(GD&TĐ) - Các phòng khám và tư vấn sức khoẻ sinh sản cho nam giới luôn ẩn chứa nhiều câu chuyện bí mật. Đó là câu chuyện của những người đàn ông âm thầm sống chung với nỗi niềm "không biết tỏ cùng ai”.
Chuyện khó nói ở phòng khám nam khoa
Ở Trung tâm Nam khoa của Bệnh viện Việt Đức, người ra, vào nườm nượp. Căn phòng nhỏ chỉ chừng 10m2 nhưng có tới 4 bác sỹ làm việc không ngừng nghỉ. Những đấng mày râu được phong là "phái mạnh" đến đây không còn tự tin và mạnh mẽ như ngoài đời. Người thì bịt khẩu trang, người âm thầm ngồi một góc chờ đợi đến lượt vào khám. Họ cố tránh những con mắt dò xét của bàn dân thiên hạ. Thậm chí, nhiều người đàn ông không đủ tự tin đi một mình, phải có vợ đi cùng.
Anh Q mới 40 tuổi ở Thuỵ Khuê - Hà Nội, là 1 người kinh doanh tự do đến khám bệnh với triệu chứng "chưa đến chợ đã hết tiền" đã gần 2 năm nay. Lúc đầu anh sợ vợ chê nên cứ giấu diếm nói rằng vì bị đau dạ dày, trong người luôn bứt rứt khó chịu nên không muốn “chuyện ấy” và anh rất ngại đi khám nam khoa. Mãi đến khi vợ anh "chịu" không nổi phải dọa rằng nếu anh không chịu đi khám sẽ bỏ và đích thân đưa chồng đến khám anh mới chịu đi.
Một bệnh nhân xấp xỉ 50 tuổi (giấu tên) cho biết: Anh đến khám vì thấy đau lưng, “chỗ đó” đau nhức và ra mủ. Nguyên nhân, nửa năm trước anh đi công tác ở Đồ Sơn, sau một hồi nhậu say bí tỉ, tỉnh dậy mới tá hỏa nhận ra người nằm cạnh chả phải "cơm nguội” nhà mình. Anh đã mua thuốc để... tự chữa bệnh lây qua đường tình dục, nhưng mãi không đỡ. Sợ vợ phát hiện, sợ bệnh nặng hơn, mấy tháng nay lại "không làm ăn được gì”, anh đã quyết định tìm đến các bác sĩ nam khoa để được tư vấn, chữa trị
Tại phòng khám Nam khoa Ánh sáng (đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội), một bác sĩ cho biết: Một ngày tại đây có khoảng từ 30 đến 50 bệnh nhân đến khám. Nhưng nhiều nhất vẫn là nam giới. Những bệnh nhân nam đến đây hầu hết đều tỏ ra mặc cảm. Mỗi trường hợp bệnh nhân là một vấn đề riêng, có người bị vô sinh, người yếu hoặc rối loạn cương dương, có người lại mắc bệnh xã hội do quan hệ với gái mại dâm...
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hưng - phòng khám Nam khoa Ánh sáng - Hiện có đến 70% bệnh nhân các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, sùi mào gà... là do cặp bồ, số còn lại là quan hệ với gái mại dâm. Điều đáng lo ngại nữa là những bệnh nhân ở tuổi vị thành niên khi đến khám đều thú thật đã xem phim sex, hình khỏa thân. Có em 16 tuổi bị các anh lớn mắc bệnh đồng tính lôi kéo... Có em mới tí tuổi đã quan hệ với gái mại dâm, đến khi để lại hậu quả thì phụ huynh lại phải “áp tải” đến khám.
Sức khỏe sinh sản nam chưa được quan tâm đúng mức
Các bác sĩ cho rằng, hiện nay, việc chăm lo sức khoẻ sinh sản nam giới đang có một khoảng trống lớn. Có rất nhiều lý do khiến mảng nam học chưa được quan tâm. Trước hết do tâm lý của người bệnh. Nam giới thường có tâm lý ngại tìm đến cơ sở chữa những bệnh “khó nói” khiến bệnh tật trở nên khó chữa hơn. Đó là chưa kể do mặc cảm với gia đình và bạn bè, không ít nam giới tự tìm những nhà thuốc đông y hay các phòng khám tư không đảm bảo chất lượng dễ khiến bệnh nặng thêm, bị biến chứng...
Một lý do khác đáng quan tâm không kém nữa mà Giám đốc Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Phương Hồng cho hay: đó là tìm không ra nơi "gửi trọn niềm tin” điều trị bệnh nam khoa. Hiện chỉ một vài tỉnh có phòng khám Nam học. Ngay Bệnh viện Việt Đức, dù rất muốn thành lập khoa Nam học cũng chưa đủ điều kiện. Rất ít phòng khám chuyên khoa cho đàn ông, quá ít bác sỹ chuyên ngành Nam học, trong khi đó bệnh nhân luôn đến khám trong tình trạng không thể giấu hơn được nữa... Đó là những nguy cơ khiến sức khỏe sinh sản của một bộ phận mày râu bị giảm sút đáng kể.
Cần giũ bỏ tâm lí e ngại
Do tâm lí e ngại, nhiều đấng mày râu mắc bệnh “khó nói” rất ngại đi đến các trung tâm Nam khoa khám và chữa bệnh. Các bệnh nhân đều phải đấu tranh tư tưởng dữ dội mới chiến thắng nỗi e ngại này. Có nhiều trường hợp để bệnh quá lâu, đến khi đi khám bệnh để giải quyết hậu quả thì đã quá muộn. Ngoài ra, một số lượng lớn bệnh nhân chỉ xin tư vấn qua điện thoại mà không dám đối mặt với các bác sỹ, là nguồn gốc bi kịch của không ít gia đình.
Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu nam giới đang ở tình trạng bị rối loạn cương dương. Theo đó, đàn ông Việt Nam ở độ tuổi 41- 50 tỉ lệ rối loạn cương dương (RLC) là 44%, lứa tuổi trên 60 là 57%. Còn trên thế giới, có trên 100 triệu nam giới bị RLC, tỉ lệ nam trên 40 tuổi bị RLC là 52%. |
Các bác sĩ cho biết, đặc thù của việc chữa trị các bệnh nam khoa rất vất vả. Vì ngoài làm công tác chuyên môn, các bác sỹ còn phải trấn an cho bệnh nhân, thậm chí là "nói đỡ" cho bệnh nhân với người nhà của họ.
Gây nên sự mặc cảm nhiều nhất cho giới mày râu là căn bệnh "trên bảo dưới không nghe". Thế nhưng, tỷ lệ bệnh nhân mạnh dạn đến bệnh viện cũng chưa nhiều. Rất nhiều người tìm hiểu để tự chữa chạy cho mình, chủ yếu là dùng các bài thuốc gia truyền.
Trước tâm lí e ngại này, bác sĩ Nguyễn Bá Hưng - phòng khám Nam khoa Ánh sáng - khuyến cáo:"Sự thể sẽ không nghiêm trọng đến thế nếu mày râu rũ bỏ tâm lý ngán ngại, cởi mở thổ lộ rối loạn của mình cho bạn đời để cải thiện đời sống phòng the và giữ hạnh phúc lứa đôi".
Thiết nghĩ, đàn ông cũng cần luyện cho mình khả năng dám đối diện với sự thật để giải quyết triệt để vấn đề. Còn cứ mãi ôm mặc cảm thì không chỉ làm khổ bản thân mà khổ lây cho cả vợ, và làm lung lay hạnh phúc gia đình.
Thu Quỳnh