Có được những thành quả bước đầu ấy không thể không kể tới công lao đóng góp và tâm huyết của các giáo viên trực tiếp giảng dạy. Nhà trường hiện có 2 giáo viên cơ hữu và 3 giáo viên thỉnh giảng chuyên ngành giảng dạy các bộ môn: Biểu diễn múa dân gian dân tộc, Múa cổ điển châu Âu, Kỹ thuật biểu diễn, Múa hiện đại…
Nhà trường sử dụng giáo trình của Trường Cao đẳng Múa Việt Nam trong giảng dạy và từng bước hoàn thiện tài liệu giảng dạy thông qua các công trình nghiên cứu của giáo viên chuyên ngành múa của trường như Tập bài giảng môn Lịch sử múa, Múa cổ điển châu Âu, Múa dân gian Việt Nam...; các sáng kiến kinh nghiệm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả biên đạo nghệ thuật biểu diễn múa trong chương trình văn nghệ chào mừng phục vụ nhiệm vụ chính trị, lễ hội, nghệ thuật quần chúng ở Nghệ An” và được áp dụng hiệu quả trong thực tế giảng dạy.
Trong thành công của các chương trình nghệ thuật nhà trường, luôn có sự đóng góp không nhỏ của các học sinh chuyên ngành múa của nhà trường. Các tiết mục múa tham gia Hội thi tài năng trẻ các trường Văn hóa Nghệ thuật toàn quốc đạt nhiều giải thưởng cao.
…nhiều trăn trở
Múa là một ngành học đem đến nhiều vinh quang nhưng cũng phải nếm trải rất nhiều những nhọc nhằn, dù vậy, số lượng học sinh đăng ký chuyên ngành này ngày càng đông. Nhưng do số lượng học sinh nam không nhiều nên việc xây dựng những tiết mục cần đông diễn viên và nhiều động tác bê, đỡ gặp không ít khó khăn.
Mặc dù vậy, đội ngũ cô trò chuyên ngành Biểu diễn Múa dân gian dân tộc vẫn không ngừng nỗ lực, miệt mài rèn luyện và cống hiến. Bởi họ hiểu rằng, người giáo viên, đặc biệt là giáo viên chuyên ngành múa, sẽ đem lại cho đời, cho người những cảm xúc thẩm mỹ tinh tế và đời sống tinh thần phong phú cao đẹp.
Đào tạo múa chuyên nghiệp ở Nghệ An hiện nay có 2 cơ sở đào tạo lớn là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An và Nhà Văn hóa Thiếu nhi Việt Đức. Bên cạnh đó, có nhiều trung tâm tuyển sinh đào tạo năng khiếu múa ở thành phố, huyện, thị xã…
Nhiều trường mầm non hiện nay cũng tham gia bồi dưỡng năng khiếu múa cho trẻ. Tuy vậy, đào tạo múa chuyên nghiệp trên địa bàn cho đối tượng học sinh từ lớp 4 trở đi, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An là địa chỉ tin cậy và có chương trình đào tạo bài bản nhất. Rất nhiều học sinh của các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Vinh tham gia, ước mơ trở thành diễn viên múa. Nhưng nhiều em đã bỏ lỡ giữa chừng, không thể theo đuổi đến cùng 6 năm đào tạo hệ trung cấp năng khiếu tuổi nhỏ; 3 năm đào tạo trung cấp (hệ 3 năm) vì các em phải học văn hóa.
Hiện nay, nhà trường không có điều kiện đào tạo văn hóa tại trường nên các em phải học văn hóa ở trường phổ thông và học nghệ thuật múa ở nhà trường. Ôn thi chuyển cấp năm cuối bận rộn khiến các em không có thời gian để đến trường học hết những năm còn lại.
Giảng viên múa Đậu Thị Hồng Vân, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An chia sẻ: “Các giảng viên của trường rất nhiệt tình giảng dạy, cơ sở vật chất nhà trường rất khang trang, chương trình đào tạo bài bản, các em được miễn học phí hoàn toàn, ngoài ra, các em còn có chế độ hỗ trợ của Nhà nước hàng tháng, có học bổng, tiền hỗ trợ giày dép, quần áo nhưng nhiều em học sinh có năng khiếu thực sự đã không thể tốt nghiệp.
Chúng tôi luôn động viên, tạo mọi điều kiện tối đa để các em vừa học văn hóa ở các trường phổ thông, vừa tham gia học năng khiếu. Nhưng nhiều em không thể theo hết chương trình học. Nhà trường và bản thân giảng viên rất tiếc với công sức giảng viên và học sinh bỏ ra”.
Bởi lý do trên nên đào tạo múa chuyên nghiệp hiện nay ở Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn khi phần lớn học sinh học múa xem múa chỉ là kỹ năng phụ. Còn với một số em có năng khiếu thực sự, muốn trở thành diễn viên chuyên nghiệp lại không có cơ hội học khi các em phải vừa học văn hóa, vừa học múa ở hai trường khác nhau. Lịch học chồng chéo, khó sắp xếp cho các em.
Nâng cao chất lượng đào tạo Biểu diễn Múa dân gian dân tộc là trăn trở của các giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An trước, trong và sau mỗi giờ lên lớp. Những trăn trở ấy cùng với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, sẵn sàng cống hiến của các thầy cô trẻ chuyên ngành, hy vọng múa xứ Nghệ sẽ chuyển mình, khởi sắc.